Dù vẫn còn vài kết quả chưa được công bố và cuộc tái bầu cử runoff thứ nhì cho chiếc ghế Thượng viện tại tiểu bang Georgia vào đầu Tháng Mười Hai tới, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 tại Hoa Kỳ xem như đã kết thúc. Nếu làn sóng đỏ của phía Cộng Hòa không có được kết quả như dự đoán hay theo mong đợi từ đảng này thì ngược lại, việc đảng Dân Chủ thắng thêm chiếc ghế Thượng Viện cùng các ghế Thống Đốc tiểu bang trước tình trạng lạm phát gia tăng và Tổng thống đương nhiệm bị sụt giảm mức ủng hộ là một cuộc ngược dòng đáng kể.
Chiến thắng này phải được ghi công cho những cử tri trẻ thuộc thế hệ Z đã dành những lá phiếu của họ cho phía Dân Chủ, dẫn đến thắng lợi của đảng này.
Các định nghĩa về “Generation Z” (ngắn gọn là Gen Z) xem những thanh thiếu niên sinh từ những năm cuối thập niên 1990 hay đầu thế kỷ 21. Chính xác hơn theo tổ chức Pew Research Center là những em sinh từ 1997-2012, tức trong độ tuổi từ 10-25 hiện nay là thuộc thế hệ này. Một phần nhóm này là những cử tri bắt đầu đủ tuổi bỏ phiếu theo luật định từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 2016 cho đến nay.
Đây là nhóm cử tri có tỉ lệ tham gia bầu cử thấp nhất, trung bình chỉ trên dưới 30% các cử tri đủ điều kiện thuộc nhóm này. Tuy nhiên cử tri nhóm Gen Z chiếm khoảng 12% tổng số cử tri chung đã tham gia bỏ phiếu nên tính ra số phiếu thật sự thì cũng khoảng trên dưới 10 triệu lá phiếu trong cuộc bầu cử năm nay, đủ để làm thay đổi cán cân chính trị và quyền lực của chính trường nước Mỹ.
Các thăm dò hậu bầu cử năm nay cho thấy nhóm cử tri này đã bỏ phiếu áp đảo cho phía đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ, dù có sút giảm đôi chút so với vài cuộc bầu cử trước, tuy nhiên họ đã góp phần giúp cho các ứng viên Dân Chủ chiến thắng tại một số cuộc tranh đua không thể dự đoán trước kết quả vì tỉ lệ cách biệt chỉ là những lá phiếu rất nhỏ.
Tại Pennsylvania, thế hệ Z và một số cử tri thuộc nhóm Thế hệ Thiên Niên Kỷ (Generation Millennial hay Gen Y, sinh từ 1981-1996) đầu tiên, nhóm dưới 30 tuổi đã bỏ phiếu áp đảo cho ứng cử viên John Fetterman của đảng Dân Chủ với tỉ lệ 70% so với chỉ 28% cho ứng viên Mehmet Oz của Cộng Hòa, theo CIRCLE tường trình. Các số liệu về những cuộc tranh đua đầy khó khăn giữa hai đảng như tại Arizona, Nevada, Winscosin… cũng có sự góp sức của Gen Z vào kết quả chung cuộc. Nhìn chung, các cuộc thăm dò hậu bầu cử cho biết đã có 63% cử tri nhóm dưới 30 tuổi đã bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Dân Chủ.
Lá phiếu của họ đã giúp đưa đại diện đầu tiên của Gen Z vào Quốc Hội Hoa Kỳ nói riêng với tân dân biểu Hạ Viện Maxwell Frost trong nhiệm kỳ tới. Frost, 25 tuổi đã thắng cử tại Florida sẽ là dân biểu trẻ nhất tại Quốc Hội Hoa Kỳ nhiệm kỳ tới, tròn 25 tuổi để được vào Quốc Hội theo luật định.
Tại sao Gen Z ủng hộ các chính sách của các ứng viên đảng Dân Chủ?
Là những cử tri trẻ, nhóm Gen Z này nhìn nhận vấn đề xã hội một các bình đẳng và khoáng đạt hơn trong các vấn đề chủng tộc, di dân, giới tính, phá thai… Họ được giáo dục để nhận thức sự quan trọng của nền tảng khoa học kỹ thuật nên khó dành lá phiếu của mình cho những ứng viên phủ nhận khoa học, xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bịnh, thuốc chủng ngừa. Họ không muốn thấy một xã hội bạo lực, vốn xảy ra những vụ bắn người hàng loạt trong trường học, nên muốn súng đạn được kiểm soát. Họ muốn có những người đại diện có phẩm cách và hâm mộ những người có lý tưởng và mang tinh thần phục vụ. Đó là một vài lý do có thể kể ra chưa đầy đủ.
Mặt khác, nhóm Gen Z nghiêng về đảng Cộng Hòa dù đi theo các nguyên tắc và giá trị thuộc đảng Cộng Hòa nhưng họ cởi mở, ôn hòa và không bảo thủ hay cực đoan như các thế hệ trước. Nhóm này cũng có thể bỏ phiếu cho ứng viên mà họ cảm thấy xứng đáng hơn là chỉ bỏ phiếu theo liên đới đảng phái.
Ngay sau cuộc bầu cử, một số chính khách đảng Cộng Hòa lẫn một số nhà truyền thông cánh hữu đã nhận ra điều này nên đòi phải nâng độ tuổi cử tri lên 21 tuổi. Thậm chí một nhà dẫn chương trình truyền thanh là Peter Schiff còn đòi tăng đến 28 tuổi.
Những người này lý luận rằng nhóm Gen Z “bị tẩy não”, chưa thật sự ra đời, chưa đối diện những khó khăn thật sự của đời sống để có thể thấu đáo những ảnh hưởng chính trị đến cuộc sống của họ. Tất nhiên đây chỉ là những phản ứng, suy nghĩ nhất thời của những người đưa ra vì Hiến pháp Hoa Kỳ quy định độ tuổi cử tri là 18 tuổi.
Để hiểu hơn về thế hệ này có đủ chín chắn hay chưa thì có thể xem qua vài khảo sát từ Ủy Ban Dân Số Hoa Kỳ. Theo các khảo sát này, đây là thế hệ có học vấn cao hơn các thế hệ trước và tỉ lệ ghi danh vào đại học sau trung học cũng cao hơn. Thăm dò Deloitte Global 2021 còn cho thấy nhóm này đóng góp từ thiện, tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và dự phần xã hội dù ngoài đời hay trên mạng xã hội với một tỉ lệ khá cao, trên 50%. Trong đó đến 30% nhóm này cho biết họ đã từng tham gia vào các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng xã hội, nhân quyền, môi trường.
Họ cũng là nguồn nhân công năng động, có học vấn và chuyên môn cho thị trường lao động Hoa Kỳ, đồng thời là tương lai của nước Mỹ.
Dân biểu Trâm Nguyễn, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Phát triển Việc Làm và Nhân Công tại Quốc Hội Massachusetts và là một dân biểu đảng Dân Chủ vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba bày tỏ rằng, bà rất phấn khích khi nhìn thấy Gen Z dự phần nhiều hơn. Bà hy vọng khi một nửa còn lại của nhóm này chính thức đủ tuổi bầu cử thì ảnh hưởng từ nhóm này đến chính trị Hoa Kỳ còn sẽ gia tăng hơn.
Bà cũng cho biết rằng, bà cùng các nhân viên vẫn luôn gắn kết cùng Gen Z và sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong nhiệm kỳ tới khi đang hợp tác cùng các tổ chức công dân, đến nhiều trường học địa phương nói chuyện với học sinh về các vấn đề công dân, cũng như mang ý định sẽ mở rộng các cuộc thuyết trình về tầm quan trọng của các cuộc bầu cử và sự tham gia vào chính trường đến các sinh viên đại học.
Trong khi mọi lá phiếu đều bình đẳng và có giá trị như nhau thì điều không thể phủ nhận là sự ủng hộ của giới trẻ Gen Z đã giúp đảng Dân Chủ chiến thắng. Có lẽ những nhà chiến lược của hai đảng sẽ có những kế hoạch để thu hút nhóm cử tri này về mình trong các cuộc bầu cử tương lai tại Hoa Kỳ thay cho việc giới hạn ảnh hưởng của họ.