Đằng sau những đôi giày và quần áo cầu thủ World Cup

Ít người biết rằng Adidas Al Rihla, quả bóng chính thức của World Cup 2022, được sản xuất từ những bàn tay tươm máu (ảnh: Maddie Meyer – FIFA/FIFA via Getty Images)

Khi World Cup Qatar khai mạc vào tuần trước, hàng triệu người hâm mộ đã mặc những chiếc áo có giá từ $90 đến $150 được bán bởi Nike và Adidas, nhà cung cấp trang phục chính thức của giải đấu năm nay. Với giầy thì có giá bán lẻ hơn $200.

Những bộ đồ làm từ nước mắt

Những người làm ra những món đồ này được trả bao nhiêu? Với 7,800 công nhân tại nhà máy Pou Chen ở Yangon, Myanmar, nhà cung cấp giày bóng đá cho Adidas, mỗi công nhân nhận được vỏn vẹn 4,800 kyat, tương đương $2.27/ngày. Đây cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh liên tục của nhiều người trong khoảng 40 triệu công nhân may mặc ở Nam Á, vốn từ lâu vật lộn với điều kiện làm việc và tiền lương tồi tệ. Mới đây, Tháng Mười, sau khi công nhân đình công đòi lương $3.78/ngày, nhà máy đã gọi binh lính vào khu liên hợp và sau đó sa thải 26 công nhân, trong đó có 16 thành viên công đoàn, những người được cho là “đầu têu” lãnh đạo cuộc đình công của hơn 2,000 công nhân.

The New York Times cho biết, một số công nhân nói rằng nhà máy đang tận dụng cơ hội này để trừng phạt những công nhân tham gia lao động có tổ chức, vào thời điểm mà chính quyền quân sự cầm quyền Myanmar đang tìm cách phá bỏ hệ thống cấu trúc dân chủ. Lạm phát gia tăng và đồng tiền suy yếu đang gây áp lực lên sinh kế của người dân Myanmar. Kể từ cuộc đảo chính năm ngoái, đồng kyat đã giảm hơn 50% so với Mỹ kim và chi phí hàng hóa, vận chuyển và nhà ở ngày càng tăng vọt. Một công nhân thậm chí kể rằng cô phải nhịn ăn ba ngày.

Giày Nike của đội tuyển Canada tại FIFA World Cup Qatar 2022 (ảnh: Robbie Jay Barratt – AMA/Getty Images)

Trong một tuyên bố gửi qua email từ trụ sở chính Pou Chen tại Đài Loan, công ty nói rằng họ tuân thủ luật pháp và quy định địa phương trong việc tính toán và chi trả tiền lương và các vấn đề nhân sự, đồng thời tôn trọng quyền thương lượng tập thể của người lao động. Trong khi đó, Adidas tuyên bố: “Adidas phản đối mạnh mẽ việc sa thải này, điều này vi phạm các tiêu chuẩn về nơi làm việc và cam kết lâu dài của chúng tôi trong việc duy trì quyền tự do lập hội của người lao động. Chúng tôi đang điều tra tính hợp pháp về hành động của nhà cung cấp và chúng tôi đã kêu gọi Pou Chen ngay lập tức tái thuê mướn những công nhân bị sa thải.”

Hầu hết thương hiệu thời trang và đồ thể thao phương Tây không sở hữu các cơ sở sản xuất, thay vào đó họ ký hợp đồng với các nhà máy hoặc nhà cung cấp độc lập, thường ở Nam bán cầu. Điều này có nghĩa về mặt kỹ thuật, họ không phải là người sử dụng lao động và do đó không chịu trách nhiệm pháp lý trong việc thực thi các tiêu chuẩn lao động hoặc nhân quyền. Một số công ty, chẳng hạn H&M, Adidas và Nike, gần đây bắt đầu cung cấp rõ hơn về chuỗi cung ứng bằng cách đưa ra thông tin cho biết nhà máy nào sản xuất hàng của họ. Adidas thậm chí cung cấp một danh sách các nhà cung cấp hàng may mặc cho World Cup. Trong khi đó Nike, công ty sản xuất bộ dụng cụ (kits) cho 13 đội tuyển dự World Cup như Mỹ, Anh và Brazil, lại không công bố danh sách các nhà cung cấp.

Những quả bóng từ những bàn tay rướm máu

Hơn 2/3 quả bóng trên thế giới được sản xuất tại một trong 1,000 nhà máy ở Sialkot, Pakistan; trong đó có Adidas Al Rihla, quả bóng chính thức của FIFA World Cup 2022. Tờ Bloomberg cho biết, ở Sialkot, có khoảng 60,000 người làm việc trong các phân xưởng may bóng da – tương đương khoảng 8% dân số thành phố. Họ thường làm việc trong nhiều giờ và khâu các miếng da lại bằng tay. Hơn 80% quả bóng đá được sản xuất tại Sialkot làm bằng kỹ thuật thủ công, một quy trình tốn nhiều công sức giúp quả bóng bền hơn và ổn định hơn về mặt khí động học. Đường may sâu hơn, mũi có độ căng lớn hơn so với may bằng máy.

Nam giới làm các giai đoạn khác nhau của quy trình sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu hoặc kiểm tra chất lượng. Cho đến khi các quy định về lao động được ban hành vào năm 1997, các nhà máy ở Sialkot từng tuyển trẻ em 5 tuổi cùng với cha mẹ chúng. Trong khi đó, một báo cáo 2016 lại nói rằng việc cấm lao động trẻ em là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp may bóng da ở Sialkot, vì điều đó “làm mất đi một phần thế hệ tay nghề tiềm năng,” dẫn đến tình trạng thiếu lao động đang diễn ra.

Công nhân may bóng da tại Sialkot, Pakistan (ảnh: Warrick Page/Getty Images)

Tại nhà máy Anwar Khawaja Industries, thợ khâu được trả chừng 160 rupee – khoảng $0.75 – cho mỗi quả bóng. Mỗi người mất ba giờ để hoàn thành. Mỗi quả bóng được tạo thành từ 20 miếng lục giác và 12 miếng ngũ giác được nối với nhau bằng 690 mũi khâu. Với ba quả bóng một ngày, một thợ khâu có thể kiếm được khoảng 9,600 rupee mỗi tháng. Đây là mức thu nhập quá thấp. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, mức lương đủ sống cho Sialkot là khoảng 20,000 rupee một tháng. Hầu hết người khâu bóng da là phụ nữ. Trong một ngày nào đó tại Anwar Khawaja Industries, họ có thể khâu hai quả bóng, trở về nhà nấu nướng cho con cái, rồi tiếp tục công việc ở ngôi làng gần đó vào buổi chiều.

Những gia đình không có ruộng để canh tác hay không có bò để lấy sữa thì cần ít nhất hai người khâu bóng toàn thời gian mới kiếm được ba bữa ăn mỗi ngày. Những người này là thành viên của giai cấp vô sản toàn cầu. Sự nghèo khó của họ đem lại những sản phẩm đầy mồ hôi và nước mắt cho thế giới. Các nhóm hoạt động nhân quyền muốn thức tỉnh thế giới bóng đá rằng những ngôi sao hàng đầu của họ đang đá quả bóng thấm đượm mồ hôi lao động trẻ em. Tuy nhiên, thực tế vẫn là bi kịch tiếp nối bi kịch.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: