Đưa hình ảnh thương tâm của những trẻ em Việt Nam bị bệnh hiểm nghèo lên mạng để vận động quyên góp, công ty DeeDa Việt Nam đã lấy chi phí từ 10% – 50% trên tổng số tiền.
Một chi nhánh của công ty Singapore ở quận Bình Thạnh (Sài Gòn) đã dùng những câu chuyện thương tâm về những trẻ em bị bệnh hiểm nghèo để quyên tiền trực tuyến, từ đó ăn hoa hồng từ 10%-50% trên tổng số tiền quyên góp.
Đó là công ty DeeDa Việt Nam (chi nhánh của công ty Waterdrop International PTE.LTD có địa chỉ tại Singapore, thành lập năm 2019) có trụ sở chính tại 49L Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Trong giấy chứng nhận công ty, DeeDa đăng ký bốn ngành nghề kinh doanh, gồm: Lập trình máy vi tính; tư vấn và quản trị hệ thống máy tính; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khách liên quan đến máy tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.
Tuy vậy, trên trang web công ty, DeeDa lại giới thiệu là một nền tảng công nghệ gây quỹ trực tuyến, sử dụng sức mạnh công nghệ cung cấp cách gây quỹ… từ y tế, phúc lợi động vật, giáo dục cho đến hỗ trợ vật chất và cho biết đang có mặt tại Singapore, Việt Nam và Thái Lan. Trong mỗi “chiến dịch” vận động quyên góp cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, DeeDa Việt Nam đều “thòng” câu slogan: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt cho ít nhất một mảnh đời bất hạnh”.
Phóng sự điều tra của Tuổi Trẻ đăng liên tiếp nhiều kỳ trong các ngày 13 – 14 Tháng Tư 2023 về cách thức công ty này vận động quyên góp trên mạng đã cho thấy DeeDa Việt Nam đang kinh doanh “quyên góp từ thiện”, chủ yếu bằng các câu chuyện thương tâm về trẻ em bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu (Sài Gòn), Nhi Đồng (1 và 2, Sài Gòn), Nhi Đồng Thành Phố (Sài Gòn), Nhi Trung Ương (Hà Nội)…
Một trong số nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ em được DeeDa Việt Nam đưa lên trang web quyên góp là bé N.T.M.A. (ngụ quận Bình Thạnh) mổ tim tại bệnh viện Nhi đồng 2 (Sài Gòn) với bài viết “Xin hãy giúp bé M.A. hai tháng tuổi đang cần chi phí phẫu thuật tim”, chèn 9 hình ảnh, trong đó có 4 hình chụp các loại giấy tờ mô tả bệnh, đơn thuốc, đơn giá giải mã gene và hóa đơn thanh toán viện phí. Các hình còn lại là cảnh bé A. nằm ngủ trong bệnh viện, đánh động lòng thương của độc giả. Các nhà hảo tâm đã quyên góp cho bé A. từ 10,000 đồng – 15 triệu đồng ($0.43 – $639), tổng “chiến dịch” đã có 1,413 nhà hảo tâm ủng hộ tổng số tiền 250,219,655 đồng ($10,671).
Sau đó, DeeDa thông báo rút tiền 4 lần, tất cả đều được chuyển đến cho bà T.T.T.T. (23 tuổi, mẹ của bé A.). Để kiểm chứng số tiền bà T. nhận được có đúng với số tiền DeeDa đã rút, Tuổi Trẻ đã tìm đến bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (huyện Bình Chánh, Sài Gòn) nơi bé A. sắp phẫu thuật nang ruột đôi, tinh hoàn ẩn và thoát vị bẹn.
Bà T. xác nhận cả 4 đợt nhận tiền, số tiền mỗi lần nhận bị cắt từ 10% – 54%, bà thực nhận chỉ 153 triệu đồng ($6,525), tức bị cắt gần 39% tổng số tiền quyên góp, nhưng trên trang web công ty vẫn ghi mẹ bé A. là người thụ hưởng toàn bộ số tiền này.
Điều bất ngờ hơn, bé A. được phẫu thuật tim ở Nhi Đồng 2 với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng ($8,529) nhưng thực trả chỉ hơn 18 triệu đồng ($767), còn lại là do bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi của nhà nước trả!
Soi vào nhiều trường hợp bệnh nhân được DeeDa quyên góp trên mạng, Tuổi Trẻ khám phá ra những “luật ngầm” mà DeeDa đặt ra với gia đình của họ mà nhà hảo tâm không hề hay biết. Ngoài việc buộc phía bệnh nhân chấp nhận “thỏa thuận ủy quyền” cho phép DeeDa dùng thông tin, hình ảnh của họ đăng công khai trên mạng thì sau khi quyên được tiền, DeeDa sẽ thu hàng loạt phí như: Phí nền tảng, phí đối tác tạo điều kiện giao dịch, phí chạy quảng cáo…
Chẳng hạn như 5% sẽ dành cho việc bảo trì nền tảng, 5% khác để trả cho các đối tác cổng thanh toán. Như vậy 10% bị trừ là khoản bắt buộc cho mọi trường hợp. Nếu bài đăng quyên được ít thì DeeDa sẽ chạy quảng cáo và trừ tiếp vào số tiền thu được, nhưng lại không nêu rõ là trừ bao nhiêu phần trăm.
Theo kiểm chứng của Tuổi Trẻ, trong thực tế rất hiếm bệnh nhân được nhận 90% số tiền quyên góp. Một trường hợp khác là gia đình bé N.G.Đ. (3 tuổi, quê Hà Nội), mắc bệnh tim bẩm sinh, mù hai mắt, tai không nghe được và vận động kém. Bà N.D.L. (mẹ bé Đ.) đã chấp nhận điều kiện trừ “10% chi phí nền tảng” nhưng sau khi kết thúc “chiến dịch” gây quỹ cho bé N.G.Đ., DeeDa công khai số tiền nhà hảo tâm góp được gần 144 triệu đồng ($6,141), nhưng chỉ trao cho mẹ bé Đ. hơn 70 triệu đồng ($2,985).
Vậy là DeeDa đã trừ khoảng 49% tiền phí, gồm: Phí quảng cáo 39%, nền tảng 5% và kênh thanh toán 5%.
Sàng lọc từ hơn 1,000 “chiến dịch” của DeeDa, Tuổi Trẻ tìm gặp bệnh nhân thuộc 30 ca, thì họ đều cho biết bị cắt từ 10% đến 50% số tiền quyên góp được. Tiếp tục sàng lọc ngẫu nhiên 8 bệnh nhân trẻ em thuộc bệnh viện Nhi đồng 2 thì có 6 ca được hưởng 100% chi phí bảo hiểm y tế, còn 2 ca hưởng 80% chi phí bảo hiểm y tế.
Không những thế, DeeDa Việt Nam còn kêu gọi quyên góp cho người chết. Điển hình là trường hợp bà T.T.M.D. (55 tuổi, ngụ Sài Gòn), mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu thành phố, mục tiêu DeeDa kêu gọi quyên góp là 50 triệu đồng ($2,132). Đến đầu Tháng Hai 2023, “chiến dịch” quyên góp này chưa có dấu hiệu kết thúc, dù bệnh nhân đã qua đời ngày 5 Tháng Mười Hai 2022, sau 9 ngày điều trị. Chi phí điều trị của bà D. khoảng 9.5 triệu đồng ($405), được bảo hiểm y tế thanh toán 95%, phần còn lại khoảng 500,000 đồng ($21) bệnh viện đã hỗ trợ luôn cho bà.
Trưởng phòng công tác xã hội bệnh viện Ung Bướu là bà Lê Hồng Diễm đã khẳng định các trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện được trang DeeDa kêu gọi quyên góp hoàn toàn không thông qua bệnh viện.
Các bệnh viện khác như Nhi Đồng (1 và 2, Sài Gòn) cũng cho biết đã từng từ chối hợp tác với DeeDa. Nhưng bằng nhiều cách, DeeDa vẫn thâm nhập vào bệnh viện làm quen với cha mẹ bệnh nhân trẻ em để chụp hình, viết bài nhằm kêu gọi quyên góp trên mạng. Tháng Chín 2022, ông Xiao Xin, Tổng giám đốc DeeDa Việt Nam từng gửi văn bản đề xuất hợp tác với Phòng công tác xã hội thuộc bệnh viện Nhi Đồng 2 để thu thập thông tin và hoàn cảnh bệnh nhân. Trong văn bản, ông Xiao Xin giới thiệu đã giúp được hơn 10,000 gia đình với số tiền gây quỹ lên đến $1 triệu.
Tiêu chí của DeeDa Việt Nam là hỗ trợ gây quỹ cho bệnh nhân nghèo và không giới hạn bệnh lý. Hình thức gây quỹ bao gồm: Thu thập thông tin, đăng tải, truyền thông trên mạng xã hội và rút tiền.
Văn bản này hoàn toàn không đề cập đến việc DeeDa Việt Nam sẽ trừ chi phí nền tảng và quảng cáo trên tổng số tiền quyên góp được, như cách công ty này đang áp dụng.
Đề nghị này của ông Xiao Xin không được bệnh viện Nhi Đồng 2 chấp thuận.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng công tác xã hội, khẳng định bệnh viện không đồng ý với cách gây quỹ của DeeDa, cũng không có bất cứ hợp tác nào. Ông Khanh còn cung cấp cho Tuổi Trẻ danh sách tám bệnh nhi được DeeDa kêu gọi gây quỹ, trong đó có trường hợp em N.H.T.K. (quê Tiền Giang) và P.T.K. (quê Trà Vinh) không còn điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1. Chưa hết, trong danh sách này còn có một trường hợp được kêu gọi gây quỹ nhưng gia đình đứa trẻ không hề hay biết.
Đặc biệt, có một trẻ em quê Kiên Giang bị viêm cơ tim cấp, được DeeDa thông tin: “Lần chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) đầu tiên bác sĩ yêu cầu tạm ứng 210 triệu đồng, nhưng do thương tình hoàn cảnh gia đình khó khăn bác sĩ đã giảm xuống 150 triệu đồng, rồi 50 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng” hoàn toàn sai sự thật. Bác sĩ Khanh khẳng định bệnh viện không có kiểu giảm giá như thế, đồng thời xác nhận đã chi quỹ của phòng công tác xã hội, hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân trẻ em này 281 triệu đồng ($11,948).
Ngày 15 Tháng Tư 2023, khi thâm nhập xin ứng tuyển vị trí “cố vấn gây quỹ” tại Deeda, văn phòng ở Hà Nội, phóng viên Tuổi Trẻ mới hay công ty này chỉ có một sản phẩm kinh doanh duy nhất là “bệnh nhân”.
Việc của “cố vấn gây quỹ” được mô tả là chỉ là cần tiếp cận, thuyết phục người bệnh đồng ý cho sử dụng thông tin và hình ảnh để DeeDa kêu gọi quyên góp và được một nhân viên công ty hướng dẫn là “Không nên thông qua các phòng, ban của bệnh viện mà phải trực tiếp đi tìm bệnh nhân”. Nhân viên này cũng khẳng định DeeDa sẽ giữ lại 10% tổng số tiền gây quỹ được để trả lương cho các “cố vấn gây quỹ” và ngoài 10% này, nếu bệnh nhân đồng ý chạy quảng cáo thì còn phải chịu các chi phí khác. Mỗi một “cố vấn gây quỹ” khi được tuyển sẽ được đào tạo cách tiếp cận bệnh nhân, cách viết bài sao cho hấp dẫn để thu hút nhiều người động lòng bác ái, có mức lương cố định là 6 triệu đồng/tháng ($255) và nếu đạt chỉ số hoàn thành công việc (KPI) – dựa vào tổng số tiền gây quỹ được cho mỗi trường hợp kêu gọi – sẽ có thêm 6 triệu đồng nữa ($255).
Đáng lưu ý là hình thức kinh doanh quyên góp từ thiện này được DeeDa đưa vào Việt Nam từ đầu năm 2021, trước ngày công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố (Sài Gòn) cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ngày 10 Tháng Tám 2022). Từ đó đến nay, DeeDa công bố đã phát động 1,500 “chiến dịch”, có 36,000 lượt người quyên góp và tổng số tiền thu được trên 30 tỷ đồng ($1,279,452).
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư thành phố Sài Gòn) khẳng định trong giấy phép đầu tư của công ty DeeDa (Việt Nam) không có “hoạt động từ thiện như gây quỹ hoặc các hoạt động ủng hộ khác nhằm trợ giúp xã hội”. Theo ông Trạch, hành vi kinh doanh quyên góp từ thiện của DeeDa trong thời gian qua là vi phạm đạo đức và vi phạm cả pháp luật.
Nếu muốn thực hiện các hoạt động kêu gọi từ thiện thì DeeDa phải thành lập quỹ từ thiện theo đúng quy định tại nghị định 93/2019/NĐ-CP hoặc nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần phải khẳng định nguyên tắc của việc làm từ thiện là không có lợi nhuận, do đó, mọi khoản thu đều phải được chi theo đúng quy định, điều lệ và cốt lõi là trao về cho đối tượng mà quỹ từ thiện nhắm đến. Chi phí hoạt động của quỹ có thể được trích từ khoản quyên góp được nhưng trích bao nhiêu và trích như thế nào phải có sự đồng ý của nhà hảo tâm.
Chiều ngày 15 Tháng Tư 2023, khi mở trang web DeeDa Việt Nam, có một cái thư gửi Mạnh Thường Quân và độc giả với nội dung như sau: “DeeDa Việt Nam luôn cam kết nỗ lực tuân thủ pháp luật Việt Nam và cam kết vì những mục đích tốt đẹp giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ các thông tin mà một số cơ quan báo chí đã và đang đưa tin. Chúng tôi đang tạm ngưng các hoạt động hỗ trợ gây quỹ cho bệnh nhân cho đến khi mọi vấn đề về hoạt động của chúng tôi được làm rõ và chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam để tiếp tục vì mục đích tốt đẹp mà DeeDa Việt Nam đã đặt ra vì cộng đồng Việt Nam”.
Có thể thông tin về mọi trường hợp cần được giúp đỡ trên trang web này chưa chính xác, nhưng ít ra sự ra đời của DeeDa đã đáp ứng trúng vào nhu cầu cần được giúp đỡ của rất nhiều bệnh nhân nghèo ở Việt Nam. Có thể trách DeeDa thu phí quá cao nhưng với bệnh nhân nghèo ở Việt Nam thì thà nhận được hơn 40% số tiền quyên góp cũng còn hơn không có đồng nào! Ít ra thì DeeDa cũng cho bệnh nhân biết họ bị trừ bao nhiêu tiền và có chuyển tiền cho họ, còn hơn nhiều cá nhân, tổ chức nhân danh “quyên góp từ thiện” khác ở Việt Nam là chỉ dựng nên những câu chuyện tưởng tượng, “bệnh nhân giả” và ẵm trọn số tiền nhận được!
Trước khi có mô hình kinh doanh quyên góp từ thiện bài bản như Deeda, từ hơn 10 năm trước, trong bệnh viện Ung Bướu thành phố (Sài Gòn) đã có những nhân viên hộ lý sẵn sàng làm “môi giới” cho phụ huynh của bệnh nhân trẻ em, giới thiệu tình cảnh đáng thương của các em cho các Mạnh Thường Quân thường ra vào khoa Nội 3 (khoa nhi). Đổi lại, khi Mạnh Thường Quân giúp đỡ các em ấy, phụ huynh phải “thối lại” một ít tiền trả công cho người hộ lý đó. Với thỏa thuận trao đổi này, điều nhẫn tâm ở đây là có những bé khốn khổ thật sự lại không nhận được sự giúp đỡ vì phụ huynh của bé không biết cách làm thân với nhân viên hộ lý đó.
Bây giờ, các Mạnh Thường Quân đến bệnh viện Ung Bướu không được trực tiếp lên khoa Nội 3 gặp bệnh nhân nữa mà chỉ có thể đăng ký trao quà cho các em ở Phòng công tác xã hội, hoặc chọn cách gửi tiền vào quỹ bệnh viện để dành chữa trị cho bệnh nhân đó. Toàn bộ danh sách các em cần giúp đỡ đều do nhân viên Phòng công tác xã hội đề nghị, hoặc có thể xin bác sĩ Trưởng khoa Nội 3 cung cấp. Các đoàn đến trao quà hay tiền cho các em đều nhận được giấy cảm ơn của bệnh viện ghi nhận các món quà và số tiền đóng góp (quà gì, của ai và cho ai; tiền bao nhiêu, của ai và cho ai). Tình trạng “ăn hoa hồng” trên số tiền Mạnh Thường Quân cho bệnh nhân trẻ em của các cô hộ lý tại đây nhờ vậy đã chấm dứt.
Khi mọi sự giúp đỡ bệnh nhân nghèo ở Việt Nam đều minh bạch và công bằng thì ngành kinh doanh quyên góp từ thiện sẽ không còn cơ hội làm ăn nữa.