Nếu đã từng nghe cái tên Nguyễn Lân Thắng không ít người sẽ tự hỏi tại sao một gia tộc như Nguyễn Lân lại xuất hiện một con “cừu đen”, không ít thì nhiều sẽ gây hệ lụy cho cả gia tộc, một gia tộc khá nổi tiếng tại Việt Nam không phải vì “có công với cách mạng” mà vì học vấn và trí thức của họ. Dẫn đầu là Giáo sư Nguyễn Lân, mặc dù việc làm của ông gây khá nhiều tranh cãi nhưng sở học cũng như công trình ông theo đuổi khó thể phê phán và ít nhiều cũng để lại hậu thế nhiều ngưỡng mộ.
Ông có tám người con, bảy trai và một gái, tuy không ai trong bảy người này trực tiếp góp phần vào cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng đóng góp lớn nhất của họ là tất cả đều là giảng viên đại học. Bảy người con của ông có học vị tiến sĩ, trong đó có bốn giáo sư, ba phó giáo sư. Nguyễn Lân Thắng là con của người thứ sáu là Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những người chú bác khác của Thắng như Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Tuất, nữ Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (bà đã qua đời), Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng liên tiếp ba khóa là đại biểu Quốc hội, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt và cuối cùng là Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung.
Gia tộc Nguyễn Lân không lạ gì với những hoạt động của Nguyễn Lân Thắng bởi mỗi lần gia đình họp mặt thì Thắng đều có mặt. Chưa ai đặt câu hỏi vì sao không ai trong số chú bác của Thắng đưa ra lời khuyên nào trước các hoạt động của anh, những hoạt động tuy đáng suy ngẫm nhưng hoàn toàn trái lại với ý muốn của nhà nước, nơi mà cả gia tộc Nguyễn Lân đang phục vụ, hay nói đúng hơn đang bị lệ thuộc vì công việc hàng ngày của họ.
Bắt đầu là những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, người ta thấy người kỹ sư xây dựng Nguyễn Lân Thắng chạy khắp nơi để chụp những bô ảnh đẹp, sống động nhất. Từ đó trở đi, không một biến cố nào của người dân lại thiếu vắng Nguyễn Lân Thắng, từ biểu tình tới dân oan khiếu kiện, từ những vụ lớn tới nhỏ của doanh nghiệp cấu kết với địa phương tịch thu đất đai của người dân…
Thắng là người soi mói tận cùng của sự việc, chụp ảnh, đưa tin trên mạng. Khi có phiên tòa nào xử người bất đồng chính kiến thì Thắng là nơi được nhiều báo đài hải ngoại tìm tới nhất. Anh trả lời như người trong cuộc vì anh rành rẽ mọi việc do người dân cung cấp thông tin cho anh. Cái tên Nguyễn Lân Thắng mỗi ngày một vang xa, và cùng lúc sự nguy hiểm đến với Thắng ngày một nhiều hơn.
Bên cạnh việc theo dõi, ngăn cản thường xuyên của cơ quan an ninh, Thắng bị cấm cửa trong giao tiếp nhưng anh rất nhanh nhạy vượt các rào cản để tiếp tục mang đến thông tin cần thiết cho những người quan tâm có cơ hội nhìn toàn cảnh mặt tối của chế độ. Thắng không những tranh đấu cho dân oan, tù oan, anh còn dấn thân vào những nơi thiên tai, lũ lụt để đưa tin đồng bào bị bão cần cứu giúp. Thắng không nhân nhượng bất cứ lãnh vực nào miễn nơi đó có người dân cần giúp, bằng việc cung cấp thông tin cho cộng đồng biết những khó khăn bất an của họ.
Con đường mà Nguyễn Lân Thắng theo đuổi từ năm 2011 cho đến khi bị bắt không hề bằng phẳng, dù trên nguyên tắc anh chỉ chú trọng vào việc mang lại thông tin cho cộng đồng. Những thông tin ấy mới nghe qua thì sơ sài nhưng khi vào cuộc người ta mới thấy đâu là sự can đảm, yêu người yêu đời như Thắng. Từ những thôn bản xa xôi, những hải đảo lạnh vắng cho tới những khu đất đầy sóng gió của người dân tranh đấu với cường quyền đều được anh theo dõi. Tùy lúc tùy nơi, nhưng thông tin Thắng đưa ra không hề bị bóp méo hay tô vẽ. Mọi thông tin đều thô ráp và trên đó được đóng con dấu Nguyễn Lân Thắng thì không ai có thể hiềm nghi sự thật của nó.
Từng được xuất cảnh, Nguyễn Lân Thắng chứng kiến tự do dân chủ của phương Tây và từ đó anh có thêm kinh nghiệm đấu tranh chống độc tài áp bức. Tuy không bao giờ cổ vũ cho khuynh hướng bạo động nhưng cách viết, cách đưa tin của anh cho thấy trọn vẹn khung cảnh thời sự nơi đang diễn ra. Để giải thích tại sao mình lại dấn thân vào cuộc tranh đấu không cân sức, trong thư gửi cho Bé Đậu đứa con gái đầu lòng Thắng đã viết:
“Con được sinh ra trong hoàn cảnh xã hội rất rối ren, lòng người ly tán, đất nước bị xâm lăng. Gia đình mình vốn thuộc loại công thần trong xã hội miền Bắc, được nhiều người quyền cao chức trọng cũng như người dân nể trọng.
Nếu xã hội vẫn bình bình như trước đây thì đó là một lợi thế mà chắc chắn con sinh ra sẽ được đủ đầy hơn mọi người. Nhưng than ôi, cái chế độ mà gia đình ta cũng như nhiều gia đình khác đổ cả máu và mồ hôi để phụng sự nó hàng chục năm về trước đã không còn vì đất nước, vì nhân dân nữa.
Người ta đã phản bội tất cả những gì đã hứa với dân để vun vén cho quần thần, cho gia tộc của họ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức băng hoại, tài nguyên kiệt quệ, công nhân làm đĩ, nông dân ăn mày, trí thức hạ mình, tổ quốc lâm nguy, nợ nước ngoài đến đời con chắc chắn chưa trả được.”
Cách mà Thắng trải lòng khiến nhiều người tỉnh ngộ, nếu trước đó có nghi ngờ đời tư của anh. Tuy nhiên việc gì phải tới đã tới, khi công an Hà Nội đọc lệnh bắt thì Thắng đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng trước đó. Anh biết mình sẽ bị bắt sau khi Phạm Đoan Trang vào tù, hai người thân nhau và hiểu rõ sự ràng buộc vào nhau như thế nào khi đỉnh điểm sự kiên nhẫn của cơ quan an ninh đã hết.
Hai cuốn sách mà Phạm Đoan Trang ký tặng cho Thắng chỉ là cái cớ nhưng chúng cho thấy nỗi lo sợ của công an văn hóa Hà Nội đã trở thành sự thật. Bắt Thắng mà thiếu bằng chứng thì gia tộc Nguyễn Lân nào chịu im lặng, với hai cuốn sách “phản động” của Phạm Đoan Trang dù sao cũng giúp cho cơ quan tố tụng có cái để mà trình bày giữa tòa.
Tuy nhiên, ai cũng biết sách mà Đoan Trang ký tặng cho Thắng không phải chỉ mình Thắng mới có, nó lan tỏa trong nước lẫn hải ngoại nhiều đến nỗi chính Trang cũng không biết con số thật, thì lấy đâu ra kết tội Thắng với lý do “ngớ ngẩn” như thế! Đây có lẽ là nguyên do khiến tòa quyết định xử kín Nguyễn Lân Thắng vì suy ra khi xử công khai, Viện kiểm sát khó lòng trưng được bằng chứng hợp lý để kết án Thắng giữa công đường.
Nêu tên Thắng trong các cuộc phỏng vấn của các “đài địch” như BBC, RFI, VOA, RFA thì cũng dở bởi không chỉ có Thắng mới trả lời cho các đài này mà hàng trăm người khác đang phục vụ chế độ cũng từng trả lời cho họ. Những người dám trả lời không những trong giới đấu tranh mà còn ở những lĩnh vực khác. Họ chuyên sâu trong vai trò đang giữ nên câu trả lời của họ khó bị bẻ ngoặc thành chống phá nhà nước. Những người như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyên Ngọc, Hà Sĩ Phu, Trần Độ, Nguyễn Phương, Lê Hiếu Đằng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo… cùng hàng trăm tên tuổi khác không hề ngại ngùng khi phát biểu trên truyền thông hải ngoại. Nếu kết án Nguyễn Lân Thắng vì tội trả lời đài địch thì những người khác nhà nước xử lý ra sao?
Trước ngày xử, Thắng không hề cô đơn khi chính phụ mẫu của anh chính thức lên tiếng bằng một lá thư gửi cho tòa án. Có lẽ tòa sẽ không đọc nhưng bù lại cư dân mạng đều biết lá thư này. Với lời lẽ chừng mục nhưng thuyết phục, bức thư cho thấy cả nhà Thắng đều ủng hộ việc làm của anh mặc dù trước đó họ chưa hề lên tiếng khen hay chê chúng. Cha mẹ nào cũng thương con nhưng không hiếm cha mẹ chấp nhận đánh đổi số phận của con vì miếng cơm manh áo. Ông bà Nguyễn Lân Tráng và mẹ là Trần Thảo Nguyên, đã công khai bức thư trong đó có đoạn:
“Sinh ra trong một gia đình trí thức có tiếng, cơ hội để sống nhàn hạ và dễ dàng của Lân Thắng không hề thiếu, và chúng tôi đã từng chỉ mong con trai có cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Lân Thắng đã may mắn có một người vợ giỏi giang và hai con còn rất nhỏ nhưng ngoan ngoãn hiểu chuyện.
Nhưng khi chứng kiến những chuyện ngang trái, những điều bất cập, con chúng tôi không chọn cách nhắm mắt im lặng qua ngày. Thắng đã lên tiếng, mạnh mẽ và quyết liệt bày tỏ thái độ với những biểu hiện tiêu cực và bất cập ở khắp nơi trên đất nước. Kể cả khi có những áp lực từ những người thân xung quanh, con chúng tôi vẫn sống đúng với những gì Thắng tin là đúng. Chúng tôi rất lo lắng cho Thắng và gia đình nhỏ, nhưng chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con mình. Con trai chúng tôi chỉ đang sống như một công dân yêu nước có trách nhiệm với xã hội.
Khi nhận được Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong kết luận con trai chúng tôi chống Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý và một loạt những tội khác, chúng tôi đã thấy rất ngạc nhiên. Chúng tôi cho rằng việc lên tiếng chống tiêu cực và đứng về những người yếu thế trong xã hội không phải là “tội chống chính quyền”? Cũng như việc được tặng sách từ bạn bè không thể là tội tàng trữ tài liệu có thông tin xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân?”
Ngày 12 Tháng Tư 2023, chắc chắn trong cái nhộn nhịp của cuộc sống người dân Hà Nội sẽ có không ít con tim đập chung nhịp đập của Nguyễn Lân Thắng. Họ là bạn bè, những người dân oan, những người bất đồng chính kiến chưa bị bắt, những hãng truyền thông lớn ở hải ngoại hay những định chế quốc tế hoạt động cho dân chủ nhân quyền… Thắng không cô đơn và Thắng sẽ chiến thắng như định mệnh sắp đặt cho chính cái tên của mình: Lân Thắng.
_________
Ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt ngày 5 Tháng Bảy 2022 theo Điều 117 với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Theo Điều 117, người bị kết tội có thể phải chịu mức án tù tối đa là 20 năm. Ngày 12 Tháng Tư 2023, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Lân Thắng. Ngày 4 Tháng Tư, vợ của ông Nguyễn Lân Thắng, bà Lê Bích Vượng, nhận được giấy triệu tập cho phiên tòa và được biết tòa quyết định xử kín.
_____________