Với mong muốn có bụng phẳng để dễ diện đồ đón tết, một phụ nữ 49 tuổi đã nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội đi chích thuốc tan mỡ tại một cơ sở làm đẹp và hậu quả là… phải vào bệnh viện chữa di chứng.
Báo Lao Động hôm 24 Tháng Mười Hai đã có một phóng sự ngắn bằng video mô tả di chứng sau khi chích thuốc tan mỡ của một phụ nữ. Hình ảnh trên video cho thấy vùng bụng, hông, đùi… của nạn nhân xuất hiện nhiều nốt đỏ, viêm và chảy mủ. Theo bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang, Bệnh viện Da Liễu, Sài Gòn trước đó hai tháng, người phụ nữ này đã nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội tìm đến một cơ sở làm đẹp ở quận 10 để chích thuốc tan mỡ. Sau hai tuần điều trị tại bệnh viện với phác đồ bao gồm kháng sinh và kháng viêm, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt nhưng việc điều trị sẽ còn kéo dài và có nguy cơ vùng bụng để lại nhiều sẹo xấu vĩnh viễn.
Bác sĩ Giang giải thích chích thuốc tan mỡ là dùng loại thuốc có thể ly giải tế bào, giảm thể tích tế bào mỡ ở vùng không mong muốn, với tác dụng phụ là đau, hình thành khối máu tụ, sưng phù kéo dài, nặng hơn sẽ là nhiễm trùng, viêm mô tế bào, loét và hoại tử nếu việc chích thuốc tan mỡ không đúng kỹ thuật, trong tiến trình làm bị nhiễm khuẩn.
Vị bác sĩ này khuyến cáo: Hiện Bộ Y tế không cho phép dùng thuốc để chích tan mỡ, nên các loại thuốc chích quảng cáo làm tan mỡ đều là loại hàng nhập không rõ nguồn gốc, trong thuốc có thể chứa thành phần gây tổn thương da, mạch máu và thần kinh.
Cũng theo vị bác sĩ này, cách hiệu quả nhất để làm tan mỡ bụng vẫn là thay đổi cách ăn uống và tập thể dục, nhưng chắc chắn cách này sẽ bị bỏ qua đối với những phụ nữ thiếu sự kiên trì hoặc cho rằng mình quá bận rộn.
Hồi Tháng Tư 2022, một phụ nữ ở Cao Bằng cũng mất hơn 100 triệu đồng ($4,000) để điều trị biến chứng do chích thuốc tan mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội. Bà đã đồng ý chích 30 liều thuốc tan mỡ với giá 30 triệu đồng ($1,200) trong vòng một tiếng đồng hồ! Thế nhưng sau đó về nhà, vòng bụng của bà không giảm mà lại càng căng to và chảy xệ, khiến nhiều người lầm tưởng bà mang thai đã tám tháng!
Tình trạng các cơ sở thẩm mỹ tự tiện tiến hành nhiều phương pháp làm đẹp vượt quá khả năng không phải là mới ở Việt Nam và cả Sài Gòn. Dù không có con số thống kê khách hàng – bệnh nhân bị chết hoặc hoại tử hoặc tật nguyền một phần cơ thể vì biến chứng sau khi làm đẹp ở Việt Nam, thỉnh thoảng các báo lại phản ảnh một trường hợp khi khách hàng – bệnh nhân đó chạy đến bệnh viện (thường là công lập) để sửa chữa lại hậu quả.
Mới nhất là vụ một phụ nữ 25 tuổi chết vì sốc thuốc mê sau khi đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Phú Nhuận thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái, hôm 29 Tháng Mười Một. Sau ba ngày cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, khách hàng-bệnh nhân bị chết, Thanh tra Sở Y tế mới tìm đến địa chỉ cơ sở thẩm mỹ thì cơ sở này đã tháo biển hiệu, trả mặt bằng. Tìm ai? Phạt ai?