Qua nhiều năm, trí tuệ loài người đã được đánh giá cao như một điểm phân biệt giữa con người và động vật. Chính bộ não lớn và khả năng tư duy của loài người đã tạo ra sự khác biệt lớn và đặt con người đầu bảng, hơn cả những loài động vật thông minh, như tinh tinh và cá heo.
Nhưng sự thật thì có đúng như vậy không? Nhà triết học người La Mã, Cicero, đồng ý với điều này và đã hết lời khen ngợi khả năng suy luận của con người: “Không có chứng nhận nào quý giá bằng học thuật; học thuật là phương tiện giúp con người hiểu biết, khi còn ở thế giới này, sự vô tận của vật chất, sự hùng vĩ bao la của thiên nhiên, bầu trời, đất đai và biển cả. Học thuật đã mang đến thơ ca, sự tiết độ, lòng đại nhân; nó thu tóm lấy linh hồn chúng ta khỏi bóng tối và cho thấy tất cả mọi thứ, cao và thấp, đầu tiên, cuối cùng và mọi thứ ở giữa; học thuật cung cấp phương tiện để sống tốt và hạnh phúc; nó dạy ta cách sống ung dung và không bất mãn”.
Trong khi khả năng tư duy của con người là hoàn toàn cần thiết để tìm ra cách lắp đặt bất kỳ sản phẩm nào của IKEA, thì nó có thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta không?
Theo Cicero và nhiều triết gia, trí tuệ con người cứu chúng ta khỏi bóng tối và tiết lộ con đường dẫn đến hạnh phúc. Tuy nhiên, sống giữa đại dịch bệnh tâm thần, liệu chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng trí tuệ con người là một vị cứu tinh của tất cả? Trí tuệ của con người có khả năng xoá nhoà sự kìm kẹp của bệnh trầm cảm và những lo lắng cực độ hay không?
Hãy lấy câu chuyện sau đây làm ví dụ: Nhà triết học Hy Lạp, Pyrrho, từng ở trên một con tàu bị tấn công bởi một cơn bão dữ dội. Tất cả hành khách đều hoảng loạn. Trên tàu ầm ĩ những tiếng la hét, sự hoảng loạn và những lời cầu nguyện với Chúa. Duy chỉ có một hành khách hoàn toàn thờ ơ với sự kiện khủng khiếp này – một chú heo đang ngồi bình thản ở một góc tàu.
“Kiến thức có ích gì nếu vì nó mà chúng ta mất đi sự bình tĩnh và thư thái mà đáng ra chúng nên được tận hưởng nếu không có nó và nếu nó khiến tâm trạng của chúng ta tồi tệ hơn của con heo mà Pyrrho mang theo trên tàu?” – Michel de Montaigne.
Hóa ra, hành khách duy nhất giữ được bình tĩnh lại không có trí tuệ con người.
Nhà triết học người Pháp, Michel de Montaigne, tin chắc rằng trí tuệ con người chẳng làm được gì nhiều để cải thiện cuộc sống mà lại phá hủy và đánh cắp sự yên bình ít ỏi trong sự tồn tại ngắn ngủi trên đời này. Ông cũng chia sẻ suy nghĩ của mình: “Con người bị nguyền rủa bởi sự áy náy, do dự, nghi ngờ, đau đớn, mê tín, lo lắng về những gì sẽ xảy ra (ngay cả sau khi chết đi), tham vọng, tham lam, ghen tuông, đố kỵ, ngang ngược, điên rồ và nỗi thèm ăn không thể chế ngự, chiến tranh, dối trá, bất trung, giả tạo và tò mò. Chúng ta tự hào về lý trí công bằng, diễn ngôn và khả năng đánh giá của mình, nhưng chúng được đánh đổi với một mức giá khó tin.”
Theo Montaigne, động vật sống dựa trên bản năng tốt hơn chúng ta sống dựa trên trí tuệ. Hãy tưởng tượng một con dê, bình tĩnh gặm cỏ trên cánh đồng, không phải lo lắng về nợ nần, chi phí sinh hoạt cao, nên bầu cho ai trong cuộc bầu cử tiếp theo, hay con dê mà nó đang thầm yêu trộm nhớ nghĩ gì về nó. Con dê chỉ đang tồn tại, sống trong khoảnh khắc một cách thư thả.
Mặt khác, con người lại là bậc thầy về việc lo lắng. Đôi khi, đặt mối bận tâm của loài này vào những điều kỳ dị, vô lý nhất. Ngay cả khi trong một cuộc sống hoàn hảo, loài người sẽ luôn tìm ra những điều mới mẻ và sáng tạo để lo lắng. WiFi quá chậm có thể là một nguyên nhân gây căng thẳng.
Không có vấn đề gì nếu không có lý do gì để lo lắng. Trí tuệ con người thường sẽ tìm thấy điều gì đó không ổn trong cuộc sống, dẫn đến hạnh phúc và sự thoả mãn bị đánh cắp chỉ sau vài giây.
Trong khi đó, con dê, được nhắc đến phía trên bài, có thể đã quyết định ngủ một giấc.
“Bạn có dám kết luận rằng lợi ích của lý trí (thứ mà chúng ta hết sức ca ngợi và dựa vào đó mà chúng ta tự coi mình là chúa tể và chủ nhân của mọi tạo vật) chỉ là để hành hạ chúng ta không?” — Michel de Montaigne
Có lẽ trí tuệ con người không phải là vấn đề. Có lẽ vấn đề thực sự là do sự thiếu kiểm soát về nó. Con người không có trí tuệ. Thay vào đó, trí tuệ làm chủ con người. Chúng ta phó mặc cho những suy nghĩ, nỗi sợ hãi, lo lắng của mình và rất hiếm khi đặt câu hỏi về những cảm xúc thô thiển khiến cho con người trở nên hoảng loạn như những hành khách trên tàu trong cơn bão, thay vì vui vẻ tận hưởng khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình đã được ban cho trên Trái đất này.
Vì vậy, thỉnh thoảng, hãy bắt chước con dê và chợp mắt một chút.
(theo Medium)