Cuộc chiến giữa FDA và các công ty thực phẩm

Minh họa: pexels-tara-clark

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã xác định lại ý nghĩa của từ “lành mạnh” (healthy) trong thực phẩm chế biến. Và ngành công nghiệp thực phẩm đang phản ứng lại!

Tập trung vào đường

Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến cho biết hầu như không có thực phẩm đóng gói nào đang có trên thị trường đáp ứng được các tiêu chuẩn khuyến nghị mới của FDA. “Ít chất béo bão hòa, ít natri, ít đường bổ sung…” đã có mặt trên nhãn thực phẩm trong hơn 30 năm qua nhưng ở liều lượng chấp nhận được.

Các bữa ăn và món khai vị đông lạnh do thương hiệu Healthy Choice cung cấp đã trở thành lựa chọn phù hợp cho những người eo hẹp thời gian nên muốn ăn thứ gì đó có sẵn và tốt cho sức khoẻ. Healthy Choice đại diện cho 60% doanh thu của tất cả các sản phẩm được dán nhãn là “tốt cho sức khỏe” trên thị trường hiện nay, với hơn 200 triệu bữa ăn đã được bán vào năm ngoái.

Nhưng những nỗ lực của FDA nhằm cập nhật định nghĩa về “lành mạnh” có thể khiến công ty mẹ Conagra Brands của Healthy Choice phải thay đổi hoàn toàn. “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu đề xuất của FDA được thông qua thì trong thực trạng hiện nay, các công ty như Conagra sẽ phải dán lại nhãn các sản phẩm từ “lành mạnh’ sang… kém lành mạnh hơn” – công ty nói về hệ quả đề xuất mới của FDA. Nhận xét được đưa ra để đáp lại thông báo của FDA vào Tháng Chín, 2022 là cơ quan đã lên kế hoạch thay đổi các quy tắc đối với nhãn dinh dưỡng in trên mặt trước bao bì thực phẩm để khẳng định chúng “lành mạnh”.

Hàng chục nhà sản xuất thực phẩm và tổ chức công nghiệp khác đã tham gia cùng Conagra bằng tuyên bố: “Các tiêu chuẩn mới hà khắc sẽ khiến hầu hết thực phẩm chế biến đang bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn hoặc sẽ phải tạo ra các sản phẩm khác với công thức mới không hấp dẫn được người tiêu dùng”.

Minh họa: pexels-maria-orlova

Theo đề xuất của FDA dựa vào khuyến nghị hướng dẫn chế độ ăn uống liên bang, các nhà sản xuất chỉ có thể dán nhãn sản phẩm của mình là ‘tốt cho sức khỏe’ nếu chúng chứa một lượng đáng kể của ít nhất một trong các nhóm thực phẩm chính như trái cây, rau hoặc sữa, theo khuyến nghị của hướng dẫn chế độ ăn uống liên bang.

Họ cũng phải tuân thủ các giới hạn cụ thể đối với một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn chất béo bão hòa, natri và đặc biệt là đường bổ sung. Chính giới hạn đường bổ sung đã trở thành vấn đề nan giải đối với nhiều giám đốc điều hành thực phẩm. Các quy tắc trước đây của FDA có giới hạn về chất béo bão hòa và natri nhưng không có giới hạn về đường bổ sung.

Nay bản khuyến nghị mới về chế độ ăn uống của Mỹ nhấn mạnh đến lượng đường dành cho trẻ em và người lớn. Mục tiêu của FDA khi đưa ra các thay đổi là để phù hợp với hướng dẫn chế độ ăn uống liên bang, trong đó đề xuất người Mỹ từ 2 tuổi trở lên cần giữ lượng đường bổ sung ở mức dưới 10% tổng lượng calories hàng ngày. Có nghĩa là, đối với chế độ ăn 2,000 calories, sẽ không nhiều hơn 200 calories đường bổ sung. Theo quy tắc đề xuất của FDA, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa chỉ được chứa 2.5 g đường bổ sung trong mỗi khẩu phần và các sản phẩm khác như trái cây, rau, thịt, các loại hạt và trứng không được chứa thêm bất kỳ loại đường nào.

Phản ứng

Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng (The Consumer Brands Association) đại diện cho 1,700 công ty thực phẩm lớn từ General Mills đến Pepsi đã viết một bản nhận xét dài 54 trang gửi lên FDA, trong đó tuyên bố:

“Các quy tắc được đề xuất là quá khắt khe và sẽ dẫn đến phong trào tự động loại bỏ phần lớn các thương hiệu thực phẩm đóng gói đang được ưa chuộng vì chúng không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới, đặc biệt là giới hạn lượng đường bổ sung quá nghiêm ngặt. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của FDA trong việc đánh giá lượng đường bổ sung, nhưng chúng tôi tin rằng cách tiếp cận hạn chế của FDA đối với lượng đường bổ sung trong thực phẩm viện dẫn lý do tốt cho sức khỏe là không chính đáng. Đề xuất mới nằm ngoài thẩm quyền của FDA khi vẫn chưa có sự đồng thuận trong giới khoa học về mối quan hệ giữa lượng đường tiêu thụ và các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống”.

Hiệp hội tin rằng các đề xuất mới, nếu được áp dụng, sẽ vi phạm quyền của các công ty thực phẩm được Tu chính án thứ nhất bảo vệ và có thể gây hại cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Hội Mía đường (Sugar Association) sẽ gặp vấn đề lớn nhất về quy định giới hạn đường bổ sung. SNAC International, đại diện cho ngành công nghiệp đồ ăn nhẹ, than phiền các đề xuất mới là quá khắt khe và Hiệp hội Thực phẩm Bơ sữa Quốc tế (International Dairy Foods Association) nêu ý kiến:

“Định nghĩa về ‘tốt cho sức khoẻ’ của FDA không phù hợp với các chính sách dinh dưỡng đã được công nhận khác cũng như khuyến nghị của các chuyên gia y tế. Ví dụ, sữa chocolate ít chất béo và phô mai sẽ không phù hợp với các quy tắc mới”.

Hầu như mọi bộ phận của ngành công nghiệp thực phẩm đều bất bình với bản khuyến nghị mới của FDA. Công ty thực phẩm trẻ em Happy Family Organics nhận định: “Các quy định mới có thể dẫn đến việc người tiêu dùng phải từ bỏ ngoài ý muốn một số sản phẩm giàu chất dinh dưỡng”.

Minh họa: pexels-kampus-production

Hiệp hội Phô mai Mỹ (American Cheese Society) lên tiếng: “Từ ‘lành mạnh’ không có lợi gì trên nhãn hiệu sản phẩm và chỉ nên được dùng trong chế độ ăn kiêng hoặc lối sống hoàn hảo hơn là trong các thực phẩm phục vụ cho số đông. Chúng ta ăn gì, ăn như thế nào, khi nào, thậm chí ăn với ai và lối sống ‘vì sức khoẻ’ của một nhóm hoặc một cá nhân. ‘Khỏe mạnh’ cũng là một lối sống liên quan đến tập thể dục, tinh thần thoải mái và các khía cạnh khác, chứ không chỉ có thực phẩm”.

Vậy, những hướng dẫn mới của FDA sẽ có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với hành vi của người tiêu dùng? Câu trả lời là “Không nhiều”! Trên bản đề xuất đầy đủ, cơ quan đưa ra dự báo bi quan về tác động của các quy tắc mới: “Tóm tắt Chi phí và Lợi ích chúng tôi thấy, một số người tiêu dùng sẽ sử dụng các hướng dẫn mới về hàm lượng chất dinh dưỡng ‘lành mạnh’ như ‘kim chỉ nam’ để mua thực phẩm. Chúng tôi ước tính chỉ có một số lượng nhỏ, từ 0 đến 0.4% người tiêu dùng sẽ sử dụng những sản phẩm được ngụ ý là lành mạnh”.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Chính sách Công và Tiếp thị (Journal of Public Policy and Marketing) đã phân tích hàng trăm nghiên cứu quốc tế khác để đánh giá hiệu quả của việc ghi nhãn dinh dưỡng trên bao bì đối với người mua. Câu trả lời là: Không nhiều! Nhóm nghiên cứu nhận thấy phương tiện quảng bá thông tin dinh dưỡng hiệu quả nhất là nhãn cảnh báo bằng hình ảnh, như đã được áp dụng ở Chile, Peru, Uruguay, Mexico và Israel.

The Washington Post cho biết, ở Chile, nhãn cảnh báo màu đen giống biển báo dừng là yêu cầu bắt buộc đối với thực phẩm và đồ uống đóng gói trên 100 gam có chứa 275 calories, 400 mg natri, 10 g đường hoặc 4 g chất béo bão hòa. Một hệ thống tương tự cũng được đề xuất cho các loại thực phẩm của Mỹ bởi Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng, Hiệp hội các nhà quản lý giáo dục dinh dưỡng SNAP, Hiệp hội các nhà dinh dưỡng y tế công cộng của bang và Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (Center for Science in the Public Interest, the Association of SNAP Nutrition Education Administrators, the Association of State Public Health Nutritionists và American Heart Association).

Theo AHA, phần lớn dân số Mỹ tiêu thụ ít rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo và không béo. Hệ quả là cơ thể thiếu chất xơ, kali, calcium và vitamin D. Đồng thời người Mỹ tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, natri và đường bổ sung. AHA chấp thuận định nghĩa ‘lành mạnh’ mới của FDA nếu nó chỉ tập trung vào thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và hạn chế đưa đường, chất béo và muối không lành mạnh vào thực phẩm. “Tuy nhiên, tuyên bố ‘lành mạnh’ không nên xuất hiện trên các loại thực phẩm được chế biến hàng loạt, không giàu chất dinh dưỡng mà mục tiêu chính là tăng cường các vi chất dinh dưỡng” – AHA tuyên bố.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: