Chích filler vào mặt để làm đẹp, thanh niên 19 tuổi ở Hà Nội bị mù mắt phải

Đang khỏe mạnh, tự nhiên đi chích chất lạ vào mặt để rồi bị mù mắt – Ảnh minh họa từ internet

Một thanh niên Hà Nội 19 tuổi, đến thẩm mỹ viện tư nhân để chích filler vào mặt, khi gặp biến chứng mất thị lực, vào cấp cứu tại bệnh viện thì đã trễ.

Dân Trí hôm 12 Tháng Bảy 2023 dẫn lời ThS.BS Trần Huyền Trang, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, bệnh viện đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng mi mắt phải sụp toàn bộ vì đã bị tắc động mạch trung tâm võng mạc, bệnh viện làm hết cách vẫn không cứu được thị lực mắt phải cho thanh niên.

Hiện nay, việc làm đẹp bằng chích chất làm đầy (filler) đang được ưa chuộng, không chỉ được sử dụng bừa bãi để tạo hình mũi, ngực, mông mà còn dùng để căng da mặt, xóa mờ vết nhăn, giống như chích botox.

Chích filler đang được quảng cáo là biện pháp căng da mặt hiệu quả tức thời, cùng với chích botox – Ảnh chụp màn hình

Theo TS.BS Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, bệnh viện đại học Y Hà Nội, filler là một chất làm đầy các hố trũng, các rãnh và nếp nhăn, giúp cho khuôn mặt trở nên đầy đặn, trơn láng mịn màng. Chất để chích có nhiều loại: Mỡ tự thân, hyaluronic acid (HA), collagen, calcium hydroxyapatite… Nguyên nhân gây mất thị lực hoàn toàn của thanh niên này là do tắc động mạch trung tâm võng mạc (retina artery occlusion – RAO). Động mạch võng mạc là một nhánh của động mạch mắt, tách từ động mạch cảnh ở trong não.

Vì sao chích filler vào vùng mặt thì lại làm tắc động mạch mắt? Lý do là từ các vòng nối tự nhiên của động mạch cảnh trong với động mạch cảnh ngoài thông qua động mạch mắt. Có hai vị trí nối là từ động mạch sàng trước ở vùng mũi và động mạch màng não trước ở vùng trán, hai nhánh nối này sẽ giúp cho mắt không bị mù nếu lỡ động mạch cảnh trong cùng bên bị tắc.

Khi chích filler vào các vị trí quanh mắt, vùng gốc mũi, trán… là nơi tiềm ẩn các vòng nối động mạch, chính động tác vừa rút kim vừa bơm chất filler khiến cho người thực hiện không biết là kim có đi qua mạch máu không đã là một nguy cơ rất lớn của việc bơm chất filler vào một nhánh động mạch nhỏ nằm ở dưới da.

Hy sinh con mắt để da mặt được căng bóng và bị đơ, có đáng không? – Ảnh: Bệnh viện đại học Y Hà Nội

Nếu nhánh động mạch này thông với động mạch mắt thì chất filler đi theo vòng nối trôi vào động mạch mắt, tới động mạch trung tâm võng mạc hoặc thậm chí có thể đi vào động mạch cảnh trong, gây nên tắc động mạch não, thậm chí bị đột quỵ não sau khi chích filler.

TS.BS Bùi Hữu Quang, khoa Mắt, bệnh viện đại học Y Hà Nội cho biết thêm, các bác sĩ đã gặp khá nhiều trường hợp bị mất thị lực do tiêm filler. Đây là một biến chứng không hiếm gặp trong và sau khi chích filler nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề. Thời gian là yếu tố quan trọng nhất để lấy lại thị lực cho bệnh nhân, nếu không can thiệp kịp thời thì mọi việc làm sau đó là vô nghĩa.

Cũng liên quan đến những biến chứng sau giải phẫu thẩm mỹ, Tuổi Trẻ hôm 12 Tháng Bảy 2023 cũng cho biết một phụ nữ 51 tuổi (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) từng bơm silicon làm đầy bàn tay 20 năm trước, mới đây phải đến bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để được nạo vét silicon.

Những tinh thể silicon lấy ra từ bàn tay nữ bệnh nhân giống những viên bi dị dạng – Ảnh: Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Các tinh thể silicon được bác sĩ nạo ra từ tay người phụ nữ này lổn nhổn to nhỏ khác nhau, giống như những hòn bi bị méo mó dị dạng.

Trước đó 10 năm, người phụ nữ này cũng đã phải trải qua ca mổ nạo vét silicon một lần do bàn tay bị lổn nhổn cục, sưng tấy và không vận động được. Do số silicon đóng cục dưới da chưa được lấy ra hết nên gần đây, hai bàn tay của bà lại tiếp tục sưng tấy, đau nhức nhiều. Bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết nữ bệnh nhân bị áp-xe phần mềm hai bàn tay vì chích silicon lỏng.

Sau khi điều trị giảm sưng tấy, bác sĩ đã rạch ổ áp-xe, nạo vét sạch silicon lỏng đóng cục trong hai bàn tay của nữ bệnh nhân này. Nếu để lâu nữa, silicon có thể gây nhiễm trùng hoại tử da bàn tay của người phụ nữ này.

Sau điều trị, bàn tay bệnh nhân giảm sưng, giảm đau khi vận động và đã được xuất viện, hẹn tái khám theo lịch. Tuy nhiên, không chỉ có bàn tay bị bơm silicon, nữ bệnh nhân này còn bơm silicon vào ngực, dù hiện tại chưa thấy biến chứng, bà vẫn cần đến bệnh viện khám định kỳ để theo dõi.

Theo bác sĩ Võ Hồng Phúc, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, khoa liên chuyên khoa và điều trị trong ngày của bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất được Bộ Y tế cho phép sử dụng.

Riêng với silicon dạng lỏng, từ năm 1995, Bộ Y tế đã cấm chích silicon trực tiếp vào các bộ phận trong cơ thể.

Việc bơm (hoặc chích) silicon để tăng thể tích một số bộ phận cơ thể, làm đẹp… có thể gây biến chứng ngay khi chích như sốc phản vệ bị tử vong hoặc tắc mạch gây thiếu máu nuôi dưỡng ở bộ phận được chích vào như: mắt, mũi, môi, ngực… từ đó gây ra hoại tử. Về lâu dài, vùng bị bơm chất này vào có thể bị viêm tấy, nhiễm khuẩn và tạo các u hạt gây biến dạng hoặc di chuyển khắp các mô, khó vét sạch khi muốn phẫu thuật lấy ra.

Ngoài ra việc bơm silicon lỏng vào cơ thể còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường chích như viêm gan siêu vi, HIV… nếu thực hiện ở nơi không bảo đảm vô trùng và không được cấp phép.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: