Trung Quốc tập trận để phản ứng “câu kết quân sự” Mỹ – Đài

Chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan hồi tháng Tám 2022 để phản đối chuyến thăn Đài Loan của bà Nancy Pelosi. Ảnh Wang Xinchao/Xinhua via Getty Images

Trong vài ngày qua, Quân khu phương Nam của quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận không quân và hải quân gần Đài Loan với quy mô lớn nhất trong tháng qua, trong đó chiến đấu cơ Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Người phát ngôn Trung Quốc nói hành động đó là một “sự cảnh báo nghiêm khắc” với cái gọi là “sự cấu kết” giữa Mỹ và Đài Loan về quân sự.

Một bản tin của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong ngày Chủ Nhật 8 tháng Giêng 2023, Trung Quốc đã phái bốn khu trục hạm và 57 chiến đấu cơ – gồm cả oanh tạc cơ mang bom nguyên tử – tập trận gần đảo Đài Loan, trong đó có 28 lượt phi cơ Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan – ranh giới không chính thức ngăn cách đảo quốc Đài Loan với Trung Quốc lục địa. 

Giới quan sát cho rằng, sở dĩ Trung gia tăng sức ép quân sự là nhằm phản đối cuộc viếng thăm Đài Loan của phái đoàn Quốc hội Đức, cũng là cách phản đối việc Dân biểu Kevin McCarthy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ mới đây. Ông McCarthy (Cộng hòa – California) được biết là người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và đã tuyên bố sẽ sớm đi thăm Đài Loan trong cương vị chủ tịch Hạ viện Mỹ, giống như người tiền nhiệm của ông là nữ Dân biểu Nancy Pelosi.

Nhưng một bản tin của hãng Bloomberg dẫn lời ông Mã Hiểu Hoàng (Ma Xiaoguang), phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư ở Bắc Kinh rằng: “Các cuộc tập trận của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với hành động khiêu khích ngày càng gia tăng của Đài Bắc, làm tổn hại đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

“Chính quyền của đảng Dân chủ Tiến bộ gần đây đã tăng cường câu kết quân sự với Hoa Kỳ,” ông Mã nói thêm, đề cập đến đảng cầm quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-Wen). Khi được phóng viên chất vấn “sự câu kết” đó cụ thể là gì, Mã không trả lời trực tiếp mà chỉ nói “sự thật rất rõ ràng; tất cả mọi người sống trên Trái đất đều biết điều đó”.

Hải quân Trung Quốc cũng thường xuyên vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, áp sát các hải cảng chính của đảo quốc. Ảnh Lin Jian/Xinhua via Getty Images

Chắc hẳn Mã ám chỉ đến việc Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước đã thông qua một dự luật chi tiêu quốc phòng, trong đó có $2 tỷ tài trợ vũ khí cho Đài Loan vào năm tới và $10 tỷ tài trợ cho đến năm 2027. Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó đã chỉ trích Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (NDAA), nói rằng nó thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc và can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước Trung Quốc.

Vài ngày sau khi đạo luật NDAA được thông qua, quân đội Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất kể từ cuộc tập trận phản đối Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng Tám 2022. Trung Quốc đã gửi 71 phi cơ tới hòn đảo vào ngày 25 và 26 tháng Mười Hai, 47 trong số đó thực hiện các cuộc xâm nhập qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan hoặc vào khu vực nhận dạng phòng không nhạy cảm của hòn đảo.

Đáp lại cuộc tập trận của Trung Quốc, chính quyền Biden chỉ trích đó là hành động “khiêu khích”, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục giúp chính phủ Đài Bắc tự vệ. Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố nói hoạt động quân sự của Trung Quốc là “gây mất ổn định, có nguy cơ tính toán sai lầm và phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.

Hành động gia tăng sức ép quân sự của Trung Quốc Tập phim cho thấy trong khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington được cải thiện phần nào từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng Mười Một, thì vấn đề Đài Loan vẫn là một nguồn gây căng thẳng dai dẳng. Năm ngoái, khoảng 1,700 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã thực hiện các vụ xâm nhập gần Đài Loan, gấp đôi so với năm 2021.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, Ma đã chỉ trích một tường trình về một vụ mô phỏng “trò chơi chiến tranh” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington thực hiện. Mô hình tính toán cho thấy, một cuộc xâm lược giả định của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ “nhanh chóng thành công” nhưng tất cả các bên, kể cả hải quân Hoa Kỳ, đều phải trả một cái giá hết sức đắt.

“Một số tổ chức tư vấn của Mỹ thường xuất bản cái gọi là báo cáo dưới danh nghĩa nghiên cứu học thuật nhằm thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc. Họ đang tìm kiếm lợi ích cho các nhóm công nghiệp quân sự ở quê nhà, trong khi cố gắng gieo rắc bất hòa giữa những người ở hai bên eo biển,” Mã nói.

Trung Quốc cũng phản đối bốn ngày đàm phán thương mại mà các quan chức Mỹ và Đài Loan sẽ tổ chức tại Đài Bắc bắt đầu từ thứ Bảy tuần này. Cuộc đàm phán là một phần của “Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại thế kỷ 21” đã được bắt đầu vào tháng Sáu năm ngoái nhằm thông qua các thỏa thuận trong các lĩnh vực bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại và thực hành quy định về thương mại. Cuộc đàm phán mới nhất về sáng kiến này đã diễn ra tại New York vào tháng Mười Một năm ngoái.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: