Tôi là một cựu quân nhân VNCH. Sau năm 1975, tôi đi tù gần 10 năm trời, nhà tôi phần phải tảo tần nuôi bầy con năm đứa. Phần thì phải bới xách cho tôi tận miền Bắc.
Dạo bị tù tôi cứ phải đổi chỗ hoài, thư từ thì không liên lạc được, thế mà chỗ nào tôi đến là thế nào nhà tôi cũng tìm ra được. Tôi rất nhớ ơn và kính phục nhà tôi. Tôi hiểu rất rõ công lao khó nhọc của nhà tôi. Lòng tôi khi nào cũng tâm niệm ăn ở phải đạo để đền đáp tấm lòng của nhà tôi.
Tuy nhiên, chuyện đã quá lâu. Cũng không phải tôi không nhớ, nhưng mà nếu cứ nhắc hoài chuyện thăm nuôi, khó khăn, cam khổ, nhường miếng ăn cho người tù thì thật điên cái đầu. Nhà tôi không chừa một cơ hội nào để kể lể chuyện xưa! Nhiều khi bạn bè anh em gặp nhau, nhắc lại chuyện trong tù, dù là nhắc những chuyện khổ, nhưng chúng tôi kể bằng giọng vui hay giễu cợt nhau.
Tụi tôi thường tranh nhau kể những kỷ niệm trong tù, nhiều khi cười ra nước mắt. Nhưng bao giờ câu chuyện cũng theo chiều hướng tích cực. Nhưng lần nào cũng như lần nào, nếu nhà tôi có mặt thì thế nào nhà tôi cũng lái câu chuyện sang hướng “thăm nuôi.” Và câu chuyện bao giờ cũng là những lần gồng gánh, ngủ bờ ngủ bụi để mang thức ăn cho chồng. Lần nào cũng ‘nhà chỉ có lạng thịt, mẹ con thèm nhưng phải dành để bới cho chồng”.
Đồng ý là nhà tôi khổ thật, các con tôi khổ thật, nhưng đâu phải lỗi tại tôi đã để nhà tôi như vậy. Tại sao cái thằng VC ở đẩu đâu mà tôi cứ phải nghe hoài chuyện bới xách. Qua những lời vợ kể, tôi có cảm tưởng tôi là người ăn ngon nhất nhà, bao nhiêu thứ ngon đều chỉ cho mình tôi. Trong khi đó vợ con phải nhịn thèm.
Ban đầu mới về, nghe chuyện, tôi cảm động lắm cứ nhủ lòng phải làm mọi thứ để đền đáp 10 năm khó khăn của vợ con. Nhưng giờ đây, tôi sợ nghe, sợ nhắc lại chuyện cũ. Chính xác là tôi sợ thái độ “kể công” của nhà tôi. Nhiều lúc tôi muốn hét lên: “Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi” nhưng may quá tôi kềm lại được.
Tôi phải làm sao để nhà tôi đừng nói mãi chuyện “thăm nuôi.” Xin cô Nguyệt Nga và độc giả chỉ cho cách. (Ông HO)
(*) Câu nói của một nhân vật trong tác phẩm “Xuân Tóc Đỏ” của Vũ Trọng Phụng
GÓP Ý
-Hiền Lê
Thưa anh HO, theo tôi thì khi kể lại những khó nhọc lúc thăm nuôi, chẳng phải chị kể công để dày vò anh, mà chị chỉ muốn nói tấm lòng của chị dành cho chồng, và muốn chồng thương yêu mình hơn, để bù đắp những ngày chị vắng bóng chồng bên cạnh. Một đôi khi, cũng là để nhõng nhẽo với anh đó mà!
Nếu chị thấy thăm nuôi chồng là khó nhọc, nếu chị thấy anh là nỗi phiền hà, là gánh nặng trên đôi vai với năm đứa con thơ thì chị đã buông anh từ thuở nào. Không phải đợi qua đi 10 năm ròng rã thăm nuôi, mà tôi biết chắc rằng, lúc đó chị đang thời xuân sắc, cộng thêm ít nhất là vài năm nữa giúp anh trở lại cuộc sống, cho đến giờ tóc trắng nhiều hơn tóc xanh, hay cũng có thể đang bạc trắng mái đầu, chị vẫn ở bên anh đó thôi. Vì vậy mà hãy thương chị nhé!
-Cô dạy toán
Anh cứ thử làm một bài toán, mỗi lần chị “kể công” nhiều lắm là một tiếng đồng hồ, cứ cho là mỗi tuần anh họp bạn một lần thì… cho rằng 30 năm, anh cũng chỉ nghe có 1,560 tiếng đồng hồ, chia cho 24 giờ mỗi ngày, thì anh cũng chỉ phải nghe có 65 ngày. Thấm gì với 3,650 ngày xa chồng nuôi con hả anh?
-Thuý Vi
Anh thử hôm nào nói với chị rằng, “Em ơi! Anh hiểu em lắm, anh biết tình yêu và lòng hy sinh của em dành cho anh. Vì vậy khi nào em nhắc lại chuyện tù là anh thấy anh áy náy và cảm thấy có lỗi với em và các con. Anh ước mong làm một điều gì to lớn để bù đắp cho em.”
Hay anh cũng có thể thử một cách khác, khi biết chị sắp “kể công” thì anh “kể” công chị thăm nuôi anh khổ cực thế nào trước. Có ít thì anh cũng nói ra cho nhiều, nuôi 10 năm thì anh làm bộ nhớ ra là 12, 13 năm. Cam đoan chị sẽ xua tay, “Thôi anh, em đâu có công kiết gì đâu, ai trong hoàn cảnh đó cũng lo cho chồng như vậy mà.”
-Mẹ vợ
Cứ giả bộ ông HO là con trai tui nghe! Nhắc con điều này, vợ con kể là vì nó có thăm nuôi con thật. Con có muốn nó không hề chuyện thăm nuôi để giờ này con khỏi phải nghe vợ kể công không?
VẤN ĐỀ MỚI
Chào cô Nguyệt Nga, tôi là độc giả thường xuyên của mục “Biết tỏ cùng ai,” trước hết tôi gửi lời thăm sức khỏe đến cô Nguyệt Nga. Tôi rất thích mục này trên báo Sài Gòn Nhỏ, qua trang báo tôi hiểu thêm được đôi chút về suy nghĩ cũng như tâm lý của người đời.
Hiện tại tôi có chút chuyện riêng tư mà không biết bày tỏ cùng ai để giải quyết cho việc của mình, mong được cô và độc giả có đôi lời góp ý.
Tôi là phụ nữ đã ngoài 50, sống độc thân chưa từng lập gia đình, có công việc làm tương đối ổn định, sống giản dị và độc lập, rất sợ nhờ vả đến người khác.
Cách đây ba năm, tôi có quen một anh bạn ở tiểu bang khác, anh đã ly dị vợ gần 20 năm và có hai con đã trưởng thành. Vì cách xa nhau về mặt địa lý, chúng tôi chỉ liên lạc với nhau qua email mỗi ngày. Nhìn chung anh là người thẳng tính, có hiểu biết, sống ở Mỹ cũng hơn 30 năm nên có những suy nghĩ rất sòng phẳng đến phũ phàng, khi anh đề nghị với tôi làm tôi thấy rất tự ái và không hiểu có nên gắn bó với anh nữa không?
Anh muốn lập gia đình với tôi nhưng đề nghị tiền ai nấy xài để tránh mất lòng, vì anh biết tôi hay giúp đỡ người thân còn ở Việt Nam. Tôi thấy suy nghĩ này của anh không đúng, anh có con riêng tôi đã không ngại gắn bó với anh vì anh có chắc rằng anh sẽ không bao giờ giúp đỡ con cái khi chúng gặp khó khăn không? Còn việc tôi giúp đỡ người thân ở Việt Nam chỉ có tính cách quà biếu vì người thân cũng có hoàn cảnh khó khăn và một khi đã lập gia đình thì tôi cũng biết phải điều chỉnh lại, đâu cần anh phải đặt điều kiện với tôi?
Anh còn nói nửa đùa nửa thật là tôi cần viết giấy cam đoan không đòi nhận tiền trợ cấp nếu cả hai chia tay nhau vì cả hai đều lớn tuổi không ai có thể chu cấp cho ai. Tôi nghe thật buồn cười có phần chua chát. Quen anh đã gần ba năm nay, tôi không có một chút nào của tính thực dụng, chưa từng đòi hỏi cũng như nhận bất kì một món quà nào từ anh, vậy mà anh sợ đủ thứ chuyện trên đời nên tôi cảm thấy vừa tự ái vừa không còn hứng thú ý nghĩ sẽ gắn bó với anh nữa.
Cô Nguyệt Nga thấy tôi nên trả lời với anh bạn tôi như thế nào? Có phải mọi người sống ở Mỹ lâu năm đều có cách suy nghĩ như anh bạn tôi phải không? Nếu là vợ chồng mà đặt vật chất, tiền bạc ở giữa, tôi thấy cuộc sống nó quá nặng nề và quá căng thẳng, nên tôi đang rất lưỡng lự.
Mong được sự góp ý của cô và quý độc giả. Xin chân thành cảm ơn! (Cô Thuỳ)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.