Hình ảnh các bậc phụ huynh Hà Nội chen chúc nộp hồ sơ từ nửa đêm để giành một chỗ học cho con ở lớp 6 và lớp 10 tràn ngập báo mạng trong nước hồi Tháng Sáu và đầu Tháng Bảy 2023.
“Bao giờ Hà Nội đủ trường công?” là câu hỏi của Tiền Phong ngày 6 Tháng Bảy, tiếp đó ngày 7 Tháng Bảy thì có bài “Hà Nội thiếu 9,000 giáo viên”. Ngày 8 Tháng Bảy, tờ báo này đặt vấn đề: “Hà Nội thiếu trường – lớp: quá tải được báo trước” và khẳng định trách nhiệm này thuộc về Ủy ban TP.Hà Nội!
Trong bài thứ nhất, tờ báo cho biết, nhiều năm qua, Hà Nội có hàng loạt dự án đô thị mới, thêm dân, thêm người, nhưng các công ty chỉ lo xây nhà để bán mà không đầu tư xây trường học, còn nhà cầm quyền thì thiếu quyết liệt trong việc buộc họ phải xây dựng mạng lưới trường học.
Mặc dù vậy, ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, vẫn cho rằng Hà Nội có 2,845 trường học, trong đó 79% là trường công, đủ đáp ứng nhu cầu học tập cho 2.3 triệu học sinh thủ đô và hơn 1 triệu sinh viên của 120 trường đại học.
Ông Cương còn khẳng định “nội ô Hà Nội không thiếu trường học, chỗ học, những phụ huynh xếp hàng từ sớm để nộp hồ sơ cho con là do… trường đó uy tín, đào tạo tốt nên gia đình muốn gửi gắm con vào đấy” (?!)
Còn giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh thì nhận định Hà Nội “tuy không thiếu trường công nhưng áp lực cạnh tranh vào trường công rất lớn, nhất là khu vực nội ô”.
Ông Kỳ Anh cũng thừa nhận, khi quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị mới đều quy hoạch có hạ tầng, trường học, nhưng các chủ đầu tư chậm xây… trường, nên các trường cũ phải “gánh” học sinh của khu đô thị mới!
Trao đổi với Tiền Phong bên lề kỳ họp quốc hội, đại biểu Quốc hội, G.S. Nguyễn Anh Trí nhận xét phụ huynh thích con vào học trường công hơn trường tư, vì cho rằng, cơ sở vật chất, phẩm chất đào tạo ở trường công tốt hơn trường tư, lại thêm quan điểm, những đứa trẻ “hư” mới vào trường tư, từ đó dẫn đến cuộc đua tìm chỗ học cho con ở trường công, tạo thêm áp lực cho cả học sinh.
Mặt khác, ông Trí cũng thừa nhận trong giáo dục cần phải bảo đảm nguyên tắc “bình đẳng”, nghĩa là trường công hay trường tư khi đã được cấp phép thì phẩm chất đào tạo phải như nhau.
Ông Trí cũng nhận xét ngành giáo dục cần tổ chức kỳ thi vào lớp 10 nhẹ nhàng hơn, đừng tạo ra cuộc đua tranh chỗ vào trường công khốc liệt như hiện nay.
“Nếu các em thi trượt, do thiếu cơ sở vật chất, thiếu trường lớp mà không đi học sẽ tạo ra một thế hệ công dân thất học. Trẻ trong độ tuổi 15-16 đi học có ba cái vui. Đó là xã hội vui, bố mẹ vui, các em cũng vui, chứ không học mới đáng lo. Vì thế, kỳ thi phải hướng đến cho các em đều được đi học, các em mới trở thành công dân tốt”, GS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Trong bài thứ ba ra ngày 8 Tháng Bảy, Tiền Phong cho biết kỳ tuyển sinh lớp 10 niên khóa 2023 – 2024, phụ huynh không chỉ xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào trường công mà còn phải xếp hàng khi xét tuyển trường tư, và trong tương lai gần, việc này được dự báo vẫn chưa thể giải quyết.
Cho dù ông giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội khẳng định không thiếu chỗ học, song nhiều phụ huynh cho biết, họ mong muốn cho con học trường công lập, vì không tìm được trường tư như ý (về phẩm chất giảng dạy lẫn giá học phí).
Bàn về vấn đề thiếu trường công, TS. Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục cho hay “trách nhiệm này thuộc về Ủy ban TP.Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Thấy nhu cầu học như vậy, các cấp chính quyền phải quy hoạch lại sớm chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Cần phải có chính sách thu hút xã hội hóa, phải mở rộng trường công cho con em không có điều kiện theo học trường tư!”.
Tiền Phong dẫn số liệu của Sở Giáo dục Hà Nội, số học sinh vào lớp 6 niên khóa 2023 – 2024 là 188,400, tăng khoảng 38,000 học sinh so với niên khóa 2022 – 2023. Bốn năm tới, số học sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ còn cao hơn hiện nay nữa, nghĩa là việc chen chúc nộp hồ sơ học lớp 10 cho con ở Hà Nội vẫn còn tiếp diễn.
VnExpress ngày 31 Tháng Tám 2022 khảo sát riêng quận đông dân nhất Hà Nội là Hoàng Mai (538,000 dân, mật độ 13,000 người/km2) thì đã thiếu 36 trường (trong đó thiếu 22 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 01 trường trung học cơ sở).
Với hơn 79,600 học sinh khối trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập, tất cả các lớp học công lập ở quận Hoàng Mai đều có sĩ số vượt quy định, thậm chí có trường tiểu học công lập phải chia phiên học cho học sinh, kể cả thứ bảy chủ nhật; còn trường mầm non công lập phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm chỗ học cho con, ai may thì con được học gần nhà, sân chơi rộng, với giá học phí rẻ.
Số học sinh khối trường công lập tăng 6% mỗi năm, nhưng từ 2015 đến nay, số giáo viên không tăng, nên hiện nay Hà Nội còn thiếu gần 9,000 giáo viên, Tiền Phong cho biết.
Trong đó, số giáo viên còn thiếu ở bậc mầm non là 1,325; bậc tiểu học: 3,634; bậc trung học cơ sở: 2,684; bậc trung học phổ thông: 1,296 giáo viên.