Các nhà kinh tế cảnh báo về kết quả xấu nhất nếu Quốc hội không tăng được giới hạn vay liên bang trước ngày “X-date”. Công nhân liên bang phải nghỉ phép, trợ cấp an sinh xã hội cho người cao niên bị chậm lại, lãi suất thế chấp tăng và hệ thống tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng.
Khi chỉ còn vài tuần nữa là Bộ Tài chính có thể không còn tiền để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ (vì không được phép vay thêm quá giới hạn hiện nay), các nhà lãnh đạo từ Quốc hội và Toà Bạch Ốc đang cố gắng đạt đến một thỏa thuận để dỡ bỏ mức trần nợ công liên bang. “Nếu họ thất bại và chính phủ không đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán sẽ là cú đúp chết người phá hủy toàn bộ hệ thống tài chính, cuối cùng sẽ phá hủy nền kinh tế Mỹ” – Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s cảnh báo.
Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cho biết bộ chỉ có thể duy trì hoạt động cho đến ngày 1 Tháng Sáu là hết tiền nếu chính phủ không thể vay thêm. Thời hạn “X-date” này dao động tuỳ thực tế thu ngân sách và chi tiêu, có thể lùi xa từ vài ngày đến vài tuần. Các tác động dây chuyền rất phức tạp nên khó tính chính xác, nhưng một số ước tính cho thấy hơn tám triệu việc làm có thể bị xóa sổ, lãi suất thế chấp có thể tăng hơn 20% và nền kinh tế sẽ co lại nhiều như trong cuộc Đại suy thoái (Great Recession) 2008.
Các chuyên gia nhấn mạnh: “Các tình huống xấu nhất sẽ khó xảy ra nếu quá “X-date” chỉ vài ngày nhưng rủi ro sẽ tăng lên đáng kể nếu chính phủ vỡ nợ một vài tuần”. “Chúng ta không biết chắc 100% vì tình trạng này chưa bao giờ xảy ra – Claudia Sahm, nhà kinh tế tự do từng làm việc tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhận xét. Nhưng đây là điều đáng lo lắng. Câu hỏi chưa có lời đáp là điều gì xảy ra vào ngày X+1?”. Dưới đây là một số tình huống được các chuyên gia cảnh báo nhất – dẫn lại từ The Washington Post.
1.Cổ phiếu sụp đổ
Wall Street có lẽ sẽ là nơi gặp rắc rối đầu tiên khi vỡ nợ xảy ra. Cho đến nay, những chấn động trên thị trường tài chính vẫn không được hầu hết các hộ gia đình Mỹ quan tâm, nhưng mọi việc sẽ thay đổi khi chính phủ tiến gần đến vỡ nợ. Cú sốc về mất khả năng thanh toán sẽ lan rộng khắp hệ thống tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ) trước khi lan ra toàn bộ nền kinh tế.
Giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh do dự đoán suy thoái kinh tế lan rộng khi lãi suất tăng và các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường để bảo đảm tiền mặt luôn có sẵn. Ngành ngân hàng cảnh báo cho vay mới sẽ bị thắt chặt hơn. Moody’s Analytics ước tính rằng giá cổ phiếu có thể giảm khoảng 1/5, xóa sạch $10 ngàn tỷ tài sản hộ gia đình và làm teo tóp tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ. Toà Bạch Ốc ước tính mức giảm có thể đạt gần 45%.
Thị trường trái phiếu trị giá $46 ngàn tỷ cũng sẽ rung chuyển khi giá trị của trái phiếu kho bạc sụp đổ. Các doanh nghiệp có thể sẽ ngừng mở rộng kéo giá cổ phiếu xuống hơn nữa.
2.Suy thoái bất ngờ
Nếu phải vỡ nợ, dù ngắn hạn, tác động sẽ nhanh chóng lan rộng từ thị trường tài chính sang toàn bộ nền kinh tế. Tích sản của các hộ gia đình sụt giảm sau cuộc bán tháo ở Wall Street kéo theo giảm chi tiêu tiêu dùng làm mất doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất. Lãi suất tăng đột biến khiến việc vay vốn kinh doanh khó khăn và thị trường nhà đất vốn đã nguội lạnh đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Một báo cáo gần đây của Zillow dự đoán việc vỡ nợ sẽ đẩy tỷ lệ thế chấp lên trên 8% và đẩy doanh số bán nhà xuống mức đáng sợ: 23%. Ngành xây dựng và các lĩnh vực liên quan sẽ chấn thương. Tác động mạnh mẽ nhất có thể là tạm dừng các khoản thanh toán liên bang thường xuyên cho hàng chục triệu gia đình Mỹ với những người cao tuổi nhận Medicare, An sinh xã hội hay sống nhờ tem phiếu thực phẩm (chính phủ liên bang dự kiến sẽ chi khoảng $6 ngàn tỷ trong năm nay, tương đương khoảng $16 tỷ mỗi ngày cho các khoản này).
Một báo cáo năm 2013 của Bộ Tài chính cho thấy chỉ cần vỡ nợ rất ngắn vào năm 2011 cũng đã làm sụt giảm $2.4 ngàn tỷ trong tổng tài sản hộ gia đình. Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Toà Bạch Ốc (White House Council of Economic Advisers) tăng trưởng kinh tế có thể giảm 6%, bằng cuộc Đại suy thoái năm 2008.
3.Nhân viên liên bang ngồi chơi xơi nước
Chính phủ Hoa Kỳ có một quy trình đóng cửa khi Quốc hội không thông qua được ngân sách mới: Theo đó, các cơ quan có chi tiêu chưa được phê duyệt sẽ cho người lao động nghỉ phép và báo với các nhân viên “thiết yếu” là vẫn có thể làm việc nhưng lương chưa lấy được. Đã có ba lần như thế trong thập niên qua, ít nhất là một ngày. Tất cả sẽ được hoàn trả sau đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo là trong tình hình hiện nay, không có sách hướng dẫn nào để giữ chân cả những nhân viên thiết yếu của liên bang tại cơ quan.
Thậm chí, các quân nhân cũng như các thanh tra an toàn thực phẩm, kiểm soát viên không lưu và người lao động làm các công việc quan trọng khác cũng bị ảnh hưởng. Chính phủ liên bang là nhà tuyển dụng lớn nhất nước với khoảng 4.2 triệu nhân viên toàn thời gian. Hiệp hội Nhân viên Chính phủ Quốc gia (National Association of Government Employees) đại diện cho gần 75,000 công nhân liên bang, đã kiện thách thức tính hợp hiến của giới hạn nợ (debt limit) vào đầu tháng này nêu lý do tác động xấu tiềm ẩn của nó đối với công nhân liên bang.
4.An sinh xã hội và Medicare không được thanh toán
Hiện có hơn 60 triệu người nhận trợ cấp An Sinh Xã Hội hàng tháng, chủ yếu là người cao niên. Số tương tự phụ thuộc vào Medicare để có bảo hiểm sức khỏe. Các đảng viên Cộng hòa tuyên bố chính phủ liên bang vẫn có thể tiếp tục các khoản thanh toán này ngay cả khi bế tắc bằng tiền thu thuế mới. Nhưng các chuyên gia ngân sách nghi ngờ Bộ Tài chính có dư tiền để gửi séc đúng hạn, đặc biệt nếu vỡ nợ kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
5.Chi phí đi vay của Mỹ tăng cao
Chính phủ Hoa Kỳ vay tiền tương đối rẻ vì người cho vay không sợ rủi ro. Sự an toàn của trái phiếu chính phủ Mỹ đã khiến chúng trở thành một “khối xây dựng thiết yếu” trong hệ thống tài chính thế giới. Đóng vai trò dự trữ cho mọi thứ, từ ngân hàng trung ương của các quốc gia nước ngoài đến các quỹ thị trường tiền tệ, trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ được công nhận rộng rãi là “một trong những khoản đầu tư an toàn và dễ nhận lại nhất hiện có”.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo việc chính phủ Hoa Kỳ vay dễ, lời ít trong nhiều thập niên qua đã chấm dứt. Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại DC lưu ý: “Nếu không giải quyết được “X-date” lần này sẽ làm tăng chi phí đi vay của liên bang thêm $750 tỷ trong thập kỷ tới”.
6.Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng
Nhiều quốc gia bảo đảm nền tài chính của họ bằng lượng lớn nợ của chính phủ Hoa Kỳ vì họ xem đây là một trong những tài sản an toàn nhất trên thế giới. Nhưng bế tắc trần nợ công có thể làm giảm giá trị của những trái phiếu đó, tổn hại đến dự trữ của nhiều quốc gia.
Các nhà kinh tế lo ngại những quốc gia chìm trong nợ nần như Sri Lanka và Pakistan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất dẫn đến biểu tình chống đối trong nước và bất ổn địa chính trị toàn cầu. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới được giữ bằng đôla Mỹ, gần gấp ba lần so với bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Nhưng việc Fed phải tăng lãi suất liên tục trong năm 2022 đến nay để kiềm chế lạm phát đã làm xói mòn giá trị nắm giữ trái phiếu của Hoa Kỳ đối với nhiều quốc gia.
7.Đồng đôla giảm giá cùng với uy tín của Hoa Kỳ
Vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến vị thế của Hoa Kỳ trên sân khấu thế giới vì làm lộ chiều sâu rối loạn “chức năng chính trị” trong chính một đất nước giàu nhất thế giới. Các chuyên gia tài chính đã theo dõi một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế thế giới đang bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla. Cụ thể là một số quốc gia như Brazil và Malaysia kêu gọi giao dịch quốc tế bằng các loại tiền tệ khác nhiều hơn.
Khoảng 60% giao dịch ngoại tệ trên thế giới vẫn diễn ra bằng đôla, nhưng việc Mỹ không trả được nợ đúng hạn có thể khiến giá trị của đồng bạc xanh lao dốc và kéo tỷ lệ 60% này xuống. Nói như bà Yellen nói với các phóng viên ở Nhật Bản: “Vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ”.
Một phần uy tín của chính phủ Mỹ gắn liền với khả năng ứng phó với khủng hoảng nên vỡ nợ sẽ gây nghi ngờ về khả năng này. “Nếu Hoa Kỳ không thể đạt được thoả thuận trần nợ công, người dân và các nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác có thể tự hỏi, họ không thể quản lý được điều gì nữa? Daniel Bergstresser, phó giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế của Đại học Brandeis, nhận định – Hệ quả là niềm tin toàn cầu vào hệ thống chính trị của chúng ta bị xói mòn, vì một phần vị thế của nước Mỹ trên thế giới hiện nay dựa trên niềm tin hệ thống chính trị của chúng ta về cơ bản hoạt động hiệu quả. Nay vỡ nợ cho thấy không phải thế!”
_______