Ngày 27 – 30 Tháng Sáu 2023, Việt Nam tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Kỳ thi năm nay có tổng cộng 1,025,000 thí sinh đăng ký, nhiều hơn năm ngoái khoảng 24,000 em. Số thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học là hơn 943,000. Tổng cộng số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay sẽ được bố trí trong khoảng 41,700 phòng thi. Bộ Giáo dục sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra đến tất cả các điểm thi ở 63 tỉnh/thành.
Tuy nhiên, theo Tiền Phong, trong hội nghị về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với 63 tỉnh/thành do Bộ Giáo dục tổ chức sáng 15 Tháng Sáu, ông Lê Minh Mạnh, cục phó Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao (A05) cho biết qua rà soát, ngành công an nhận thấy tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình để gian lận thi cử đang diễn ra rầm rộ (?), trong đó có cả phụ huynh và học sinh.
Những phương thức, thủ đoạn gian lận thi cử không mới, chủ yếu là sử dụng tai nghe thu nhỏ, thiết bị ngụy trang nhằm thu phát sóng, liên lạc như đồng hồ, khuy áo, khuyên tai, máy tính… sau đó truyền thông tin, hình ảnh ra ngoài nhằm mục đích tìm kiếm người giải đề thi. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó tìm ra.
Ông Mạnh còn nhận định phụ huynh và học sinh thường tự mua lẻ các thiết bị trên thị trường để tích hợp lại nên “gian lận càng tinh vi”. Vì thế, Bộ Công an đã tập huấn cho lực lượng công an tại các địa phương về phương pháp phát hiện, ngăn chặn các hoạt động gian lận thi cử… diễn ra trong phòng thi.
Ông Lê Minh Mạnh lưu ý, tại nơi bảo quản đề thi tại một số điểm, các thiết bị vẫn còn kết nối wifi hoặc có bộ thu phát wifi, hệ thống camera tại một số điểm vẫn còn kết nối internet ra ngoài… Theo ông Mạnh, các điểm thi cần phải ngắt kết nối tất cả hoặc tháo gỡ các bộ kết nối này, còn các phòng thi cũng cần niêm phong các đầu mạng, vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống camera.
Bên cạnh đó, các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25 m nên Bộ Công an yêu cầu các địa phương lưu ý khoảng cách giữa phòng thi và nơi bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh.
Ngoài ra, ngành giáo dục cần giám sát kỹ qui trình in sao, vận chuyển đề, nếu thực hiện trên máy tính thì chưa an toàn, vì tình hình mất an toàn trên không gian mạng “đang rất phức tạp”, ông Mạnh nói thêm.
Thứ trưởng Giáo dục Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an trong việc tập huấn cho cán bộ coi thi để phòng ngừa, không để xảy ra tình trạng thí sinh lợi dụng công nghệ cao để gian lận trong thi cử.
Giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh cũng bày tỏ sự lo lắng vì năm nay khi đi thi, các thí sinh vẫn buộc phải đeo khẩu trang. Vật dụng này có thể khiến việc đưa thiết bị thu phát vào phòng thi dễ dàng hơn (?)
Bộ Giáo dục cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức kỳ thi. Còn Bộ Công an được giao phối hợp với Bộ này cùng các địa phương bảo đảm an ninh cho kỳ thi và chống gian lận. Ở kỳ thi năm ngoái, nhiều địa phương chia sẻ cán bộ coi thi dù được tập huấn vẫn khó tìm ra thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi để gian lận.
Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra giữa Tháng Bảy 2022, Bộ Giáo dục cho biết cả nước có 50 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ, gấp gần ba lần số thí sinh vi phạm của năm 2021 (18 thí sinh). Trong đó, sáu thí sinh mang và sử dụng tài liệu, 44 thí sinh mang và dùng điện thoại trong phòng thi. Môn có nhiều thí sinh vi phạm quy chế nhất là Ngữ văn, với 12 thí sinh; còn Toán và Khoa học tự nhiên mỗi buổi thi có 10 thí sinh; Khoa học xã hội có 11 thí sinh, Ngoại ngữ có 7 thí sinh.
Ngoài ra, các giám thị coi thi đã phát hiện, đình chỉ hai thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận, một em ở Quảng Ninh khi đang thi môn tiếng Anh, sử dụng điện thoại iPhone XS Max, thiết bị phát Wi-Fi di động nhằm truyền đề thi ra ngoài để nhờ trợ giúp. Trong tai phải thí sinh này có một dị vật kim loại nhỏ chỉ 1cm. Ngoài việc bị đình chỉ thi, thí sinh còn bị giao cho công an để lấy lời khai.
Thí sinh vi phạm thứ hai ở Bắc Giang, sau khi xin ra ngoài đi vệ sinh, lúc trở lại phòng thi đã khoét đế dép để nhét vừa điện thoại mang vào phòng thi. Điểm thi ngay lập tức lập biên bản và đình chỉ thi các môn tiếp theo đối với thí sinh này, đồng thời bàn giao thí sinh cho lực lượng công an đang làm nhiệm vụ trong khu vực thi. Kết quả là thí sinh chưa thực hiện được ý đồ gian lận và mục đích mang điện thoại vào phòng thi là để phục vụ nhu cầu cá nhân, không phải theo đường dây thi hộ.
Một xã hội công an trị, chỗ nào cũng có mặt công an, ngay cả trường học và phòng thi!
Bạn đọc cuong151186 của VnExpress bình luận: “Nếu cứ giữ mãi hình thức học vẹt thì sẽ càng có gian lận, đạo cao một thước, ma cao một trượng, không thể nào ngăn cản hết gian lận. Bên nước ngoài người ta cho thi đề mở mà phải biết chỗ nào để mở, nghĩa là ngoài học còn phải nghiên cứu mở rộng thì mới nâng tầm hiểu biết, và chắc chắn nếu không học thì chẳng biết đâu mà mở nên khỏi gian lận!”.
Còn bạn đọc Yêu Xe thì đề nghị: “Thay vì lo chống gian lận trong thi cử thì bỏ ngay và luôn cái xét học bạ giùm, cái đó mới tiêu cực nhất!”.