Hiện nay nhiều phụ nữ Mỹ đang thực hiện giảm cân bằng phương pháp ngược: Ăn nhiều calories, và kết hợp luyện tập.
Tyla Gomez, 24 tuổi, nhà sáng tạo nội dung, luôn cảm thấy khổ sở vì vóc dáng “quá khổ” của mình. Hồi đầu năm, Gomez vẫn áp dụng phương pháp ăn kiêng, mỗi ngày chỉ nạp vào cơ thể 1,250 calories, nhưng cân nặng của cô vẫn không thay đổi. Cô chán nản: “Mình cảm thấy chỉ cần hít không khí thôi, cũng tăng lên cả pound.” Áo quần mặc chật ních, còn quần jeans thì “đừng có mơ”, vì chẳng có cái nào vừa. Gomez bắt đầu suy nghĩ đến chuyện phải đi hút bớt mỡ trong người ra.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô gái thấy sợ đụng dao kéo, lỡ gặp biến chứng thì khổ cả đời, nên nghiên cứu cách khác, đó là ăn kiêng đảo ngược. Bất ngờ, mọi thứ thay đổi từ khi Gomez tăng lượng calorie nạp vào cơ thể để khôi phục quá trình trao đổi chất sau thời gian dài bị thiếu hụt calories, đồng thời siêng năng tập luyện hơn. Cô khoe với New York Post, là bây giờ có thể mặc vừa chiếc quần jeans yêu thích, mà vẫn ăn thoải mái tới 1,750 calories mỗi ngày.
Ở thời điểm hiện tại, một trào lưu không mới nhưng đang làm bùng nổ mạng xã hội với hashtag #reversedieting (ăn kiêng đảo ngược) thu hút hơn 46 triệu lượt người xem. Phương pháp “reversedieting” xoay vòng giữa ba giai đoạn: thiếu hụt – tăng calories và duy trì calories. Phương pháp này lần đầu tiên trở nên phổ biến đối với những người tập thể hình vào đầu những năm 2000.
Những người theo đuổi phương pháp này ca ngợi nó như một cách để tăng tốc độ trao đổi chất, đốt cháy chất béo bằng cách ăn nhiều thức ăn hơn mà không gây béo. Sau khi bị thiếu hụt trong khoảng từ 8 đến 12 tuần, người ăn kiêng bắt đầu tăng dần lượng tiêu thụ bằng cách thêm 50 đến 100 calorie vào lượng tiêu thụ hàng ngày. Quá trình này sẽ kéo dài trong vòng một đến hai tháng.
Trong thời gian trên, họ thoải mái thưởng thức các món như chocolate, bắp rang, bánh ngọt và ngũ cốc có đường vào các bữa ăn giàu protein. Lượng calories tiếp tục tăng cho đến khi người ăn kiêng đạt đến giai đoạn “duy trì”, trong đó họ ăn từ 2,000 đến 2,700 calories mỗi ngày, mà không hề bị tăng cân.
Huấn luyện viên thể hình chuyên về phương pháp ăn kiêng đảo ngược Jacey Lamb, 25 tuổi, ở Texas nói đã giảm được 9 pound, chỉ trong một chu kỳ ăn kiêng. Trước đó, cô nạp vào cơ thể 1,700 calories, rồi nâng dần lên 2,400 calories/ngày. “cách này giúp tôi định hình lại cơ thể, ổn định nội tiết tố và phát triển mối quan hệ lành mạnh với thức ăn. Tôi cũng có thể ăn nhiều hơn mà vẫn giảm được lượng mỡ, tăng cơ khi kết hợp luyện tập,” Lamb nói.
Trường hợp thứ hai mới gây ấn tượng: Danica Doble, 21 tuổi, người giảm 36 pound từ Tháng Giêng năm 2020, cho rằng phương pháp này đã cứu mạng mình. Giờ đây, cô không còn quá khắt khe với bản thân trước khi quyết định ăn một cái gì đó.
Tuy nhiên, đừng vội mừng, vì các chuyên gia cảnh báo rằng có rất ít bằng chứng khoa học đằng sau phương pháp ăn kiêng ngược và cuối cùng nó có thể làm tổn thương quá trình trao đổi chất. Một nghiên cứu năm 2019 của đại học George Mason thừa nhận một số trường hợp giảm cân thành công nhờ ăn kiêng đảo ngược, nhưng số liệu chưa đủ để công nhận tính hiệu quả của liệu trình này.
Mặt khác, chu kỳ ăn kiêng đảo ngược bắt đầu trong tình trạng thiếu hụt calorie, đồng nghĩa với việc một người đang ăn ít hơn lượng calorie khuyến khích cho nhóm tuổi của họ. Trong khi đó, phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi cần nạp từ 1,800 đến 2,400 calories mỗi ngày, theo dữ liệu từ phòng khám Cleveland.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Amanda Edell, những người trẻ tuổi hơn có thể giảm cân vì quá trình trao đổi chất của họ vẫn còn ổn định. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ thể sẽ căng thẳng nếu chúng ta ăn kiêng trong thời gian dài. Với quá nhiều hormone cortisol được tiết ra, giấc ngủ và hệ tiêu hóa của bạn sẽ sớm thành một mớ hỗn độn. Chưa kể, phương pháp này cũng không phù hợp với mọi người, cho mọi lứa tuổi.