Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) nổi tiếng và lớn nhất vùng ĐBSCL đã và tồn tại hơn 100 năm qua. Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ – kênh Xáng Xà No, rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh, thành phố lân cận và cả vùng ĐBSCL. Đáng buồn là hiện nay nhiều du khách đến và nhận xét “chợ nổi đang có dấu hiệu chìm dần”.
Ông Trần Minh Thành, người có 26 năm gắn bó với chợ nổi Cái Răng cho biết, trước đây mỗi sáng chợ đón 500-600 ghe tàu chở lúa, rau quả từ các nơi về đây đậu san sát, chiếm gần 2/3 mặt sông, kéo dài hơn một cây số. Tuy nhiên vài năm qua, số ghe thuyền về chợ ngày càng giảm, có khi mỗi ngày chỉ 30-40 chiếc.
Theo ông Thành, ghe thuyền vắng một phần do nhiều chành (điểm kinh doanh hàng hóa) đã dời sang bến sông khác phù hợp. Một số thương hồ bán tàu, ghe để lên bờ mua xe tải vận chuyển hàng. Thiếu vắng cảnh buôn bán khiến chợ nổi Cái Răng dần giảm sự thu hút khách du lịch.
Nhiều du khách muốn ghé chợ nổi Cái Răng trải nghiệm đã thất vọng vì không đúng những gì được quảng cáo. Nói chung, nó không có gì đặc sắc ngoài chuyện “chặt chém” và dơ bẩn. Một du khách cho biết, bà đã hoàn toàn thất vọng khi mua một ký xoài với giá 100,000 đồng của một ghe bán buôn gần cầu, nhưng khi vừa đi xa chưa đầy 100 mét, có ghe rao bán 100,000 đồng tới… bốn ký xoài còn ngon hơn chỗ xoài bà vừa mua.
Thành phố Cần Thơ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo các cấp nhằm vực dậy hoạt động của chợ nổi Cái Răng, nhưng kết quả cũng rất đáng thất vọng. Trước nguy cơ chợ nổi Cái Răng bị “chìm”, năm 2016, UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, gồm 13 hạng mục, công trình với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng, trong đó khoảng 10 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Tuy nhiên, đề án này chỉ kịp xài hết 10 tỷ đồng ngân sách rồi ngưng, vì không tìm được nguồn xã hội hóa.
Người ta cho rằng các quan chức làm đề án trên cái nhìn phiếm diện, không thực tế. “Đó là dự án của những người ngồi trong phòng lạnh, chứ không phải của người sống cùng chợ nổi.” Một thương hồ chia sẻ:
“Đề án phát triển chợ nổi Cái Răng mà không cho thương hồ tham gia thì làm sao nó sống được. Chúng tôi biết rõ chợ nổi thiếu gì, cần gì trong môi trường hàng ngày phải bươn chải mưu sinh. Không hỏi chúng tôi mà cứ đặt để những kế hoạch mang tính ‘bề nổi’ thì kế hoạch đó ‘chết chìm’ là phải”.
Một người gắn bó với sông nước ở Cần Thơ nói hồi xưa, những chiếc ghe bán hàng rong bám theo ghe bán buông để phục vụ thương hồ, nay chính quyền xây bờ kè làm cho họ phải bỏ chợ nổi tìm đường khác sinh sống.
Cũng hồi xưa, khi ghe thuyền tấp nập thì du lịch phát triển, nay thương hồ cứ bỏ đi từ từ thì những ghe bán hàng rong cũng bỏ xứ mà đi. Một số ít ở lại, do khách ít nên phải tìm cách “chặt chém”, nên càng làm cho du khách không muốn quay trở lại.
Chính quyền Cần Thơ chẳng có gì ngoài nhiều… tiền, nên họ lại tiếp tục một đề án khác. Phó chủ tịch HĐND quận Cái Răng Vương Công Khanh cho hay địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu tàu, điểm dừng chân, bãi xe, bến hàng hóa tại chợ nổi với kinh phí gần 35 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết thành phố đang chuẩn bị hội nghị tổng kết đề án phát triển chợ nổi Cái Răng. Các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực sẽ được mời góp ý, đưa ra giải pháp tốt nhất để chợ nổi giữ chân người bán, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch.
Dư luận chẳng mấy ai tin mấy loại kế hoạch ấy thành công. “Chính quyền giỏi nhất là tìm cách tiêu tiền thuế của dân thôi. Họ chỉ cần ‘đạp bàn’ một phát là bay mất vài chục tỷ như chơi”.