Trong vụ án đòi bồi thường thiệt hại do cơ quan tố tụng tỉnh Khánh Hòa gây ra cách đây 42 năm, TAND tối cao (tại Đà Nẵng) đã ban hành bản án phúc thẩm, buộc Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho người bị thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực hơn một năm, nhưng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa vẫn tìm mọi cách không thi hành.
Theo hồ sơ vụ án, cách đây gần 42 năm, vào ngày 18-10-1981, ông Phạm Ngựu, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang, huyện Ninh Hòa – nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa tử vong khi đang trên đường về nhà sau một cuộc họp tại địa phương với vết đạn bắn trên thân thể.
Ngày 19-10-1981, Công an tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam ông Trần Bê về tội danh giết người. Đến ngày 17-12-1981, ông Huỳnh Chiếm Phái cũng bị khởi tổ, bắt tạm giam về tội danh nêu trên.
Ngày 2-2-1983, ông Phái “được tạm tha”. Trong lệnh tạm tha của Viện KSND tỉnh Phú Khánh khi ấy nêu lý do tạm tha là “xét thấy bị can tuổi già sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết giam giữ tiếp”. Đến ngày 25/9/1984 ông Bê cũng được trả tự do.
Ai đọc lý do “tạm tha” ông Phái cũng đều cho rằng Viện KSND tỉnh thể hiện “tính nhân văn” trong việc truy tố tội phạm. Thế nhưng, khi biết bị can Huỳnh Chiếm Phái chỉ mới 52 tuổi thì mọi người mới ngớ người đặt câu hỏi: “Viện KSND tỉnh Phú Khánh viết lý do như thế với mục đích gì? Phải chăng thấy làm sai, giờ thả bị can ra mà nói thật lý do thả vì ‘bắt lầm’ thì ê mặt quá, nên phải ‘mượn’ lý do bị can già yếu nên được thả về cho có nhân văn”.
“Điều này chỉ thể hiện bản tính gian trá của cơ quan tố tụng mà thôi”, ông Phạn Văn Thuần, nhận định như thế trên mạng xã hội.
Hơn một năm sau, ngày 25-9-1984, Viện KSND tỉnh Phú Khánh đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Chiếm Phái, nhưng cách hành xử của họ thật lạ lùng: Không đưa quyết định đình chỉ điều tra cho ông Phái.
Mãi đến 25 năm sau, vào ngày 10-12-2009, chỉ sau khi nộp đơn khiếu nại đi khắp nơi, ông Phái mới được Viện KSND tỉnh Khánh Hòa giao cho bản photo quyết định đình chỉ điều tra, được ký từ 25 năm trước. Quyết định đó ghi rõ: Không khởi tố bị can do không có đủ chứng cứ buộc tội giết người.
Điều này càng làm cho nhận định của ông Thuần thêm phần đúng.
Sau khi được thả, hai ông Trần Bê, Huỳnh Chiếm Phái bắt đầu hành trình gửi đơn yêu cầu minh oan. Ai cũng biết, hành trình này gian nan, vắt kiệt sức của hai ông già đó như thế nào.
Đến năm 2015 ông Phái qua đời, con trai ông là Huỳnh Chiếm Hoạnh tiếp tục khiếu kiện. Đầu tháng 8/2019, Viện KSND tỉnh Khánh Hoà công khai xin lỗi thân nhân ông Huỳnh Chiếm Phái và tiếp tục tổ chức xin lỗi ông Trần Bê vào tháng 9 năm đó.
Sau đó, ông Bê và người thân ông Phái yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Kết quả, ông Trần Bê đồng ý nhận hơn 511 triệu đồng tiền bồi thường, nhưng ông Huỳnh Chiếm Hoạnh – con trai ông Huỳnh Chiếm Phái không đồng ý mức bồi thường đó.
Sau 3 lần thương lượng bất thành với Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, ông Hoạnh làm đơn khởi kiện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ra tòa.
Bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa ngày 10/3/2022 tuyên xử, buộc Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng cho ông Huỳnh Chiếm Hoạnh và 8 người thân.
Viện KSND tỉnh kháng cáo lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng. Bản án phúc thẩm ngày 13-2-2022 không đồng ý, vẫn giữ nguyên mức bồi thường như án sơ thẩm đã tuyên.
Vụ án oan sai đến đây tưởng sẽ được khép lại với số tiền bồi thường thỏa đáng cho người bị hại. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa lại giờ trò “chí phèo” khi cố tình tìm cách kéo dài thời gian bồi thường.
Ông Hoanh gởi đơn đề nghị Viện KSND tỉnh Khánh Hòa thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật đó. Câu trả lời của Viện KSND tỉnh dành cho họ là “chưa thi hành bản án bởi còn phải chờ kết quả giải quyết của Viện KSND tối cao”.
Sau khi ông Hoạnh nhận văn bản của TAND tối cao thông báo từ chối xem xét đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, ông gởi đơn lần nữa đề nghị Viện KSND tỉnh thi hành bản án.
Câu trả lời của tên “chí phèo” có tên Viện KSND tỉnh Khánh Hòa là hắn không có tiền, phải chờ xin Viện KSND tối cao rót tiền, khi nào có thì hắn trả.