Chuyện người phụ nữ Việt với hơn 1,200 ngày bị đày ải

Cô Mùa Thị La, 24 tuổi, người Việt gốc H’Mong đã tìm được đường hồi hương từ Vương Quốc Arab Saudi, sau hơn bốn năm là nạn nhân của chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước Việt Nam.

“Chúng tôi vui mừng được tin cô La sắp đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, chia sẻ. “Chúng tôi cũng cảm ơn tổ chức quốc tế đã tài trợ tiền vé máy bay và chính phủ Arab Saudi đã can thiệp về giấy tờ cho cô La hồi hương”.

Chặng đường địa ngục của cô gái H’Mong này bắt đầu từ ngày 21 Tháng Một năm 2019. Công ty VINAGIMEX sau khi mồi chài, và nhận tiền trung gian đi lao động đã gửi cô La đi làm giúp việc ở Arab Saudi, với hứa hẹn sẽ sớm hoàn vốn, dành dụm được tiền giúp cho cha mẹ già. Nhưng thực tế không đẹp như giấc mơ thiên đường. Cô Mùa Thị La được đưa đến thành phố Jeddah và giao cho một bà chủ độc ác.

Cô bị bà chủ bắt làm việc tới 22 giờ mỗi ngày, bị bỏ đói và thường xuyên bị đánh đập. Có khi cô bị dìm nước, bị bóp cổ và bị đánh đến ngất và hôn mê. Có lần cô bị nhốt trong nhà vệ sinh suốt 20 ngày và chỉ được cho ăn đủ sống. Không được trả lương, mỗi lần cô La nhắc về số tiền lương 200 Rials (tương đương $53) thì bị bà chủ đánh đập, chửi mắng, làm nhục.

Có lần cô La đã thử tìm cách chạy trốn và tìm đến đồn cảnh sát cầu cứu. Nhưng khi cảnh sát đưa cô về nhà bà chủ để thu dọn hành lý thì bà chủ bắt giữ cô lại và đuổi cảnh sát đi. Dường như đây là một gia đình có quyền thế ở Jeddah. Sau một năm rưỡi bị đày đoạ, chờ đến một hôm không ai ở nhà, cô La leo cửa số trốn thoát thành công. Cô ra đi với hai bàn tay trắng và phải bỏ lại tất cả hành lý và giấy tuỳ thân. Cô mất luôn 10 tháng lương không được trả.

Cô La gọi về cho người môi giới của VINAGIMEX để cầu cứu; nhân viên này nói sẽ nhờ người làm việc ở Toà Đại sứ Việt Nam ở Arab Saudi can thiệp. Nhưng đó là cú lừa từ quê nhà. Không có sự can thiệp nào, và cô La phải đi xin làm việc quanh quẩn đổi miếng ăn, ở chỗ này chỗ khác xen kẽ những khoảng thời gian sống lang thang vỉa hè vô gia cư.

Tháng Chín năm 2021, người thân của cô ở Việt Nam sau khi cầu cứu và tuyệt vọng với những cái lắc đầu ở Việt Nam, bắt liên lạc được với tổ chức BPSOS và nhờ theo dõi các vụ giải cứu nạn nhân ở Arab Saudi. Lúc ấy cô La đang làm việc nhà của người chủ thứ tư.

Ngày 15 Tháng Mười, người chủ này bất ngờ đuổi cô ra khỏi nhà với ít tiền mặt. Cô La lại chỉ còn biết cách nhắn tin về nhà cầu cứu. Khủng hoảng và bơ vơ, cô La gần như dùng gần hết số tiền mang theo người để gọi hơn 60 cuộc điện thoại khắp nơi cầu cứu. Sau đó, thông qua BPSOS, cảnh sát Arab Saudi đã gửi tin báo tất cả các đồn cảnh sát ở thành phố Jeddah kèm với hình nhận diện do BPSOS cung cấp.

“Rất may mắn, đến cuối ngày thì chúng tôi nhận tin báo là một đồn cảnh sát đã nhận diện được cô La khi cô bước vào để xin trợ giúp”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc của tổ chức BPSOS kể lại, “Thế là họ lập tức đưa cô vào trung tâm bảo trợ xã hội ở trong thành phố.”

Cô Mùa Thị La quá cảnh phi trường Phi Luật Tân vào ngày 9 Tháng Mười Một, trên đường về nhà.

Sau khoảng sáu tháng, cô La được chuyển về trại SAKAN ở thủ đô Riyadh. Thân nhân ở Việt Nam nhiều lần đến công ty VINAGIMEX để yêu cầu nhanh chóng đưa cô hồi hương. Nhưng sau nhiều lần bị hối thúc, cơ quan môi giới lao động được nhà nước Việt Nam cấp phép trả lời là cô La phải ở lạiArab Saudi, nếu như muốn công ty đang đòi lại số tiền lương bị quỵt từ chủ.

“Lẽ ra họ phải giải quyết đưa nạn nhân về nước thật sớm và tự trích quỹ bồi thường cho nạn nhân khoản tiền lương bị quỵt”, Ts. Thắng giải thích. “Còn họ có thu hồi được đồng nào từ nhà chủ hay không thì đó việc họ phải tự giải quyết, không liên quan gì đến nạn nhân”.

Trước sự đau khổ của nạn nhân cũng như của gia đình, BPSOS đã xin chính quyền Arab Saudi giải quyết sớm giấy tờ và xin được một tổ chức quốc tế trang trải chi phí hồi hương cho cô La.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cô La để đòi cho kỳ được công lý và sự bồi thường thoả đáng từ công ty VINAGIMEX”, Ts. Thắng cho biết. “Chúng tôi cũng kỳ vọng là nhà nước Việt Nam sẽ hợp tác, nếu không muốn tiếp tục bị chính phủ Hoa Kỳ xếp hạng 3 về buôn người và phải đối mặt nhiều biện pháp chế tài”.

Cô Mùa Thị La tự quay lại làm bằng chứng, cảnh bị chủ đánh gây thương tích.

Hoàn cảnh của cô Mùa Thị La rất thương tâm. Cô sinh năm 1998, là người sắc tộc H’Mong ở bản Quá Măng, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Cô có một con trai năm nay sáu tuổi. Là bà mẹ đơn thân nuôi con sau khi hôn nhân đổ vỡ, cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Dù cô La không biết tiếng Việt hay ngoại ngữ, công ty VINAGIMEX vẫn đưa hợp đồng tiếng Việt cho cô ký và đưa cô đi làm công việc giúp gia đình ở Arab Saudi với thời hạn hai năm.

Chính vì những trận đòn tàn bạo đó cô đã bị tổn thương thể xác và tâm thần hết sức nặng nề. Có những hôm cô phải dùng kim châm vào các cục máu bầm trên đầu do bị đánh đập để có thể ngủ được. Thật chua chát, nếu không được đồng bào người Việt cùng nhau giúp đỡ thì không biết hôm nay số phận của cô Mùa Thị La đã ra sao.

Video trần tình của cô La sau một trận đòn chí tử của chủ nhà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: