Ác mộng ung thư ở độ tuổi 30 và 40

Ribbon màu hồng, biểu tượng cho Breast Cancer Day. (Ảnh: Unplash)

Ngày 4 Tháng Hai vừa qua là ngày Thế giới phòng chống Ung thư do Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế (UICC) tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của thế giới về căn bệnh ác mộng ung thư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong trong năm 2020.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu, tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam tăng từ 165 ngàn ca năm 2018 lên gần 183 ngàn ca năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia), khoảng 184 ngàn ca tử vong năm 2020. Theo số liệu thống kê tại bệnh viện Trung Ương Huế, số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung bướu tăng mỗi năm, từ 30-45%.

Các bệnh ung thư phổ biến nhất thế giới bao gồm ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư đại trực tràng, và ung thư tuyến tiền liệt. Khoảng một phần ba số ca tử vong do ung thư đến từ hút thuốc lá, béo phì, uống nhiều rượu bia, ăn ít trái cây và rau quả, và thiếu các hoạt động thể chất.

Tỉ lệ người trẻ mắc ung thư tăng đáng kể

Một nghiên cứu chuyên sâu gần đây của các bác sĩ Trường Đại học Y khoa Harvard cho biết tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm — bao gồm ung thư vú, ruột, thực quản, thận, gan và tuyến tụy — đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới bắt đầu vào thập niên 90s. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín Nature Reviews Clinical Oncology cho thấy ngày càng có nhiều người ở độ tuổi 40, 50, thậm chí 30 bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Giáo sư Trường Y khoa Harvard và bác sĩ tại bệnh viện Brigham & Women, Shuji Ogino, cho biết:

Từ dữ liệu thu thập, chúng tôi đã quan sát thấy một thứ gọi là hiệu ứng nhóm sinh. Hiệu ứng này cho thấy nhóm người sinh sau có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, có thể là do các yếu tố rủi ro mà họ đã tiếp xúc khi còn trẻ. Chúng tôi thấy rằng nguy cơ này đang gia tăng theo từng thế hệ. Chẳng hạn, những người sinh năm 1960 có nguy cơ mắc ung thư cao hơn trước khi họ bước sang tuổi 50 so với những người sinh năm 1950 và chúng tôi dự đoán rằng mức độ rủi ro này sẽ tiếp tục tăng lên trong các thế hệ kế tiếp.

Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng các yếu tố rủi ro làm tăng khả năng ung thư, như thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường, béo phì, tiểu đường Loại 2, ít vận động, và uống rượu bia, đã tăng lên đáng kể kể từ những năm 1950.

Biểu đồ ngày 3 Tháng Hai, 2023 cho thấy có 19,5 triệu người trên toàn thế giới bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hàng năm. Trong đó, ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. (Ảnh: Elmurod Usubaliev/Anadolu Agency via Getty Images)

Giáo sư, bác sĩ và tác giả chính của nghiên cứu, Tomotaka Ugai, nhấn mạnh: “Trong số 14 loại ung thư đang gia tăng mà chúng tôi nghiên cứu, có 8 loại liên quan đến hệ tiêu hóa. Thức ăn mà chúng ta ăn sẽ nuôi sống các vi sinh vật trong ruột của chúng ta. Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần hệ vi sinh vật và cuối cùng những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các yếu tố rủi ro gây ung thư.

Nguyên nhân chính của ung thư

Ung thư phát sinh từ sự biến đổi của tế bào bình thường thành tế bào khối u ác tính trong nhiều giai đoạn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những thay đổi này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và ba tác nhân bên ngoài, bao gồm:

  • Chất gây ung thư vật lý: Những chất gây ung thư này đến từ môi trường, như tia UV từ ánh sáng mặt trời; bức xạ từ tia X; hoặc các chất phóng xạ khác. Ví dụ, tia phóng xạ Radon có thể bám vào bụi và được hít vào phổi. Khi bị phá vỡ, chúng phát ra bức xạ có thể hủy hoại ADN bên trong tế bào của cơ thể. Radon là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ung thư phổi sau hút thuốc lá.
  • Chất gây ung thư hóa học: Đây là những chất gây ung thư mà con người thải ra môi trường gây ra ô nhiễm không khí. Khí thải từ các nhà máy điện than và khói bụi gây ra ung thư phổi.
  • Chất gây ung thư sinh học: Đây là những loại virus có thể gây ung thư. Ví dụ, virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung, miệng và cổ họng, bộ phận sinh dục (dương vật, âm đạo, âm hộ). Virus viêm gan B và viêm gan C gây nhiễm trùng gan, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Một ảnh chụp X-Ray phổi thể hiện lá phổi bên trái có triệu chứng của ung thư. (Ảnh: National Cancer Institute)

Yếu tố rủi ro gây ung thư

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, yếu tố rủi ro là các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư. Mỗi bệnh ung thư đều có các yếu tố rủi ro khác nhau. Một số yếu tố rủi ro không thể thay đổi được, chẳng hạn như tuổi tác hoặc tổn thương gen. Nhưng một số yếu tố rủi ro có thể kiểm soát được. Ví dụ, hút thuốc lá, hít khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, béo phì, không vận động, lạm dụng bia rượu, và không ăn uống lành mạnh là những yếu tố rủi ro có thể kiểm soát và thay đổi được.

Xem xét lịch sử ung thư từ gia đình

Nhiều bệnh ung thư phổ biến, bao gồm ung thư vú, ruột, dạ dày, và tuyến tiền liệt, đều dựa trên yếu tố di truyền. Nghĩa là nếu một người trong gia đình hoặc họ hàng được chẩn đoán bị mắc những loại ung thư này, bạn cũng có khả năng phát triển bệnh ung thư đó.

Bởi thế, nắm rõ được lịch sử sức khỏe gia đình giúp các bác sĩ chẩn đoán hiệu quả hơn. Các bác sĩ thường khuyến cáo mọi người kiểm tra, hoặc xét nghiệm định kỳ, nếu gia đình có người mắc bệnh ung thư. Thông tin tiền sử sức khỏe gia đình, ngay cả khi không đầy đủ, có thể giúp bác sĩ quyết định các loại xét nghiệm và thời điểm để thực hiện các xét nghiệm cần thiết đó.

Thực hiện các xét nghiệm sàng lọc

 Các xét nghiệm sàng lọc được thực hiện nhằm giúp những bệnh nhân không có triệu chứng, phát hiện sớm ra các khối ung thư nếu có. Khi các dấu hiệu bất thường được xác định trong quá trình sàng lọc, các xét nghiệm chuyên sâu hơn sẽ được thực hiện, cũng như chuyển sang phương pháp điều trị thích hợp, nếu phát hiện ra các khối ung thư.

Các xét nghiệm sàng lọc có hiệu quả đối với một số căn bệnh ung thư, không phải tất cả các loại ung thư. Các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dựa trên tuổi tác và các yếu tố rủi ro để tránh kết quả dương tính giả. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ công bố danh sách các xét nghiệm sàng lọc theo độ tuổi.

Việc phát hiện sớm các tế bào ung trong trong quá trình xét nghiệm làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm các liệu pháp điều trị mạnh, và giảm chi phí. Tuy nhiên, trách nhiệm cao nhất để phát hiện ung thư sớm vẫn là của mỗi người bằng cách nắm rõ các yếu tố rủi ro của bản thân, đặc biệt từ tiền sử ung thư trong gia đình.

Hút thuốc lá, hít khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, béo phì, không vận động, lạm dụng bia rượu, và không ăn uống lành mạnh là những yếu tố rủi ro có thể kiểm soát và thay đổi được. (ẢnhJames Wakibia/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Phòng ngừa ưng thư hiệu quả

Không có một liều thuốc thần kỳ nào có thể giúp chúng ta phòng ngừa ung thư tuyệt đối. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mọi người kiên trì và nghiêm túc thực hiện những biện pháp đơn giản sau để giảm nguy cơ ung thư hiệu quả:

  • Không hút thuốc lá và không hít khói thuốc lá.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây và rau quả.
  • Thường xuyên tập thể dục và ngủ đủ giấc.
  • Tránh hoặc giảm uống rượu, bia.
  • Tiêm vắc-xin ngừa virút HPV, viêm gan B, C nếu bạn thuộc nhóm được khuyến cáo tiêm vắc-xin.
  • Tránh tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (chủ yếu là do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các thiết bị làm rám da nhân tạo).
  • Giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài trời và trong nhà, đặc biệt chất phóng xạ radon (có thể tích tụ trong nhà, trường học, và cơ quan).
  • Thực hiện các cuộc xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo tư vấn của bác sĩ để có thể phát hiện sớm ung thư và điều trị kịp thời.

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh rằng khoảng 30% đến 50% bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách thay đổi các yếu tố rủi ro, cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa trên. Chữa trị ung thư bắt đầu từ nỗ lực phòng ngừa!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: