Dù không nhìn thấy vì bị hỏng võng mạc từ lúc sanh ra, Phan Khương Nghị là một thiếu niên có năng khiếu âm nhạc, tự mày mò chơi được nhiều loại đàn.
Thanh Niên ngày 29 Tháng Tư 2023 kể về nghị lực sống mạnh mẽ của một thiếu niên 12 tuổi, quê Kon Tum, đó là Phan Khương Nghị. Ba năm nay, Nghị hiện đang ăn học miễn phí tại mái ấm Thiên Ân (MATA), một cơ sở bảo trợ xã hội, được thành lập năm 1999, với mục đích giúp đỡ trẻ khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục, học tập kỹ năng cần thiết để hòa nhập với xã hội. MATA được đạo Công giáo bảo trợ và do các sơ (soeur) Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức đảm trách việc dạy học và chăm sóc. MATA có địa chỉ 122 Nguyễn Ngọc Nhựt, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Sài Gòn.
Mỗi buổi tối, trong giờ đọc sách tại mái ấm Thiên Ân, Phan Khương Nghị lại vào phòng nhạc chơi đàn organ. Đây là niềm đam mê và yêu thích của Nghị sau giờ học, và không chỉ đàn organ, Nghị còn chơi được piano, sáo, kèn, và biết thổi harmonica, mỗi loại em có thể chơi hoặc thổi được vài bài.
Khó khăn nhất của Nghị là việc học thổi sáo, do không biết nhận lỗ, thổi hụt, không có hơi dài. Sau đó Nghị lên mạng nghiên cứu cách thổi, cách lấy hơi dài rồi làm theo, học dần dần. Hỏi sao Nghị chơi nhiều loại nhạc cụ thế? Nghị bảo với phóng viên Thanh Niên là con thích khám phá các loại nhạc cụ để có thể đổi kiểu chơi, mỗi lần chơi nhạc lại giúp con có niềm vui và hạnh phúc.
Lúc 5 tuổi, Nghị từng mày mò từng nốt nhạc với chiếc đàn đồ chơi. Em tự tháo ra để xem bên trong có gì và bắt đầu tập đánh đàn. Lúc 6 tuổi, Nghị nhận thức được việc phải học chữ, nhưng học chữ nổi rất khó, viết chữ bị đau tay. Nghị bộc bạch với phóng viên: “Lần đầu sờ chữ nổi thấy tay chai sạn, con thấy xót và thất vọng. Con nghĩ chẳng lẽ mình sống một cuộc đời chai sạn như thế này nhưng con tự động viên, càng chai càng tốt, sẽ hết đau và lấy lại tinh thần”.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Vũ Thị Tố Lan (53 tuổi), mẹ của Khương Nghị, cho hay Nghị sanh non, khi bà mang thai tháng thứ bảy đã chuyển dạ. Vì thế, Nghị chỉ nặng 1.2kg (2.6 lb) và nằm trong lồng kính 32 ngày, hấp thu dinh dưỡng khó khăn hơn mọi đứa trẻ khác. Lúc ba tháng, thấy mắt con không có phản ứng bà đưa đi Sài Gòn kiểm tra thì bác sĩ nói Nghị bị bong võng mạc bẩm sinh, nếu phẫu thuật thì hoặc chết hoặc sống (vì gây mê với trẻ 3 tháng như Nghị dễ bị tim ngừng đập), nên bà đã không dám ký giấy đồng ý cho con mổ mắt, chấp nhận việc con không nhìn thấy.
Nói về tình yêu âm nhạc của con, bà tự hào kể: “Hồi Nghị còn nhỏ, tôi chép từng bài hát về mở cho con nghe. Con nghe nhạc, biết tên bài hát và học các loại nhạc cụ dần dần”… Sơ Hoàng Thị Mỹ, người quản lý mái ấm Thiên Ân, cho biết Khương Nghị rất thích khám phá các nhạc cụ. Ở mái ấm có phòng cho các em học nhạc nên Nghị rất chăm chỉ tự học, tự đánh đàn và biết đánh một số bản nhạc cổ điển nổi tiếng.
Dân Trí ngày 1 Tháng Sáu 2020 đã có bài viết về thiếu niên này, lúc đó là cậu bé 9 tuổi gầy gò đang ở Kon Tum trong căn nhà trọ cùng cha mẹ. Lúc đó, Nghị đang học lớp 2 chương trình chữ nổi Braille và tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc, còn người mẹ luôn mơ ước được gửi con học tập trong một trung tâm dành cho người khiếm thị tại Sài Gòn.
Ngày Nghị còn nhỏ, thấy con hay hát nghêu ngao, vợ chồng bà Lan mua cho con cái đàn đồ chơi chạy pin. Nghị đã mày mò gõ lên phím đàn nhựa thành từng nốt nhạc cơ bản, sau đó, thành những giai điệu hẳn hoi. Thấy con thích đàn, vợ chồng bà Lan lại đi xin cái đàn organ cũ về cho con tập chơi. Không có thầy, cách học duy nhất của cậu bé Nghị nghe bài nhạc trên điện thoại di động, ghi nhớ, đánh thử từng nốt trên phím đàn, rồi dần dà kết nối chuỗi âm thanh thành giai điệu. Bằng cách này, từng bài nhạc hoàn chỉnh đã lần lượt ra đời và Khương Nghị đã “trình diễn” thành thạo hàng chục bản nhạc, đa dạng về thể loại, nhiều nhất là nhạc thiếu nhi mà người mẹ đã mô tả cho con nghe cách các bé trên ti vi trình diễn.
Tuổi Trẻ ngày 7 Tháng Ba 2023 đã đến tận khu nhà trọ của Nghị ở TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum, để nghe thiếu niên bị mù bẩm sinh đàn organ một cách say mê.
Sau ba năm theo học ở mái ấm Thiên Ân, hiện Nghị đã có kênh YouTube tên Khương Nghị để đăng tải những bản nhạc yêu thích của mình, do bà Lan quay và đăng tải giúp con. Nghị bộc bạch ước mơ một ngày nào đó sẽ được lên sâu khấu biểu diễn… và trở thành thầy giáo dạy vi tính cho người khiếm thị như thầy giáo của mình.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Nghị hồn nhiên bộc lộ: “Từ khi hiểu được mắt không nhìn thấy, con cũng không buồn lắm đâu. Con nghĩ con vẫn là một người bình thường, chỉ là mắt không nhìn được như mọi người thôi. Mai mốt lớn lên, nếu có điều kiện con cũng muốn mở một mái ấm để dạy vi tính, dạy nhạc cho những người bạn giống mình. Lúc đó, ngoài dạy các bạn cùng cảnh ngộ, con sẽ dành dụm tiền để đưa ba mẹ đi chơi và mua nhà cho ba mẹ chứ không phải ở nhà thuê như bây giờ”.
Cầu chúc cho Nghị sẽ đạt được ước mơ của mình, tiếp nối tấm lòng của MATA, để những đứa trẻ bị mù khác được có điều kiện học hành và chơi đàn miễn phí như cậu bé.