Đến để được chạm vào chân tượng thờ Trương Vĩnh Ký

Nhà thờ Cái Mơn

Tôi có nhiều dịp đến Bến Tre, nhưng lần đầu đến Cái Mơn. Tôi thích chơi cây kiểng, bon-sai, nên thường nghĩ xứ này hẳn là vương quốc của lá và hoa. Chuyến đi đầu năm Quí Mão của tôi đến Cái Mơn, tiếc thay chỉ xuống xe đặt chân đến một nơi duy nhất đó là nhà thờ Cái Mơn.

Tôi đi với người anh em cột chèo và gia đình em vợ, người vai em cột chèo từ Mỹ về, anh thuộc dòng họ của một vị học giả lớn và đáng kính phục đến mức các dòng chảy thời gian, lịch sử dù thăng hay trầm thì dẫu trăm năm hay ngàn năm nữa vẫn soi sáng tôn vinh: Ngài Trương Vĩnh Ký!

Lúc đến gần nhà thờ Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, từ xa tôi đã kêu lên vì kinh ngạc khi nhìn thấy tháp chuông của nhà thờ. Trong đời mình, tôi đã được nhìn thấy nhiều tháp chuông nhà thờ trong nước có, nước ngoài có nhưng cái tháp chuông hình cây bút, có màu đất giồng vàng ngà, trong ánh nắng buổi năm mới cứ như là những tầng dành riêng cho đức tin và tri thức cao cả hướng đến phép màu.

Tháp chuông nhà thờ Cái Mơn

Thú thật, khi biết là sẽ đến Cái Mơn, tôi chỉ mong kiếm được một cây bon-sai nào đó và ngó ngắm các cây cảnh, cây kiềng cho sướng con mắt, nhưng rồi tôi quên tuốt cây với cảnh khi bước vô khuôn viên nhà thờ, biết rằng mình sắp được hiểu thêm địa danh này, thánh đường này, nơi sinh thành, nơi tưởng niệm tôn vinh nhà chính trị, học giả, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam trong thế kỷ 19.

Tu Viện Cái Mơn tiên khởi vào năm 1702. Với mốc thời gian này, Cái Mơn được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam Kỳ. Ngài Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837, tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre).

Người anh em cột chèo với tôi tên Trương Vĩnh Tánh, gọi ngài Trương Vĩnh Ký là ông cố. Anh rủ tôi đến đây trước là để anh thăm lại nơi phát tích của dòng họ Trương Vĩnh, sau là khoanh tay hầu kính trước bức tượng của ngài Trương Vĩnh Ký, mà theo anh nhớ đặt ngay bên hữu cổng Thánh Đường, cái cổng có kiểu dáng thu nhỏ Khải Hoàn Môn ở Pháp. Nhưng rồi chúng tôi háo hức ngó tìm thì mới hay bức tượng không còn ở chỗ cũ, còn chăng là trụ tượng nham nhở vết di dời.

Tôi không phải là con cháu trực hệ với ngài Trương Vĩnh Ký, cũng không phải như người em cột chèo vượt hàng ngàn cây số từ Mỹ về với lòng mong muốn kính thăm nguyên quán có dấu tích ông bà.

Nhưng dù sao tôi cũng là người kiếm cơm được bằng nghề viết báo, tôi cũng tha thiết muốn kính viếng ông tại nơi sinh thành, bởi từng chữ quốc ngữ tôi viết trong suốt đời nghề chính là được ngài Trương Vĩnh Ký vạch lối mở đường từ lúc ngài sáng lập nên tờ Gia Định Báo, tờ nhật trình bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của dân tộc này sau hàng ngàn năm lệ thuộc vào Hán ngữ.

Được biết, lúc này nhà thờ Cái Mơn sửa chữa, nên người ta tháo gỡ bức tượng của ngài rồi đưa vào đặt ở một góc khuất của ngôi nhà trẻ, phía hông nhà thờ chính. Giờ trưa, nhà thờ vắng lặng, chúng tôi cũng lặng lẽ tìm ra phía sau, bên hông nhà trẻ thì may mắn tìm thấy bức tượng cũ, được đặt kề một tấm vách tường nhìn ra sân chơi của trẻ con.

Tượng học giả Trương Vĩnh Ký,

Tượng được sơn, vẽ lại mới tinh, bên cạnh là tấm bia mới ghi chép vắn tắ sơ sài vài dòng tiểu sử và sự nghiệp. Chợt đứa con gái của người anh em cột chèo của tôi nói: “Con mới hỏi thăm, cô giáo nhà trẻ nói, đặt tượng ở đây cho các em nhỏ nhà trẻ được nhìn thấy!”

Người anh em cột chèo của tôi và cả tôi nữa không nói được tiếng nào về việc bức tượng được dời vào sân chơi nhà trẻ. Trong ánh nắng xế chiều vẻ mặt và anh mắt của người anh em cột chèo đang khoanh tay trước bức tượng, ánh mắt ấy, vẻ mặt ấy vừa rưng rưng lại vừa thành kính như đang cầu nguyện trước tượng Chúa và các Thánh Thần.

Hậu duệ của học giả Trương Vĩnh Lý bên tượng thờ

Bất giác, tôi nhớ tới cảnh hàng ngàn người đủ các quốc tịch xếp hàng trước tượng ngài John Harvard (1607 – 1638), trong khuôn viên trường Đại học Harvard. Dòng người bất tận đến từ khắp thế giới, họ đến chỉ để bày tỏ lòng kính trong và được sờ lên chân bức tượng ngài Harvard để gởi gắm hy vọng vào một ngày nào đó con cháu họ được bước theo sau ngài Harvard vào đại lộ tinh hoa trí thức của nhân loại.

Tôi nói với đứa cháu con của người anh em cột chèo. “Thôi thời cuộc đã vậy, ngậm ngùi làm chi, hãy tin anh linh tri thức của ngài Trương Vĩnh Ký là tinh tú vĩnh hằng, con cháu biết rằng chúng nên đến, để chạm, để sờ vào chân của cụ cố tổ để ngài ấy ban cho phước lành – tri thức”.

Saigon
2-2-2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: