Bắc Kinh che giấu dữ liệu, kiểm duyệt thảo luận nhằm quảng bá câu chuyện về chiến thắng của đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch COVID-19, theo phóng sự của The Wall Street Journal.
Hai tháng sau ngày tuyên bố chiến thắng COVID-19, đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố định hình cách mà người dân Trung Quốc nhớ tới đại dịch bằng việc giấu giếm dữ liệu về tác động của nó, kiểm duyệt mọi người dân có ý kiến trái với quan điểm của chính phủ là Trung Quốc đã chiến thắng con virus quái ác.
Một trong các câu hỏi lớn nhất – có bao nhiêu người chết – vẫn chưa được trả lời vì chính quyền vẫn giới hạn việc tiếp cận những bản ghi chép có thể chứa manh mối của vấn đề. Nhà cầm quyền Trung Quốc kiểm duyệt những cuộc thảo luận trên mạng xã hội bàn về tác động tâm lý lâu dài của chính sách “không COVID” (zero-COVID), một chính sách làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của người dân và cách ly Trung Quốc khỏi thế giới bên ngoài suốt ba năm, cho đến khi Bắc Kinh đột ngột bãi bỏ nó vào cuối năm ngoái.
Xuyên tạc quá khứ
Trong vài tuần gần đây, nhà cầm quyền đã ngăn chặn việc tổ chức kỷ niệm một năm ngày bắt đầu vụ phong tỏa kéo dài hàng tháng ở Thượng Hải – một biện pháp khiến nhiều người bị tổn thương về cảm xúc. Những video-clip ghi lại cảnh Thượng Hải bắt đầu bị phong tỏa vào tháng Ba năm 2022 cùng một số bài đăng trên mạng xã hội về sự kiện này đã bị xóa sau khi nhiều người dân địa phương chia sẻ lại. Tại một phòng trưng bày mỹ thuật tư nhân trong khu tô giới Pháp cũ của Thượng Hải, một cuộc triển lãm tranh về cuộc sống trong thời kỳ phong tỏa đã bất ngờ bị đóng cửa vào cuối tháng Ba mà không giải thích lý do.
Trong các báo cáo thường niên được công bố gần đây trên trang web chính thức của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, nhiều công ty đã tránh nhắc đến tên của đại dịch hoặc tên của virus, ngay cả khi các công ty đó gặp nhiều khó khăn về tài chính do các biện pháp chống Covid-19 của chính phủ. Ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc chẳng hạn đã viện dẫn sự xung đột địa chính trị hoặc giá dầu cao gây ra tổn thất tài chính của họ; những công ty khác đổ lỗi cho “sự cố sức khỏe cộng đồng đột ngột” hoặc “sự kiện bất ngờ” làm gián đoạn việc kinh doanh chứ không phải do biện pháp phong tỏa khắc nghiệt.
ĐCSTQ đã xóa lịch sử các sự kiện khác trong quá khứ của đất nước bằng cách kiểm soát thông tin. Ví dụ, nhiều người thuộc thế hệ trẻ Trung Quốc biết rất ít về cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, hoặc chấp nhận lời giải thích của chính phủ rằng đó là một cuộc nổi dậy phải bị dập tắt để duy trì ổn định xã hội.
Gina Tam, một nhà sử học tại Đại học Trinity ở San Antonio, Texas cho biết: “Dù không phải tất cả các sự kiện lịch sử đều giống nhau, nhưng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm định hình ký ức của công chúng về chính sách COVID của họ cho thấy ĐCSTQ không sẵn sàng nhìn nhận đầy đủ về quá khứ khi quá khứ đó làm xấu đi hình ảnh của Đảng”.
Tuyệt đối đúng
Bắc Kinh thúc đẩy ý tưởng rằng trong việc xử lý đại dịch COVID, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra mọi quyết định đúng đắn, gồm cả quyết định bãi bỏ chính sách “không COVID” sau khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối hiếm hoi của công chúng, và rõ ràng là họ không thể ngăn chặn được virus. Nhưng trong một bài diễn văn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đọc vào tháng Hai, ông ta vẫn khẳng định, các quyết định của lãnh đạo Đảng trong ba năm đại dịch là “hoàn toàn đúng đắn và được nhân dân công nhận”.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đăng một loạt bài bình luận phản bác những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông quốc tế và những nơi khác về việc Trung Quốc đột ngột mở cửa trở lại, kéo theo sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm bệnh. Một bài báo cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị đủ nguồn lực y tế trước khi đưa ra quyết định. Tờ báo cũng nhấn mạnh cái gọi là sự phục hồi kinh tế và ổn định xã hội Trung Quốc sau đại dịch.
Hầu hết người dân ở Trung Quốc, cũng như ở các quốc gia khác, đều chỉ muốn tiếp tục hướng tới tương lai và không muốn đặt câu hỏi về sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Nhiều người ủng hộ việc chính phủ đã giữ cho số người chết luôn ở mức thấp trong suốt phần lớn thời gian diễn ra đại dịch, ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải từ bỏ quyền tự do cá nhân.
Số người chết
Nhưng số người chết vì COVID ở Trung Quốc là một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất; các chuyên gia y tế quốc tế kêu gọi Bắc Kinh công bố thêm dữ liệu.
Các nhà dịch tễ học ước tính có từ 1 đến 1.5 triệu người chết vì Covid-19 ở Trung Quốc. Các cơ quan y tế Trung Quốc đưa ra con số tử vong thấp hơn nhiều, khoảng 84,000 người; hầu hết xảy ra sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế “không COVID”. Nhà chức trách cho biết họ không tính vào đây những người chết bên ngoài bệnh viện.
Nhiều người đã cố gắng tìm con số ước tính đầy đủ hơn bằng cách đếm số ca tử vong trong những tháng gần đây rồi so sánh con số đó với các giai đoạn trước. Việc này là rất khó khăn do thiếu dữ liệu về hỏa táng, điều phổ biến đối với người chết ở nhiều vùng của Trung Quốc. Thông thường, các con số hỏa táng được các cơ quan dân sự báo cáo thường xuyên, nhưng trong quý 4-2022 vừa qua, dữ liệu hỏa táng ở hơn một chục thành phố đã bị bỏ trống. Nam Kinh, một thủ phủ cấp tỉnh thịnh vượng với gần 10 triệu dân, thậm chí đã xóa phần dữ liệu về hỏa táng khỏi mọi báo cáo được công bố kể từ quý đầu tiên của năm 2020. Những thành phố khác đã hoãn gửi báo cáo và không có thông tin chi tiết về thời điểm dữ liệu đó sẽ được công bố.
Khi ông Tập tuyên bố chiến thắng vào tháng Hai sau khi đại dịch đã lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc, ông đã ca ngợi cách Trung Quốc thực hiện một quá trình chuyển tiếp suôn sẻ “trong một khoảng thời gian ngắn” và giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất thế giới. Ông nói Trung Quốc “đã tạo nên một kỳ tích đáng kể trong lịch sử văn minh nhân loại khi ra khỏi đại dịch thành công”.
Ký ức đau thương
Nhưng những ký ức đau thương của người dân Trung Quốc về ba năm phong tỏa thì không dễ phai nhạt.
Quách Tĩnh (Guo Jing), một nhân viên xã hội và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ sống ở Vũ Hán trong thời gian thành phố này bị phong tỏa năm 2020, nói với Wall Street Journal rằng lực lượng an ninh nhà nước đã yêu cầu bà giao nộp bản thảo nhật ký mà bà đã xuất bản vào năm đó. Các camera giám sát sau đó đã được lắp đặt bên ngoài căn hộ của bà và các sự kiện giáo dục về bạo lực gia đình có liên quan đến tên bà đều bị hủy bỏ.
Khi các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thăm Vũ Hán vào đầu năm 2021, bà Quách, 32 tuổi, bị giam trong khu dân cư, không được ra khỏi nhà suốt hai tuần mà không có lý do. Bà Quách đã rời khỏi Trung Quốc vĩnh viễn vào tháng Mười năm 2021; bà cho biết “bà có cảm giác như họ [chính quyền] có thể hủy hoại cuộc đời tôi một cách dễ dàng”.
Một số cư dân Thượng Hải đã mua trên mạng chiếc áo thun màu tím có dòng chữ “Người sống sót sau lệnh phong tỏa ở Thượng Hải”, nhưng sau đó họ báo cáo rằng cảnh sát đã triệu tập họ để thẩm vấn.
Cathy Lâm, một cư dân Thượng Hải, nói rằng trong khi hầu hết mọi người đã ngừng nói về COVID thì cô và bạn bè vẫn tức giận và phản bác đánh giá của chính phủ rằng họ đã xử lý đại dịch đúng cách. Cô Lâm cho biết cô đã trải qua hai tháng bị nhốt trong căn phòng rộng 9 mét vuông, một mình và đói khát, kể cả vào sinh nhật lần thứ 30. Cô nói rằng cô không nghĩ mọi người đã quên. “Nhưng có vẻ như chúng tôi không thể làm gì được,” cô nói.
Bà Quách, nhân viên xã hội và nhà hoạt động vì nữ quyền ở Vũ Hán, nói rằng bà đã rất thất vọng khi lang thang dọc sông Dương Tử trước khi rời Trung Quốc, và nhìn thấy những khẩu hiệu tuyên truyền bằng đèn nê-ông sáng rực trên các tòa nhà chọc trời, chúc mừng thành phố “chiến thắng” và “anh hùng”. Bà cảm thấy nỗi buồn dâng lên trong người khi nghe thấy một đứa bé đọc to các khẩu hiệu ấy. “Các cháu bé không hiểu phong tỏa có ý nghĩa như thế nào đối với tất cả chúng ta, nhưng đó chỉ là cách lũng đoạn câu chuyện về đại dịch,” bà nói.
“Thế hệ này sẽ không thể quên được,” một luật sư ở Thượng Hải nói, nhớ lại việc bà bị người gác cổng giam giữ trong tòa nhà của bà vào tháng Tư năm ngoái. “Nhưng thế hệ kế tiếp thì sao? Khó mà biết được.”
Đọc thêm: