‘Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà’
Buổi sáng mùa Đông Virginia tù mù sương. Gần giữa ngọ mà vẫn không thấy bóng mặt trời. Trong căn phòng đậm mùi thuốc lá, nhà phê bình văn học, ký giả Uyên Thao ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế da đã sờn cũ. Ông cầm tách trà nóng trên tay, chậm rãi nói: “Từ từ rồi tất cả chúng tôi cũng đi hết, thằng Tấn (Chu Tấn), ông Chánh (nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh). Ông Hiên (Vũ Thư Hiên) thì cũng về bên kia để sống những ngày cuối đời.”
“Phạm Duy cũng là một người chọn trở về để nằm lại trên quê hương” – tôi nói với ông.
Đội thêm chiếc mũ da quen thuộc để giữ ấm, ký giả Uyên Thao cười nhẹ, rồi nói: “Một người như Phạm Duy, trước sau cũng phải về. Ông ấy đã chọn điều này ngay từ khi đặt chân đến Mỹ rồi. Ông ấy thân quen từng nẻo đường, mảnh đất, hình ảnh con trâu, ruộng lúa…Ông ấy nhìn đâu cũng thấy quê hương.”
“Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà” là ca khúc được ra đời sau vài tháng ông đặt chân đến Mỹ, như là lời “thú tội” thiêng liêng Phạm Duy tự đưa ra cho mình.
Nhạc sĩ Phạm Duy lớn hơn ký giả Uyên Thảo khoảng 7, 8 tuổi. Nhưng họ gọi nhau là mày xưng tao. Lần đầu tiên hai người gặp nhau là ở Câu lạc bộ Văn Nghệ trên đường Phan Đình Phùng cùng với nhiều văn nghệ sĩ lớn tuổi khác. Hôm đó, ký giả Uyên Thao nói ông rất xúc động trước hình ảnh bà mẹ quê trong ca khúc cùng tên của Phạm Duy – “miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy, nhớ bà mẹ quê xưa ấy.” Ông hình dung được hình ảnh một bà mẹ đầy lòng nhân hậu và lòng nhớ ơn của người đã nhận chỉ một bát nước.
Cảm khái tâm hồn đồng điệu của anh ký giả, Nhạc sĩ Phạm Duy đã đập vai Uyên Thao và nói: “Đúng rồi. Kể từ lúc này, tụi mình là bạn. Nhớ là phải mày, tao. Không mày tao, đéo chơi!”
“Ông ấy nói to lắm, sảng khoái, chẳng e dè. Mấy mươi năm sau gặp ông ấy ở Mỹ, cũng không thay đổi. Chúng tôi bước vào quán ăn. Ông ấy nói thật to khi nghe người phục vụ chào bằng tiếng Anh, “ngày xưa thì ‘tôi yêu tiếng nước tôi’ bây giờ thì ‘tôi yêu tiếng nước Tây’”- nhà báo Uyên Thảo nhắc lại.
Trước ngày nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước, ông bay qua Virginia để gặp và từ biệt Uyên Thao. Cuộc gặp ngắn ngủi, nhưng đủ để Uyên Thao hiểu rằng, cuối cùng, Phạm Duy đã thực hiện được điều ông chờ đợi mấy mươi năm qua.
Khi ấy, Phạm Duy đã nói ký giả Uyên Thao: “Tao phải về để chết trên quê hương.” Đó cũng là lần cuối cùng hai người bạn đã đi qua hai cuộc chiến được gặp nhau.
“Có lẽ trước khi về, ông ấy cũng đã dự đoán trước những áp lực mình gặp phải, nói về mặt chính trị, trong cũng như ngoài nước…” – tôi nói, bâng quơ.
Ký giả Uyên Thao hiểu tôi muốn nói gì. Ông nhẹ lắc đầu và nói:
“Phạm Duy là người không sợ gì cả. Ông ấy chẳng cần sự thoả hiệp nào. Đối với một người như Phạm Duy, không nên nhìn vào cuộc sống riêng tư của ông ấy rồi xét đoán theo quan điểm của mình. Nó không có chút ý nghĩa gì với cuộc đời của ông ấy.”
Nghe điều này, tôi chợt nhớ đến một việc, tôi kể ngay cho nhà báo Uyên Thao nghe.
Đi để trở về, trở về để ra đi
Phải đến hơn mười năm sau khi nhạc sĩ Phạm Duy đã về Việt Nam sống cuộc đời còn lại, một kênh YouTube khá nổi tiếng ở Nam California đã tìm đến ông xin phỏng vấn. Nhiều câu hỏi đặt ra cho ông về “những dư luận, chỉ trích đối với quyết định về nước”, muốn biết “ông đối phó với điều đó như thế nào?”
Khi ấy, nhạc sĩ Phạm Duy – người tự nhận là “đôi chân không còn nghe lời ông nữa”, đã trầm tĩnh trả lời: “Tôi chẳng để ý gì đến những điều đó. Có lẽ họ có lý do của họ. Nếu họ không yêu tôi nữa thì đừng hát nhạc của tôi. Còn nếu họ hát nhạc của tôi và vẫn nói xấu tôi, thì cũng… rất bình thường thôi.”
Hiếm có ai, một văn nghệ sĩ nào, từ cổ chí kim, dám nhận định “tôi là cây đại thụ.” Nhưng Phạm Duy thì đã. Ông đĩnh đạc nói: “Tôi phải là người cổ thụ thôi, vì trước tôi, đâu có ai viết tân nhạc. Tôi là một trong những người thành lập nên nền tân nhạc, cùng với ông Văn Cao, ông Nguyễn Xuân Khoát (tác giả của các ca khúc dân gian như Con cò mày đi ăn đêm, Con voi, Thằng Bờm…)” Ông nói các giai điệu (tân nhạc) do ông sáng tác đã ảnh hưởng đến các nhạc sĩ sau này mà họ không biết.
Nhưng rồi sau đó, “ông già tóc bạc” nhẹ giọng, mỉm cười và nói: “Nhưng thôi, nói cổ thụ thì hơi quá. Nói tôi là ông già là được rồi.”
Ký giả Uyên Thao gật gù: “Ông ấy đã chờ đợi suốt 30 năm, đến đúng thời điểm thì về.” Chuyến bay ngày 17 Tháng Năm năm 2005 đã đưa ông từ California về Việt Nam, trả ông về lại nơi đã cho ông nguồn năng lượng vô biên. “Việt Nam cuối cùng là nơi tôi về để sống chết với quê hương, đúng hơn là với đồng bào của tôi” – ông đã từng nhiều lần nói như thế.
Cây cổ thụ ấy, hay “ông già” ấy đã nằm xuống trên mảnh đất quê hương của ông, với đồng bào của ông. Như Ký giả Uyên Thao đã nói, một người như Phạm Duy, đi là để trở về, trở về để ra đi. Ông ra đi, sau khi kịp vun đắp vào gia tài đồ sộ của nền âm nhạc Việt một tuyệt cảnh cuối cùng: Minh hoạ Truyện Kiều.