Nhân sự kiện lần đầu tiên một cựu tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố hình sự, xin rà lại một số thuật ngữ pháp lý trong quy trình tố tụng ở Mỹ mà mọi người có lẽ đã nghe qua nhưng có thể còn ít nhiều thắc mắc.
JURISDICTION
Đầu tiên phải nói đến chữ jurisdiction – là đơn vị hay địa phương có thẩm quyền xét xử. Hoa Kỳ là một liên bang với 50 tiểu bang. Mỗi tiểu bang có hiến pháp riêng; có bộ luật riêng; có ba nhánh Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp riêng. Nhưng vì là thành viên của Liên-Bang nên tất cả còn bị chi phối bởi Hiến-Pháp Hoa-Kỳ – Constitution of the United States, và bộ luật Liên-Bang, tức Federal Laws.
Trong trường hợp vừa mới đây, người bị truy tố tuy từng làm tổng thống Liên-Bang và vì vậy đã không bị truy tố khi còn tại chức vì Hiến-Pháp không cho phép, nhưng ông ta lại bị Bộ Tư Pháp bang New York truy tố sau khi bãi nhiệm vì trước khi làm tổng thống ông ta đã có những hành vi bị cho là phạm pháp tại tiểu bang này. Quyền truy tố này của New York tiếng Anh gọi là “having jurisdiction over” – đối với một cá nhân hay tổ chức mà chính quyền sở tại có bổn phận điều tra.
SPECIAL GRAND JURY
Nếu hành vi phạm pháp thuộc về hình sự (criminal) thay vì dân sự (civil), và nếu nó đạt mức nghiêm trọng đủ hoặc nó quá phức tạp, Bộ Tư Pháp có thể triệu tập Special Grand Jury (SGJ) – Đại Bồi Thẩm Đoàn Đặc Biệt, để truy khảo. Người chịu trách nhiệm cho SGJ thường là một District Attorney – Biện Lý hay Chưởng Lý, nằm dưới quyền bộ trưởng Bộ Tư Pháp – tiếng Mỹ gọi là Attorney General. Theo luật Liên-Bang, Bộ Tư Pháp có quyền impanel (triệu tập) SGJ nếu họ nghi ngờ hành vi phạm pháp đang diễn ra – chẳng hạn như tổ chức buôn lậu, rửa tiền v.v. Bồi thẩm đoàn làm việc trong bí mật, không ai được phép tiết lộ bất cứ điều gì.
Nhiệm vụ của SGJ là xem xét các chứng cớ sơ bộ, tra vấn một số nhân chứng, để quyết định xem có đủ điều kiện để tố cáo hay không. SGJ, có tiểu bang gọi là Special Purpose Grand Jury (SPGJ), thường được dùng trong những vụ án phức tạp, cần nhiều thời gian để thu thập bằng chứng, triệu tập nhân chứng. Special Grand Jury khác với Grand Jury bình thường ở chỗ tuy cả hai đều áp dụng cho các vụ án hình sự, nhưng SGJ không có thời hạn nhất định, trong khi đó Grand Jury thường chỉ họp khoảng hai tháng là xong.
Một khi SGJ cho biết tội phạm có thể đã hoặc đang xảy ra, Văn phòng Chưởng lý sẽ xin phép tòa án lập ra một Grand Jury bình thường để xác quyết xem có cần truy tố hình sự hay không.
PRIVILEGE
Nhiều nhân chứng có thể từ chối ra điều trần khi nhận được trát đòi (subpoena) từ Chưởng lý, viện cớ họ được đặc quyền (privilege) không phải khai báo vì lý do pháp lý nào đó. Chẳng hạn như attorney-client privilege cho phép giữ kín những trao đổi giữa luật sư và thân chủ – nếu nhân chứng là luật sư của người đang bị điều tra, họ có thể nại cớ đó để từ chối trát của Chưởng lý. Hoặc executive privilege cho phép tổng thống hay nhân viên của nhánh Hành Pháp không phải điều trần vì ảnh hưởng đến việc thi hành công vụ.
Tuy nhiên, các đặc quyền này vẫn có thể bị quan tòa trông coi vụ án (the judge with jurisdiction over the case) bác bỏ nếu phía công tố có thể chứng minh rằng hành động của nhân chứng liên quan đến chuyện phi pháp. Trong các vụ điều tra liên quan đến vị cựu tổng thống, hầu hết các nhân vật quan trọng hay cao cấp đều viện dẫn đặc quyền này kia kia nọ để tránh ra làm nhân chứng. Vì vậy nên phía công tố phải kiện để yêu cầu tòa bác bỏ đặc quyền của họ trước, nếu thắng kiện thì công tố mới có quyền tra khảo họ, song chỉ trong giới hạn quan tòa cho phép. Quy trình này rất nhiêu khê và tốn thời gian, bởi vậy cho nên cần phải có SGJ mới kham nổi.
GRAND JURY
Tiếng Việt gọi là đại bồi thẩm đoàn, Grand Jury là khái niệm mượn từ hệ thống luật của Anh quốc thời Trung Cổ. Ngày nay chỉ còn Hoa Kỳ và Liberia là còn dùng Grand Jury. Đối nghịch với Grand Jury là Petit Jury, dùng cho những vụ kiện dân sự lẻ tẻ. Grand Jury thường có 12 người (SGJ có thể lên đến 23 người).
Trong tiếng Anh, động từ gọi việc triệu tập Grand Jury là impanel (còn viết là empanel) hoặc seat. Ví dụ: “The chief judge has ordered a grand jury to be seated.” Và người được chọn vào ngồi trong bồi thẩm đoàn (juror) thì gọi là “sit on the jury.”
Nhiệm vụ chính của Grand Jury là thẩm định các bằng cớ bên công tố đưa ra cũng như lời khai của các nhân chứng để biểu quyết; một là buộc tội – indict, hai là không buộc tội – ignore, cá thể đang bị điều tra. Cá thể ấy có thể là một người, một nhóm người, hay một tổ chức hoặc công ty. Giống như SGJ, Grand Jury cũng họp kín và đối tượng bị điều tra (target) không được cho hay mình đang bị soi chiếu.
Để buộc tội cần ít nhất 12 bồi thẩm viên bỏ phiếu thuận. Hầu hết (99%) các đối tượng bị điều tra bởi đại bồi thẩm đoàn của Liên Bang đều bị buộc tội.
INDICTMENT
Sau khi bỏ phiếu kín, người Jury Foreman, tức người được Jury bầu làm phát ngôn viên cho đoàn, sẽ trao cho Chưởng Lý kết quả cuộc biểu quyết. Nếu không đủ 12 phiếu thuận, họ sẽ ghi chữ “ignoramus” – nghĩa là hãy bỏ qua (ignore) vụ này. Ngược lại, họ sẽ ghi “a true bill” – nghĩa là có đủ bằng chứng khả tín để truy tố đối tượng.
Đồng thời, họ sẽ giao cho Chưởng Lý bản cáo trạng trong đó ghi rõ những tội danh nào đáng truy tố, những tội danh nào không. Tất cả đều được giữ kín (sealed), chỉ có bên công tố và vị thẩm phán có “jurisdiction” trong vụ này được biết. Bản cáo trạng đó được gọi là “Indictment.”
ARRAIGNMENT
Một khi nhận được Indictment, Văn phòng Chưởng lý có thể thông báo cho người bị buộc tội biết và thu xếp ngày giờ và địa điểm để họ ra trình diện. Hoặc nếu đối tượng là kẻ nguy hiểm hay có nguy cơ bỏ trốn, nhân viên công lực có quyền đến bắt giữ họ (arrest).
Bất kỳ là trường hợp nào chăng nữa, người bị indicted kể từ đó trở đi được xem là bị cáo tội hình sự (criminal defendant). Họ sẽ phải bị lấy dấu tay (fingerprinted), được chụp hình (mug shot), và ra trình diện trước quan tòa để nghe đọc cáo trạng. Họ có quyền nhận tội (plead guilty) hoặc chối tội (plead not guilty). Quan tòa có thể ra lệnh bắt giam chờ ngày xử án (pre-trial detention) hoặc cho đóng tiền thế chân để tại ngoại (post bail). Nếu bị cáo có khả năng trốn ra nước ngoài, quan tòa có thể ra lệnh tịch thu hộ chiếu.
Ngoài ra, bị cáo được tại ngoại có thể bị cấm nói chuyện với truyền thông báo chí hoặc phát biểu trên mạng xã hội về vụ án của mình. Nếu vi phạm bất cứ điều gì, tòa có thể ra lệnh giam bị cáo cho đến ngày xử. Tất cả những thủ tục trên đây được gọi là arraignment.
Có thể đối với một người từng làm tổng thống thì việc phải ra đầu thú để bị lăn tay là một sự sỉ nhục. Nhưng đối với những người dân Mỹ yêu chuộng nền dân chủ và Hiến Pháp của họ, thì nó là minh chứng hùng hồn cho cái gọi là “rule of law” – tức nguyên tắc không ai có quyền ngồi xổm lên pháp luật. Mọi người đều phải chịu trách nhiệm (accountable) cho việc mình làm, không có màn “luật là tao, tao là luật.”
Bởi vậy nên qua nay trên mạng xã hội đã thấy xuất hiện một khẩu hiệu mới: “Make Arraignments Great Again!” Song cũng có lời đồn đoán (vô căn cứ) rằng đối với các tín đồ MAGA, nhất là với vị giáo chủ của họ, thì câu này đúng ra phải là “Make Arraignments Go Away!”