Ông Wilmar Jensen, 95 tuổi, hành nghề luật sư ở California từ năm 1953, đến nay vẫn chưa có ý định nghỉ hưu. Ông không phải là trường hợp cá biệt.
Cách đây 70 năm, sau khi vượt qua kỳ thi luật sư của California, ông Wilmar Jensen bắt đầu hành nghề luật sư, đó là năm 1953. Năm nay ông đã bước sang tuổi 95, và mẫn miệt mài làm việc.
Vì chủ động được trong công việc, Jensen mới ở lại ngành luật suốt 70 năm qua. Nhiều lần ông mắc cười khi có những lần khách hàng lâu không gặp, tưởng ông qua đời. Họ hết hồn khi nhìn thấy Jensen. Khởi nghiệp, ông làm việc với tư cách luật sư biện hộ như nhiều luật sư trẻ khác. Nhưng sau này ông rất ghét và chuyển sang lĩnh vực lên kế hoạch bất động sản, ủy thác và chứng thực di chúc. Năm 1987, con trai của ông nối nghiệp cha mình. Luật sư 95 tuổi có ba lời khuyên: Để bắt đầu công việc và có sự nghiệp lâu dài, đầu tiên là xác định xem mình muốn làm gì, lý tưởng nhất vẫn là công việc mà mình yêu thích. Thứ hai, hãy làm việc chăm chỉ. Thứ ba, luôn giữ quan hệ tốt với gia đình.
Theo Martha J. Deevy, Giám đốc Trung tâm tuổi thọ Stanford, nước Mỹ lập kỷ lục về số lao động trẻ bỏ việc sau đại dịch COVID-19, nhưng đồng thời cũng xuất hiện một xu hướng khác là các ông cụ, bà lão tái gia nhập thị trường lao động. Ông Carmine Rende, 85 tuổi, kỹ sư dự án, vừa chuyển từ Florida về Illinois, đánh giá cao sự kích thích về mặt tinh thần mà công việc mang lại cho mình ở độ tuổi 80. Ông Rende chỉ mới chịu về hưu cách đây không lâu, do bị bệnh. Trước đó, trong suốt sự nghiệp của mình, Rende chỉ làm việc cho người khác, nên ông không có nhiều tiếng nói trong các dự án. Nhưng khi làm chủ, ông có thể cân nhắc và lựa chọn những gì cảm thấy hứng thú. Khách hàng thường xuyên của ông có chuỗi khách sạn Four Seasons và Ritz-Carlton. Ông may mắn được đến những nơi nổi tiếng như Anguilla, Cayman Islands, Jamaica và Saint Martin.
Ở tuổi 77, John Van Horn vẫn làm việc từ 40 đến 50 tiếng mỗi tuần ở vai trò biên tập viên cho một tạp chí nhỏ. Ông cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu hay làm ít hơn. “Tôi tận hưởng những gì đang làm. Ơ, mà vì sao phải dừng lại cơ chứ!”, Horn hóm hỉnh nói, và cho biết ông xem công việc là một phần cuộc sống không thể thiếu, giống như gia đình, hay các thú vui khác. Thật ra ông không muốn thiếu thốn, buồn bã trước khi qua đời, vì thấy rõ tấm gương của cha mình là sa sút trước lúc nghỉ hưu.
Deevy tin rằng đa số người cao niên vẫn đang khao khát làm việc, trừ khi họ bệnh tật hoặc đã có cuộc sống viên mãn. Nhiều người trong độ tuổi từ 65 đến 84 tuổi nhận thấy họ vẫn còn đủ sức khỏe để làm việc, nhưng họ muốn làm theo cách khác, chủ động và linh hoạt hơn. Một số trường đại học có mở những khóa học dành riêng cho người lao động và người nghỉ hưu trong độ tuổi 50, 60 để giúp họ bước vào giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp.
Khi Nina Shilling, 84 tuổi, rời phòng khám trị liệu tư nhân tại New York và chuyển đến Seattle gần 15 năm trước, bà không chắc sự nghiệp của mình sẽ thay đổi ra sao. Bà cân nhắc làm việc cho một phòng khám nhưng gặp mâu thuẫn vì không rõ ở tuổi 70 có còn muốn đi lại hay làm theo yêu cầu của người khác không. Ở góc độ nhà tuyển dụng, không phải lúc nào cũng chào đón người cao niên, vì sự chậm chạp, sức khỏe yếu kém, theo Louise Aronson, bác sỹ lão khoa và giáo sư y khoa tại Đại học California. Có những quốc gia quy định độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc, ngay cả khi họ vẫn khỏe mạnh và sống thọ. Bà Shilling gọi mấy người ban hành quy định này là khùng!
Giáo sư Aronson lập luận, tuyển dụng những người có kỹ năng khác nhau và độ tuổi khác nhau mang lại lợi ích lớn. Chẳng hạn, người già có xu hướng ra quyết định đúng đắn hơn khi tiếp nhận cùng một loại thông tin. Các nhóm có sự khác biệt tuổi khác cũng có xu hướng làm việc hiệu quả hơn. Bà Aronson cho rằng, ấn định độ tuổi nghỉ hưu không có ý nghĩa, mà như thế họ đang làm tổn hại một bộ phận và đánh mất mọi cơ hội cho nhiều thành viên trong cộng đồng.
(theo Time)