Ông bố vợ đáng sợ

(Minh họa: Mykyta Martynenko/Unsplash)

Tụi em hiện đang ở với bố mẹ vợ. Người Mỹ nói mẹ vợ rất đáng ghét, nhưng em lại thấy không phải vậy, chắc tại em là người An Nam. Thật ra bố vợ của em mới là người không những đáng ghét mà còn đáng sợ nữa.

Trước đây ông làm lớn trong quân đội, bây giờ thì thời đó đã qua lâu rồi, nhưng ông vẫn tưởng mình còn là sếp. Ông nói ngang quá sức, cái gì ông nói là phải đúng, không được cãi. Mà ông nói sai không chịu được. Mà thôi cứ cho là ông đúng đi, nhưng còn cái cách ổng nhìn em như đồ lính hầu của ổng làm em khó chịu quá.

Lúc nào ông cũng cho là em tu mấy kiếp mới lấy được con gái ông. Vợ em nhiều khi chăm sóc cho chồng, ngồi ăn hay gắp thức ăn cho em thì ông trừng mắt nhìn cô ấy. Mỗi lần ăn món gì có cuốn bánh tráng, thấy em làm không khéo, vợ em làm dùm thì ông lại tỏ ý tội con gái. Mà trong khi má vợ em thì hầu chồng như là hầu vua. Ông ba sáng ngồi phè ra đọc báo, còn mẹ thì lo lau nhà dọn dẹp. Ba em không giúp một chút nào cả, nhưng lại không bằng lòng con gái lo cho em.

Sao bất công vậy? Nói thì vợ em cứ bảo, tại hồi xưa ba đã như vậy, ngày nay ba đỡ nhiều lắm đó, ngày xưa bao nhiêu lính hầu ba, nay chỉ có mình mẹ hầu thôi. Em không có điều kiện ở riêng nên phải làm lính hầu ông tướng về hưu. Cũng may mà vợ em lại rất dễ thương, nên em nín thở qua sông chứ em sùng gan lắm rồi.

Hiện nay, tình hình tài chánh của hai vợ chồng, cộng với giá nhà cao vùn vụt, chuyện tụi em có nhà riêng chắc nằm mơ cũng không thấy. Trong khi ba thì minh mẫn khoẻ mạnh, chắc còn lâu lắm em mới thoát kiếp lính hầu. (Quý)

GÓP Ý

-Hữu Thọ

Tôi thấy không phải chỉ có ông bố, bà mẹ mà tất cả gia đình, họ hàng hang hốc bên đằng gái, đều cho thằng rể phải tu mấy kiếp mới lấy được cô gái nhà họ. Ngược lại thì gia đình đàng trai cũng cho con dâu phải tu mấy kiếp mới lấy được con trai họ.

Sự thường thôi anh Quý ạ! Anh không tin thử về nhà hỏi bố mẹ ruột của anh có phải họ cho rằng vợ anh tu 101 kiếp mới lấy được anh! Thôi chuyện đời thường xảy ra thế, anh có người vợ tốt như thế là quý rồi.

Người ta nói, “Chồng ghét thì ra mà mụ gia ghét thì và.” Trường hợp của anh mình có thể đổi lại, “Vợ ghét thì ra, cha vợ ghét thì ta cứ lì.”

-Thắm

Anh ở kèo dưới rồi anh ạ! Ăn nhờ ở đậu nhà cha mẹ vợ thì đành thôi, không nghe anh nói gì đến mẹ vợ, điều này có thể hiểu bà cũng thương anh, mà thường là chàng rể hay được mẹ vợ thương lắm! Như thế anh đã được hai vote rồi, 2 trên 1 vậy là anh là kẻ thắng cuộc, ông tướng thua rồi, anh còn muốn gì nữa!?

-Thiệu Hiền

Không có ông cha vợ nào không ngứa mắt khi thấy con gái yêu của mình cuốn thức ăn hầu thằng rể thân to đầu bự kia. Anh cứ có con gái rồi biết!

-Hồng Hoa

Em lấy vợ mà không cho nổi vợ mình một mái nhà để che mưa che nắng nên phải ở chung đụng với ba má vợ, đã vậy phải em là hoàng tử gì cho cam, em chỉ là thằng con rể. Dưới mắt người cha vợ, em là một thằng con rể bất tài. Vậy mà vô nhà người ta, em chỉ biết so sánh với cha vợ của mình mà không nghĩ tới em cũng là đàn ông mà em không thể là một cột trụ cho vợ em dựa, lại để cho vợ mình khi đã lấy chồng lại phải chạy về nhà ba má cô ấy để tiếp tục nhờ ba má giúp đỡ. Em thua ba vợ mình cái chỗ đó.

Còn nữa, vợ em đã lấy em, mọi thứ trong gia đình nhỏ của em bây giờ là trách nhiệm của em. Nhà tuy là nhà của ba má vợ nhưng người nhờ vả (trên danh nghĩa) thì chính là em chứ không phải cô ấy. Em là người ở nhờ chứ đâu phải là ông chủ con, công việc từ trong ra tới ngoài sân, đúng ra là em phải một tay phụ giúp. Thấy má vợ mình loay hoay làm gì, thay vì đứng đó mà nhìn ông già vợ rồi so sánh, em nên nói má vợ mình “Má đi nghĩ để con làm cho má.” hay “Cái này làm thế nào má chỉ con để con phụ má.” Đó là người biết ăn ở.

Dù gì vợ của em cũng là con gái ruột của người ta, người ta có thương (có tội) thì cũng là lẽ thường tình. Em là chồng, không lo được cho nó mà còn bắt nó hầu như vậy trước mặt ba má vợ thì ai mà không điên tiết. Cái gì không biết làm hay không khéo làm thì phải học phải tập. Ai mà không phải trải qua những lúc như vậy. Cái suy nghĩ “chồng chúa vợ tôi” chỉ có thể còn tồn tại ở trong đầu của những người như ba vợ của em chứ không thể để nó tiếp tục ở cái thời của em nữa cho nên em không thể so sánh là tại sao má vợ hầu cha vợ thì được mà tới khi vợ em hầu em thì họ lại không thích.

(Minh họa: John Arano/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Em làm manager cho một công ty, công việc ổn định. Nhờ sếp thương nên em đưa được chồng em vào làm chung sở. Từ ngày ảnh vào làm chung sở thì đồng nghiệp của em cũng trở thành đồng nghiệp của ảnh. Tính chồng em vui vẻ, cởi mở, rộng rãi nên mọi người đều yêu mến. Bạn em ai cũng nói em có phước lấy được ông chồng như vậy. Em cũng vui khi chồng được khen.

Từ ngày ảnh vào làm chung với em, tưởng rằng vợ chồng sẽ gần gũi nhau nhiều hơn, không ngờ ngược lại. Hồi xưa, cả tuần đi làm, cuối tuần vợ chồng con cái còn đi ăn với nhau, có khi hai vợ chồng gửi con đi coi phim.

Nay thì không còn nữa, từ ngày ảnh vào làm, vì công việc nên chung quanh ảnh bao giờ cũng cần thêm năm, bảy đứa nhỏ phụ việc, tụi nhỏ trở thành đàn em của ảnh. Không biết tự bao giờ ảnh có một vương quốc của mình, ảnh khát nước là có đứa đi mua nước, ảnh đói là có đứa hỏi thèm ăn gì rồi đi mua…

Nếu ngang đó thôi thì không nói gì, tính chồng em rộng rãi nên bao giờ tụi nhỏ đi mua thì ảnh cũng đưa tiền mua cho cả đám ăn. Chưa hết, cuối tuần vợ chồng đi ăn hay đi coi phim thì ảnh cũng gọi cả đám đi cùng. Vài lần thì không sao nhưng ảnh làm anh hùng hoài thì đồng lương của hai đứa không kham nổi.

Thêm một điều nữa, sau này ảnh chỉ muốn chơi với đám nhỏ. Em biết là anh mặc cảm nên không dám chơi với người giỏi hơn. Trong khi công việc của ảnh thì rất cần phải học hỏi những người giỏi hơn. Hiện giờ ảnh là “top” của đám con nít. À còn một điều nữa, đứa nào trong đám đó đi học thêm là anh chống đối ra mặt. Em thấy ảnh kỳ cục quá.

Giúp em làm sao kéo chồng em ra khỏi đám con nít đi ạ! (Hà Lưu)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: