Một trong những bài viết thú vị và hiếm người đọc được, nói về danh ca Thái Thanh, là ghi chép không tìm thấy tựa đề của ca sĩ, nhà bình luận âm nhạc Quỳnh Giao. Là một người cùng thời, am tường âm nhạc, thông hiểu giai đoạn lịch sử, và của cả con người đời thường Thái Thanh, Phạm Duy…, ghi chép của bà Quỳnh Giao là một cảm nhận và nhận định quý giá cho những ai yêu tiếng hát Thái Thanh, người được mệnh danh là “vượt không gian, thời gian”, đã đi vào lịch sử của đất Việt… SGN xin tạm đặt tựa và gửi đến cùng quý vị, nhân ba năm khuất bóng của bà.
__________
Hoài Bắc và Hoài Trung thì không còn nữa, nhưng Phạm Duy và Thái Thanh vẫn là hiện tượng hòa quyện khó quên của tân nhạc Việt Nam. Nửa thế kỷ đã qua, người viết chưa thấy có người thay thế trong các ca khúc của Phạm Duy mà chỉ Thái Thanh mới hát được. Tiêu biểu là một bài về quê hương và một bài về chinh chiến, “Tình Ca” và “Kỷ Vật Cho Em”.
Hiện tượng một giọng hát gắn liền với một nhà soạn nhạc không là điều mới lạ. Nhưng mỗi trường hợp mỗi khác. Với riêng chúng ta, dễ thấy nhất là trường hợp hai nghệ sĩ có liên hệ gia đình. Liên hệ vợ chồng như Minh Trang hát nhạc Dương Thiệu Tước, Châu Hà hát Văn Phụng, Lê Uyên hát nhạc của Phương. Hay liên hệ họ hàng như Kim Tước hát nhạc của người chú là Vũ Thành. Người ta tin rằng những liên hệ đó đem lại thành công cho cả hai.
Điều đó thật là hữu lý. Sáng tác xong một bài nhạc chưa ráo mực, tác giả đã trước tiên giới thiệu đứa con tinh thần với… người trong nhà! Còn gì thật hơn, đúng hơn là cách trình bày của chính tác giả? Nếu ca sĩ là người nhà, được nghe ca khúc tinh khôi, thì dễ trình bày cho hay cho đúng, trước khi ca khúc bị người sau bẻ cong bẻ quẹo mà vẫn khó bằng bản chính!
Dù các tác giả của chúng ta có hát hay thì chưa hay như một ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng họ biết phải hát tác phẩm thế nào mới đạt. Họ muốn câu hát ngắt ở chỗ nào. Họ muốn chỗ nào phải hát to hơn, và chỗ nào phải xuống giọng. Như riêng với Quỳnh Giao, không ai hát “Đôi mắt Người Sơn Tây” hay hơn tác giả Hoài Bắc. Và không ca sĩ nào hát bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” thấm thía như tác giả Nhật Ngân.
Người viết còn biết rằng nhạc thuật không là điều tác giả quan tâm nhất, thế mới lạ. Họ muốn người trình bày phải hát cho đúng và đọc lời cho rõ. Một lần, Quỳnh Giao chứng kiến một ca sĩ hát “Đường Chiều Lá Rụng” bị Phạm Duy la toáng: “Giời ơi! Sao lại ấp úng chỗ này?”
Chỗ này là câu “… như mũi kim mềm đã khâu liền kín khung cửa tình duyên”. Câu hát toàn những nốt móc liên ba, hát vừa nhanh lại vừa liền một hơi, nên ca sĩ khó đọc rõ lời! Mà trong tâm tư của người viết, lời từ mới là chính, nhạc chỉ để đưa lời ca lên một cõi cao hơn.
Một nét khác, tình cảm là điều rất dễ mà lại khó diễn đạt. Ít hơn một chút thì lạnh lùng, khô khan, mà nhiều hơn một chút thì là cường điệu, giả dối. Khi gặp người hiểu được để tâm sự, các tác giả thường thổ lộ rằng “thà thiếu còn hơn dư”. Thế nào là dư là thiếu thì nghệ sĩ sáng tác là người biết rõ nên có thể giúp người trình bày diễn tả được cho đúng. Vì vậy mình mới có trường hợp hòa quyện tuyệt đẹp giữa nhạc sĩ và ca sĩ.
Quỳnh Giao xin trở lại với Thái Thanh mà trong chốn thân tình mình vẫn gọi là “cô Thanh”, em gái “chú Chương” là nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Thành phần ban Thăng Long từ khởi đầu gồm hai giọng nam Hoài Trung, Hoài Bắc và hai giọng nữ là Thái Thanh, Thái Hằng. Thời kháng chiến, khi Phạm Duy mê mệt “cô Hằng” không phải là trên cung trăng, ông viết nhiều bài cho hai giọng nữ song ca, như “Tiếng Đàn Tôi”, “Tiếng Sáo Thiên Thai”, “Gánh Lúa” v.v.
Phạm Đình Chương cũng sáng tác nhiều cho gia đình Thăng Long, phần lớn là để hát hợp ca, như “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Tiếng Dân Chài”, “Ngựa Phi Đường Xa” hay “Hội Trùng Dương” v.v. Loại tình khúc như “Thuở Ban Đầu”, “Đêm Cuối Cùng”, hay “Nửa Hồn Thương Đau” thì có lẽ ông viết cho chính mình. Và tác giả mới lột hết được nỗi niềm riêng tư, không thừa không thiếu, chẳng cường điệu mà cũng chẳng thờ ơ lãnh đạm.
Phạm Duy viết nhạc từ thuở rất trẻ. Ông đi bụi đời và giang hồ rất sớm và theo thiển ý của người viết, đấy cũng là lý do khiến nhạc và lời của ông thiên nhiều về xã hội và vượt khỏi tâm cảnh Bắc Nam: đời sống và sáng tác của ông là một con đường cái quan !
Trên ngả đường ấy, có các bà mẹ quê của làng xã (như “Bà Mẹ Gio Linh”, “Bà Mẹ Quê”, “Người Về”) đến cô thiếu nữ (trong “Quê Nghèo”, “Gánh Lúa” hay “Vợ Chồng Quê”), có em bé quê (như “Thi Nhau Chăm Học”, “Em Bé Quê”) đến chàng chiến sĩ (như “Chinh Phụ Ca”, “Mùa Đông Chiến Sĩ”, “Nợ Xương Máu”, “Gươm Tráng Sĩ”, “Ngày Trở Về”). Và từ đồng nội (“Nương Chiều”, “Tình Hoài Hương”) các ca khúc nối đến thị thành (“Tình Kỹ Nữ”, “Tiếng Bước Trên Đường Khuya” hay “Phố Buồn”).
Phạm Duy thường dùng ca khúc để kể chuyện vui buồn, chuyện nhà quê và tỉnh thành của tâm hồn Việt. Ông cũng dùng lời từ mộc mạc để tả cảnh tả tình đám dân quê (“Hoa Xuân”, “Vợ Chồng Quê”, “Tình Nghèo”), hay lời ca đầy não tính về đời sống và tâm tư người ưu thời mẫn thế (“Lữ Hành”, “Đường Chiều Lá Rụng”, “Chiều Về Trên Sông”, “Mộng Du”, “Tìm Nhau”)…
Chúng ta hiểu là vì liên hệ gia đình, Thái Thanh là người đầu tiên được nghe Phạm Đình Chương và Phạm Duy hát ca khúc của họ. Vậy thì tại sao giọng hát ấy lại gắn liền với nhạc của anh rể là Phạm Duy hơn là anh ruột?
Sống trong cùng môi trường và sinh hoạt với gia đình Thăng Long, từ bé Quỳnh Giao đã thấy cô Thanh yêu thương và kính trọng chú Chương. Có một giai đoạn mà gia đình rạn nứt vì tình cảm khiến Thái Thanh không hát nhạc Phạm Duy trong vòng mười năm. Đó là lý do mà mới 15 tuổi, vào đầu thập niên 1960, Quỳnh Giao đã được hát ban Hoa Xuân của Phạm Duy, với hai cô Thái Hằng và Kim Tước, mà không có Thái Thanh.
*****
Ngày ấy cô Thanh ít hát ở các đài phát thanh mà hát nhiều ở các phòng trà Văn Cảnh và Bồng Lai. Chỉ tới khi chia tay với tài tử Lê Quỳnh thì cô mới hát lại nhạc Phạm Duy, và cũng hát cho ban Hoa Xuân trên đài phát thanh Sài Gòn.
Đấy là giai đoạn mà giọng hát Thái Thanh có độ sung mãn và tình cảm nhất. Cũng là lúc Phạm Duy viết nhiều nhạc tình nhất, từ “Ngày Đó Chúng Mình” đến “Nghìn Trùng Xa Cách”, từ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” cho đến “Đừng Xa Nhau”…
Giọng Thái Thanh mang nhạc Phạm Duy reo khắp mọi nơi, mọi chốn. Nhất là khi có phong trào làm nhạc cassette, mà người mở đầu là Anh Ngọc. Thoạt kỳ thủy, Anh Ngọc thu lại các chương trình của ban Tiếng Nhạc Tâm Tình của ông thành băng cassette để phổ biến. Về sau người khác thấy ăn khách nên bắt chước và thành phong trào. Các trung tâm băng nhạc ra đời như Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Mây Hồng của nhạc sĩ Y Vân, Bốn Phương của Nguyễn Long và Jo Marcel, Shotguns của Ngọc Chánh v.v.
Và trung tâm nào cũng tiếng hát Thái Thanh trong ca khúc Phạm Duy. Ngẫm lại và nghe lại thì càng lớn tuổi giọng Thái Thanh càng thích hợp với những bài hát mang chất xã hội của Phạm Duy. Không ai khác hát “Kỷ Vật Cho Em” não nùng đẫm lệ chiến chinh như bà, nếu có ai bắt chước thì nghe chỉ muốn bật cười. Cũng chẳng ai có thể hát “Tình Ca” mà có ảnh hưởng hơn Thái Thanh, vì bà làm cho mình thiết tha yêu tiếng Việt và yêu người Việt. Thiết tha đến độ rùng mình ứa lệ.
Điều đáng nói ngoài chất giọng, Thái Thanh là người hát rất rõ lời. Khi bé, đứng nhìn cô Thanh hát ở trong phòng thu thanh, Quỳnh Giao đã để ý đến cách đọc lời của bà. Con bé có mách với mẹ rằng: “Con thấy cô Thanh hát hay ‘ngoai’ cái miệng lắm! Khi phải ngân dài, môi của cô còn rung rung nữa cơ!” Danh ca Minh Trang khen con bé là có óc nhận xét !
Bà giảng rằng đó là nghệ thuật của Thái Thanh. Phải dùng cả lưỡi, lẫn môi và cách uốn cong miệng để “nhả chữ” thì tiếng hát ra mới rõ lời và tròn trịa. Lúc hát mà chỉ muốn mình trông xinh đẹp, cứ mím miệng cho gọn, thì làm sao mà hát rõ lời!
Đó là lý do khiến Thái Thanh hát ở sân khấu thành công hơn trên truyền hình. Với ống kính truyền hình cứ quay cận cảnh mà mình muốn xinh đẹp khi há mồm ngân nga thì chỉ có chết! “Chết” đây là nghệ thuật, trong trình độ của người thẩm âm. Chúng ta nên nghĩ đến cách “nhả chữ” của ca sĩ như chuyện “con tầm nhả tơ” vậy.
Có lẽ giọng Thái Thanh diễn đạt thành công nhạc Phạm Duy vì chính giọng hát cũng thuộc khuynh hướng xã hội. Dĩ nhiên giọng hát của bà đầy tình cảm và trữ tình, nhưng tình cảm đôi lứa hay tình ca một mình đều thấp hơn tình cảm nhân loại.
Thái Thanh hát cho cả nhân loại, khóc cho nhân thế, hát cho “cả nước” chứ không hát cho riêng mình. Cái chất lồng lộng phơi phới của giọng hát tuyệt vời ấy mà gặp nhạc Phạm Duy thì như diều bọc gió trên trời xanh thẳm, như cá gặp nước ngoài đại dương.
Thái Thanh khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, lời nhạc mà như một tiên tri của Phạm Duy…
________