Những quán cà phê quen

Tác giả Phạm Công Luận trong một quán cà phê ở Sài Gòn. (ảnh: PCL)

Nhớ những buổi sáng Chủ nhật cuối thập niên 1990, tôi thường ngồi ở quán Friendship, một quán cà phê thuộc một khách sạn nằm trong hẻm cụt 271 Nguyễn Trọng Tuyển, rộng và yên tĩnh ở phường 10, Phú Nhuận.

Quán nhỏ, có hai không gian, bên trong có vài bộ bàn ghế nệm lớn nhỏ để rải rác, ngoài sân có đôi ba bộ bàn ghế đá gọn nhỏ đặt dưới gốc một cây tùng. Không gian nào cũng trang nhã. Tôi thường ngồi bên cái bàn sát vách kính bên trong quán đọc sách, nhấm nháp ly cà phê đen và thỉnh thoảng nhìn ra ngoài, xuyên qua những cành cây khô trang trí đặt sát vách kính. Bên trong quán hơi tối, thỉnh thoảng tôi thấy vài khuôn mặt quen thuộc của giới điện ảnh, giới viết lách từng lên báo nói về hạnh phúc gia đình… Họ đi theo cặp đôi, không vào quán mà đi thẳng lên khách sạn bên cạnh.

Đó là khoảng thời gian độc thân nhàn nhã dù có lúc cảm thấy cô đơn. Buổi sáng đến quán ăn sáng, uống ly cà phê phin nóng một mình hay với một người bạn, buổi tối buồn buồn không biết làm gì lại phóng xe đến quán trò chuyện với chàng trai quản lý quán và một người pha chế rượu lớn tuổi có gương mặt phong trần.

Để được chìm trong tiếng nhạc không lời Paul Mariat, Yanni hoặc có khi là tiếng lắc lọc xọc từ bình pha cocktail, có khi là nghe tiếng mưa và ngắm làn nước tuôn chảy ngoài vách kính. Ít nhất có ba hay bốn tối Giao thừa, tôi cùng một hai anh bạn đến quán, trải nghiệm những khoảnh khắc thú vị của buổi tối tận cùng của năm, trong tình bạn giản dị và ấm cúng, đợi đến gần giờ cúng kiếng mới tan hàng về nhà.

(minh họa: Karl Chor/Unsplash)

Tôi còn đến quán nhiều lần nữa với vợ sắp cưới. Sau khi đứa con đầu tiên ra đời, tôi mới thực sự giã từ cái quán xinh xắn đó.

Quán cà phê này đánh dấu sự trở về góc nhỏ Phú Nhuận của tôi, sau chặng đường từ khi bắt đầu đi làm báo cho đến tuổi trung niên thường thích khám phá quán xá xa nhà, từ vỉa hè đến nơi sang trọng. Đó là sự trở về của kẻ luôn thấy mình vẫn là đứa trẻ mới lớn ngày xưa ở khu phố nơi mình sinh ra và lớn lên, luôn chừa lại khoảng trời tuổi thơ lúc còn thích uống sinh tố và ăn sâm bổ lượng, không đủ tuổi để được phép vào quán cà phê Trúc Giang trên đường Trương Tấn Bửu ngồi chung với các ẩm khách thổi khói thuốc lá mù trời.

Quán cà phê này còn nợ tôi những lần đi ngang qua, cuốn hút tôi bằng mùi cà phê thơm nức thoảng mùi bơ và những cái pâté chaud vàng rộm trên dĩa. Ở đó chỉ có nam thanh niên của những năm nửa đầu thập niên 1970, bận thường phục và quân phục, nhấm nháp tách cà phê bằng sứ trắng đục có cái dĩa lót ở dưới. Nhiều người vừa ăn sáng vừa đọc báo ngoài phía hàng ba. Ông anh lớn nhất của tôi thường ngồi trong đó, thưởng thức thứ đặc quyền của người lớn.

Tôi nhớ quán cà phê Hẹn Hò, trong con hẻm đi vào chợ Lò Đúc từ đường Trương Tấn Bửu ngang dãy phố lầu. Nghĩ về nó, luôn dậy lên trong tôi một không khí rạo rực của thời Hippy với hoa, băng đô, mắt kính bà già của những nam nữ ngồi trong đó… Từ Hẹn Hò, ra phía mặt đường Võ Tánh là quán cà phê Hòa, cái tên được nhắc nhiều từ miệng những người công chức và sĩ quan gần nhà tôi vào buổi sáng, khi rủ nhau ghé ăn sáng trước khi đi làm trong căn cứ Tổng Tham mưu.

Đó là những quán xá tôi mong lớn nhanh để đĩnh đạc bước vào. Nhưng không bao giờ có cơ hội đó nữa vì tất cả đều đã đóng cửa qua thời gian.

Giữa thập niên 2000, trung tâm Sài Gòn như được kéo đến Phú Nhuận khi lần lượt xuất hiện hai quán cà phê cao cấp trên đường Nguyễn Văn Trỗi gần chùa Đại Giác. Phía dưới tòa nhà Centre Point mới xây không lâu xuất hiện quán Terrace, sang trọng với ghế da và trang trí lộng lẫy.

Đối diện bên đường là quán Paloma, vốn là biệt thự của một vị tướng VNCH. Cả hai đều là những thương hiệu quán điểm tâm có tiếng, trang trí đẹp và hiện đại. Bên Terrace có món cơm tay cầm khá ngon, có gà xé, măng xé nhỏ, tôm… Bên Paloma cũng có nhiều món ngon và cà phê pha ngon. Rồi bỗng dưng, sau vài năm, cả hai lần lượt biến mất, khoảng 2015 hay 2016. Tôi tiếc những cái quán đẹp đẽ và lịch sự đó, không thua kém các quán ở ngoài Nguyễn Huệ hay Lê Lợi.

Có lúc tôi ngồi ở quán Hồ Cá trên đường Nguyễn Đình Chính, một vài quán khác trên đường Trần Huy Liệu và đường Nguyễn Thị Huỳnh. Có một quán chia thành nhiều không gian nhỏ trên đường Trần Huy Liệu khá âm u, không biết còn không sau mùa dịch? Một quán nữa trên lối đi vào cư xá Chu Mạnh Trinh trên đường Phan Đình Phùng gần ngã tư Phú Nhuận. Quán duy trì cách pha cà phê bằng túi vải hình cái vớ như là một cái mốt, vẫn thu hút khách dài dài.

Một nhà văn sống từ nhỏ sống ở Phú Nhuận nhận xét rằng trước 1975 có vẻ Phú Nhuận không phải là nơi dành cho các quán cà phê sang trọng, có nhạc Akai, bài trí đẹp, có cô thu ngân đẹp như mơ hút khách… những quán đó thường nằm ở quận 3, quận 1. Theo anh, chủ yếu ở đây là các quán cà phê cóc bình dân ở đầu các hẻm, như quán cà phê vợt ở hẻm trên đường Võ Di Nguy đi vào cư xá Chu Mạnh Trinh nói trên vẫn còn.

Sau này có phong trào cà phê sân vườn thì Phú Nhuận mới nổi lên với những Hình Như Là, Du Miên, Serenata, Miền Đồng Thảo…  Đến đây tôi nhớ cái biệt thự khi xưa hiện nay đặt quán cà phê Miền Đồng Thảo. Cách nay nửa thế kỷ, khi tôi học lớp Năm ở trường Tiểu học Võ Tánh – chi nhánh trường Đình – sáng nào cũng đi học ngang đó, trừ Chủ nhật, và thích nhìn vào cái sân lớn bên trong. Thấp thoáng một cái nhà to và sân rộng có trồng mấy cây tùng cao lớn.

Phú Nhuận vẫn còn một số nhà có đất rộng nên tạo được thế mạnh riêng về cà phê sân vườn. Trên đường Võ Tánh đối diện phở Quyền trước 1975 là quán cà phê Dung cũng khá nổi tiếng với nhạc Việt, Mỹ và Pháp. Giới trung niên trở lên nhắc đến là nhớ quán cà phê Chú Cao ở khu chợ Ga, pha bằng vợt, rất bình thường thời đó, và cái siêu có vòi như siêu nấu thuốc Bắc. Dân ghiền cà phê những năm 1979, 1980 dù khó khăn mấy vẫn hay thích ra ngồi một quán không có tên trên đường Trần Huy Liệu đối điện với chùa Thanh Minh. Ở đó có mấy chị em thay phiên nhau bán, cô út xinh xắn nhất có mái tóc ngắn, đôi mắt đẹp và bén ngót khiến bao chàng xao xuyến.

Đường Duy Tân có cà phê Tây Đô bán từ rất lâu cho đến sau này mới nghỉ. Đường Minh Mạng (nay là Nguyễn Đình Chính) có quán cà phê của chị Hoàng bán từ lâu nay vẫn còn. Trong đường Cô Giang, ngay chợ nhỏ có quán cà phê vợt của ông Phó, có lẽ bán từ năm 1954. Đường Nguyễn Trọng Tuyển có quán cà phê Cỏ May ở số 218 nổi tiếng một thời những năm 1983-1990. Quán này do mấy chị em rất dễ thương đứng bán, phía trước có sân nhỏ, có cầu thang sắt dẫn lên lầu. Cà phê nhạc Hồ Cá trong đường Nguyễn Đình Chính nổi tiếng vì sân rộng, bày bàn không quá gần nhau nên thoải mái. Ngay góc đó buổi tối có xe cháo huyết của mấy chị em gái bán với giá bình dân mà ngon vô cùng.

Những quán cà phê, sao ta lại yêu thích chúng đến vậy? Với tôi, loại quán này mang đến một khung cảnh, một không gian đặc biệt hấp dẫn và ấm cúng. Trong đó, có tiếng ồn ào của máy pha cà phê espresso tỏa ra mùi hương tràn ngập trong không khí. Nhiều lần tôi sửa bản thảo của mình trong quán và gạch đầu dòng ý tưởng mới nảy sinh vào sổ tay. Ở đó tôi tìm thấy được một luồng động lực mới cho công việc của mình sau khi nhấm một ngụm đắng thơm.

(minh họa: Mk.s/Unsplash)

Có những buổi sáng sớm, mở mắt và nghĩ: “Hôm nay mình sẽ đến quán cà phê!”. Tôi thả con trai ở lối vào trường và mỉm cười khi nhìn thấy cái quán thân thuộc. Tôi giơ tay chào chủ quán quen, nhấm nháp ngụm cà phê đầu tiên và bắt đầu gõ phím. Đó là nơi tạm an trú xa ngôi nhà chính, nơi ta không phải quan tâm đến cái tủ sách chưa dọn hay những đôi giày vải chưa giặt. Tất cả những thứ bận tâm đó biến mất tại quán cà phê. Có ai đó đã nói, trong quán cà phê, ta thấy mình chính là phiên bản người lớn của một đứa trẻ trong một tiệm bánh kẹo.

Bây giờ, vừa nghỉ hưu sau mấy chục năm làm báo, đôi khi tôi thấy thật sự thư thả khi ra ngồi quán cóc ở đầu hẻm nhà tôi. Quán bày bàn ghế trong sân nhà dì Hai Lành, có vài chỗ ngồi tràn ra ngoài mặt hẻm. Trên cái ghế gỗ thấp, tôi nói chuyện với vài người trong xóm mà lâu nay trong đời đi làm không mấy khi nói với nhau mấy câu. Có khi tình cờ đối mặt với vài người biết nhau từ nhỏ nhưng đã đi ra nước ngoài, nay bỗng dưng gặp lại, nhắc chuyện cà phê Trúc Giang và những kỷ niệm vụn vặt hồi nhỏ. Tình tri ngộ chợt đến, ấm áp như ly cà phê đang nhỏ giọt.

Cuộc sống phóng khoáng, thích giao tiếp ở Sài Gòn không thể thiếu quán cà phê. Đó là phần quan trọng trong nếp sống thị dân từ thời Pháp thuộc để lại, không bị mai một dù từng có bao thay đổi trên thành phố này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: