Cà kê với Trump và hiện tượng ‘Clairvoyance’

Ảnh: Joe Raedle/Getty Images

Nhân dịp Giáng Sinh 2022, cựu Tổng thống Trump đã lên mạng xã hội Truth Social của mình để gởi lời chúc mừng đến bàn dân thiên hạ. Xét thấy đây là một trong những lời “chúc Tết” khá độc đáo trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ xưa nay, xin mạo muội dịch nó sang Việt ngữ để chia sẻ với quý độc giả:

“Mừng Giáng Sinh đến với MỌI NGƯỜI, kể cả những kẻ “Mác-xít Thiên tả Cực đoan” đang ra sức tàn phá đất nước chúng ta, Văn phòng Điều tra Liên bang [FBI] đang o ép và trả tiền một cách phi pháp cho mạng xã hội và bọn truyền thông thổ tả để chúng tung hê một gã Dân chủ thiểu năng trí tuệ thay vì một nhân vật Kiệt xuất, Nhìn xa Trông rộng, và Yêu nước Mỹ là Donald J. Trump, và, tất nhiên, Bộ Tư Pháp, vì đã bổ nhiệm một “Công tố viên” đặc biệt, người cùng với vợ con y còn GHÉT “Trump” hơn bất cứ ai khác trên trái đất. TÌNH YÊU ĐẾN TẤT CẢ!”

Nguyên văn của nó như sau:

Để ý ông Trump không xài chữ Tôi bình thường để tự xưng, mà dùng nhân vật thứ ba – trong trường hợp này là tên của mình, như một ngữ pháp hòng nâng cao vị trí người phát ngôn. Thay vì nói “I am brilliant” – thì ông ta nói “Donald Trump là một người thông minh kiệt xuất.” Tương tự như thế, ông ta gọi Trump là “clairvoyant” — tạm dịch là “nhìn xa trông rộng” cho xuôi tai. Song chữ “clairvoyant” còn mang nhiều ý nghĩa khác.

Clairvoyant (tĩnh từ) đến từ tiếng Pháp. “Clair” tiếng Anh là “clear” (trong sáng, rõ ràng); “voyant” đến từ động từ “voire” nghĩa là “to see” (nhìn, thấy). Dịch sát là “clear-eyed”, tiếng Việt có từ “sáng mắt” khá tương tự. Tuy nhiên, vào khoảng giữa thế kỷ 19, clairvoyance (danh từ) bắt đầu được dùng để gọi khả năng siêu hình có thể nhìn thấy sự việc sắp xảy ra (có khi đã xảy ra). Người có khả năng này được gọi là “a clairvoyant” (danh từ). Trong văn hoá của người Việt, chữ gần nhất với nghĩa này có lẽ là “đồng bóng”, hay một cách lịch sự hơn: “nhà ngoại cảm.”

Ở Âu Châu vào thế kỷ 19, hiện tượng “clairvoyance” gây nhiều chú ý trong giới khoa học gia, đặc biệt các nhà nghiên cứu tâm lý học. Họ bày ra các trò thí nghiệm đủ kiểu để xem thực hư ra sao. Tương truyền trong một buổi “lên đồng” (séance) nọ có cả sự tham dự của nhà văn Arthur Conan Doyle, tác giả bộ truyện trinh thám ‘Sherlock Holmes’ nổi tiếng. Sau lần đó chính ông Doyle cũng nghĩ clairvoyance là có thật.

Nhưng sau hơn một thế kỷ thử nghiệm và nghiên cứu kéo dài đến thập niên 1970, đa số các khoa học gia kết luận clairvoyance không thể chứng minh bằng khoa học và do đó họ liệt nó vào hạng mục “hiện tượng siêu nhiên” (paranormal), cùng với những khả năng “thần thông” khác như ESP (extra-sensory perception, đọc được ý nghĩ trong đầu người khác) hay telepathy (truyền đạt ý tưởng đến người khác ở cách xa vạn dặm chỉ bằng ý nghĩ)…

Thế thì có phải ông Trump cho rằng mình là người có khả năng bói toán, đoán được chuyện tương lai? Cũng có thể lắm. Ai khác phát biểu kiểu đó ta có thể không tin vì thấy điên khùng quá, nhưng nếu là ông Trump thì phải xét lại. Cần biết là chữ clairvoyant ngày nay không đơn thuần mang ý nghĩa paranormal nguyên thuỷ trong tâm lý học nữa, mà còn được dùng một cách rộng rãi hơn trong giới bình dân, lắm khi như một câu nói đùa. Ví dụ: “Làm sao tao biết mày có ý định mua chiếc xe đó. Tao có phải là clairvoyant đâu!”

Đôi khi chữ này được dùng một cách nghiêm chỉnh để gọi những người có tầm nhìn xa, có thể dự đoán chuyện tương lai dựa trên dữ kiện (facts) và suy luận (logic). Chẳng hạn như trong kỳ World Cup ở Qatar vừa rồi, có người dự đoán sau khi thua Saudi Arabia trận đầu tiên, Lionel Messi và Argentina sẽ quyết tử đánh tới cùng, có thể vào đến tứ kết hoặc bán kết và có khả năng thắng luôn cúp 2022. Và như mọi người biết, điều đó đã thực sự xảy ra mặc dù đa số đều tưởng Spain, Brazil hay France sẽ đoạt giải vì đó là những đội mạnh nhất. Tất nhiên người đưa ra dự đoán trúng phóc ấy chẳng có khả năng thần thông siêu phàm gì ráo, mà chỉ suy luận dựa theo tâm lý con người ta nói chung, và của siêu sao Messi nói riêng.

Trở lại chuyện ngài cựu tổng thống 45 gọi mình là clairvoyant. Theo thiển ý, đây là cách ông Trump tự cho mình là người thông minh (brilliant), có tầm nhìn xa và có thể đoán trước được chuyện gì sắp xảy ra. Ông Trump không nói thẳng ra chuyện đó là chuyện gì, nhưng nếu ta theo dõi kỹ những phát biểu gần đây của ông ta, nhất là sau khi Bộ trưởng Merrick Garland bổ nhiệm Jack Smith làm “Special Counsel” trông coi các đại bồi thẩm đoàn điều tra hình sự Donald Trump, ta có thể thấy rõ ràng ông ta đang … run! Chỉ riêng việc ông ta bị bắt quả tang mang tài liệu tối mật ra khỏi Toà Bạch Ốc và giấu tại tư gia cũng đủ để bị truy tố rồi.

Uỷ Ban Jan 06 của Hạ Viện tại WASHINGTON, DC ngày 12 Tháng Bảy, 2022. Ảnh: Demetrius Freeman/The Washington Post via Getty Images

Mới đây nhất, Uỷ Ban Jan 06 của Hạ Viện vừa công bố bản tường trình cuộc điều tra vụ tấn công Điện Quốc Hội. Theo đó họ đề nghị Bộ Tư Pháp truy tố Donald Trump bốn tội danh, nghiêm trọng nhất là tội mưu phản – “Seditious Conspiracy.” Uỷ Ban cũng đồng ý giao toàn bộ hồ sơ và chứng cứ họ thu thập được cho ông Jack Smith để ngài “Special Prosecutor” [chữ dùng sai của Trump] tuỳ nghi sử dụng. Chưa hết, vài ngày nữa Quốc Hội sẽ công khai hoá hồ sơ thuế sáu năm qua của Donald J. Trump.

Bị tấn công tới tấp từ nhiều phía như vậy, trừ phi Trump là người hoàn toàn trong sạch không làm điều gì sai quấy, việc ông ta bị bấn loạn đến đỗi phải tung ra lời “chúc tết” đầy uất hận như trên là chuyện dễ hiểu. Tiếng Anh có thành ngữ “face the music” để ám chỉ việc một người phải đối diện với sự thật và chịu trách nhiệm (accountable) cho hành động của mình. Ta không cần khả năng clairvoyance để nhìn thấy Donald Trump đã sáng mắt ra và biết rõ mình sắp phải ra trước toà để “face the music.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: