Các kỹ sư công nghệ từng toàn quyền tự chọn công việc mình thích trong nhiều năm qua, nay thời kỳ “sung sướng” đó đã qua rồi!
Từ câu chuyện của Tiara Richardson
Thế giới công nghệ với nhiều công ty lớn khống chế thị trường lao động thu nhập cao đã phải cắt giảm hàng trăm ngàn việc làm và làm “bội thực” thị trường lao động với những tài năng cạnh tranh khốc liệt. Thử xem một trường hợp được thuật lại từ The Washington Post.
Tiara Richardson, 40 tuổi, đã đọc các thông tin báo trước về việc Big Tech sắp sa thải hàng loạt, nhưng cô vẫn hy vọng công việc thiết kế nội dung cho Meta vẫn an toàn. “Đã làm việc từ xa cho công ty được bốn tháng, có thời điểm, nhóm của tôi được xem là ‘ưu tiên hàng đầu’ của công ty” – cô nhớ lại. Vì vậy, khi thấy một email sa thải gửi đến hộp thư đến của mình vào Tháng Mười Một, Richardson cho biết cô “bị sốc thật sự và suy sụp”.
Hiện sống ở Raleigh, North Carolina, cô cho biết có khoảng 11,000 đồng nghiệp cũng bị mất việc trong đợt sa thải này. “Lần đầu tiên tôi khóc vì chưa bao giờ gặp phải trường hợp như thế trong đời. Rồi tôi bắt đầu lo lắng: Ôi Chúa, nếu mình không tìm được việc làm thì sao?”. Một tháng sau ngày bị sa thải, Richardson lên LinkedIn thông báo cho bạn bè biết cô đã nộp đơn xin việc trong Tháng Mười Hai và Tháng Một nhưng phải cạnh tranh với hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn người cho cùng một vị trí.
“Không còn kiểu xin đâu cũng có việc, và chọn việc gì cũng có chỗ. Cạnh tranh khốc liệt hơn trước nhiều. Tôi nhận được vô số phản hồi từ chối khi ứng tuyển” – cô nói. Richardson cho biết cô đang cố thay đổi để dễ tìm việc hơn. Với kiến thức nền tảng về thời trang và sở thích về truyền thông, giải trí và công nghệ, cô đang xin những công việc mới và đã liên hệ với người đứng đầu bộ phận nhân sự của Parkwood Entertainment và công ty của ca sỹ Beyoncé Knowles-Carter, đồng thời tiếp cận Quỹ Obama. “Lời khuyên của tôi là bạn hãy giữ một tư duy tích cực và đừng ngại thực hiện các đột phá để kiếm được việc làm” – cô nói.
Ngày càng bấp bênh
Richardson là một trong hàng trăm ngàn lao động công nghệ đang ở cùng một con thuyền mà họ không bao giờ muốn: Bất ngờ mất việc và phải vất vả tìm kiếm việc làm tiếp theo với số lượng ít hơn rất nhiều và có nhiều đối thủ tài năng cùng đua. Các công ty công nghệ Twitter, Meta, Stripe, Lyft và gần đây nhất là Salesforce và Amazon nằm trong số công ty nổi tiếng phải cắt giảm lực lượng lao động.
Đối với Meagan Moakes, 37 tuổi, cư dân Dallas (Texas), việc bị sa thải là một “trải nghiệm bình thường”, dù nó xảy ra đúng thời điểm tồi tệ nhất: Chồng cô cũng bị sa thải hai ngày trước đó! “Tôi bị sa thải bốn lần trong sự nghiệp của mình – Moakes nói – Đến lần thứ tư, tôi gần như tê liệt. Chúng tôi từ một gia đình có hai thu nhập đến một gia đình có một thu nhập rồi không còn thu nhập nào chỉ trong trong 48 giờ!”.
Moakes cho biết cô gặp khó khăn xin việc hơn chồng, một nhà phát triển trò chơi điện tử. Phụ trách công việc quan hệ khách hàng cho các công ty công nghệ lớn, nhỏ, cô phải tranh giành với từ 350 đến 3,600 ứng viên thất nghiệp như mình, nhiều người đến từ các công ty công nghệ lớn. “Thất bại nhiều lần nên tôi bắt đầu nghi ngờ về kỹ năng và thành tích của bản thân. Tôi cảm thấy như bị lạc trong biển tài năng!” – chị nói.
Vahan Terterian, cư dân Denver, 26 tuổi đã ứng tuyển ít nhất 150 vị trí kể từ khi anh mất việc vào Tháng Mười, nhưng chỉ một số ít phản hồi. “Có lúc tôi thấy nặng trĩu lồng ngực” – anh cảm thán. Sau khi mất vài ngày để hồi phục sau cú sốc mất việc, Terterian bắt đầu nhận ra mình phải chống lại rất nhiều người cho những vị trí dự tuyển, khác xa so với cách nay 8 tháng. Anh nói: “Thị trường tràn ngập những tài năng chất lượng cao”.
Đối với Amber Adamson, 36 tuổi, một cư dân Norristown, Pennsylvania, chiến lược bảo đảm công việc lâu dài của cô là nâng cao kỹ năng viết mã phần mềm, một công việc tương đối còn “hot”. Từ một giáo viên, cô bắt đầu công việc kỹ thuật đầu tiên của mình với tư cách là nhà phát triển email cho công ty dịch vụ thú y Covetrus thì bị sa thải sau chỉ ba tháng thử thách.
Một số người bị sa thải cho biết thực tế đáng buồn này vẫn không ngăn được nhiều người tiếp tục chen chân vào ngành công nghệ vì họ vẫn xem công nghệ là cơ hội để phát triển nghề nghiệp và tăng thu nhập. Bài toán ở đây là làm sao tìm kiếm được những công việc lâu dài chứ không phải làm vài tháng rồi nghỉ.
Tin vui là các số liệu cho thấy tình hình không đến nỗi quá ảm đạm khi các công ty đã tạo thêm được khoảng 223,000 việc làm trong Tháng Mười Hai và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 3.5% (theo công bố mới nhất của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ).
Hoạt động tuyển dụng trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đang ở mức thấp nhất kể từ Tháng Bảy 2020, tuy nhiên, gần 40% người mất việc vẫn quay trở lại ngành tại một công ty khác. 60% còn lại tạm bỏ ngành để thử sức với các công việc như luật, kế toán hoặc dịch vụ tài chính. Khoảng 37% nhân viên công nghệ bị sa thải tìm được công việc mới trong vòng một tháng và 79% trong ba tháng.