Chiếc cầu tạm (khung bằng thép) này được một đơn vị thi công xây dựng tạm cho người dân đi lại trong thời gian thi công cầu Long Bình 1 (bằng bê tông cốt thép) cách đó khoảng 200 mét.
Khoảng 9:00 ngày 16 Tháng Bảy, đơn vị thi công cho hai xe tải 5 tấn chạy qua thử tải trước khi cho phép lưu thông thì bất ngờ nhịp giữa của chiếc cầu này “cong hình chữ V” khiến hai chiếc xe tải mắc kẹt trên cầu.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND TP. Trà Vinh cho biết, cầu tạm được thi công vào ngày 13 Tháng Sáu vừa qua, được thiết kế dùng cho người đi bộ, xe thô sơ và xe hai bánh. “Sáng nay (16.7) đơn vị thi công thử dùng hai xe tải mỗi xe 5 tấn để thử tải thì xảy ra tai nạn. Đơn vị thi công phải thử tải trọng lớn để đề phòng trong quá trình lưu thông vào ban đêm, nhiều xe có tải trọng lớn cũng sẽ đi qua cầu này”.
Theo kế hoạch, sau khi chiếc cầu tạm này được sử dụng, chính quyền TP. Trà Vinh sẽ đóng cầu Long Bình 1 để thi công cây cầu mới. Do chiếc cầu tạm “chưa đi đã sập”, nên người dân vẫn dùng cây cầu cũ. Ông Tâm cho biết thêm, đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm về tai nạn này, và kinh phí sửa chữa cầu tạm.
Chuyện về chiếc cầu sắt chưa đi đã tạo dáng chữ V này hiện đang gây xôn xao trên mạng xã hội. Có người cho rằng “rất may là đơn vị thi công cho thử tải trước khi đưa vào sử dụng, nếu không người dân sẽ bị một phen hú vía, không chừng còn có người thiệt mạng”.
Vụ thử tải này làm người ta nhớ lại vào Tháng Tư vừa qua, theo đề nghị của Công an An Giang, UBND TP. Long Xuyên tính huy động 400 người tham gia thử tải cầu bộ hành. Vụ việc vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân và các chuyên gia, nên chính quyền phải bỏ ý định này.
Vụ dùng hai chiếc xe tải để thử tải chiếc cầu tạm ở Trà Vinh tuy không thuộc dạng “tối kiến”, còn được một số người đánh giá đây là “đơn vị thi công có tâm”, “rất có trách nhiệm”,… Tuy nhiên, kết quả thử tải làm dư luận nghi ngờ về khả năng xây cầu của đơn vị thi công này.
Có người nói giá như đơn vị thi công dựng cầu bằng tre nứa, chắc nó chỉ “nhún nha nhún nhảy”, hay “lắc qua lắc lại” thôi chứ chẳng sập được. Nói như thế khác nào “chửi” tên làm cầu sắt!
Mà chửi cũng phải, vì như câu hỏi của ông Phan Tấn Tài (ngụ tại TP. Trà Vinh) đặt ra: “Bộ công ty xây dựng này lấy đại bản vẽ nào đó rồi làm cầu hay sao? Khi thiết kế, người kỹ sư cầu đường phải tính toán được tải trọng tĩnh và động của cây cầu này rồi chứ đâu cần phải cho xe chạy qua?” Người ta thấy hình như trong đơn vị thi công và thiết kế cầu đường này không có một kỹ sư kết cấu nào nhìn ra được điều này cả. Thế nên họ mới cho hai xe tải mỗi xe tải trọng 5 tấn đi thử cầu, thay cho việc phải tính toán.
“Chắc họ không biết tính bác ạ!”, một ý kiến trả lời câu hỏi của ông Tài như thế.
Trong nhiều ý kiến phản bác vụ dùng xe tải thử tải, ý kiến của độc giả Phong Vu (báo Tuổi Trẻ) được đánh giá là có kiến thức chuyên môn:
“Có nhiều loại cầu tạm lắp ráp rất mau theo mô hình các bộ phận là mô đun tiền chế. Loại Bailey bridge này công binh Anh hay Mỹ có thể ráp chiếc cầu 2 mố 3 nhịp cỡ bi sập này chỉ trong 1 ngày. Theo tôi lỗi sập cầu là do dầm giữa quá dài mà chỉ dùng một dải khung Bailey đơn, khiến thanh dọc chịu nén bên trên bị quá tải. Theo tôi xem hình, nếu muốn đạt tải 10 tấn an toàn ở kích cỡ và vật liệu này thì dầm giữa cần tăng từ 1 lên 4 khung Bailey chập song song. Hai đoạn dầm ngắn cũng cần tăng lên cặp đôi 2 khung Bailey. Sau đó giới hạn tải trọng dân dụng là 10 tấn, nhưng cầu thật ra có thể chịu tải tới 30 tấn mới sập”.
Điều lạ là không một tờ báo nào viết tên đơn vị thi công chiếc cầu tạm này. Không biết có phải đó là công ty trúng thầu xây dựng chiếc cầu Long Bình 1 mới hay không. Trong những bản tin đề cập đến dự án xây dựng cầu Long Bình 1, với tổng mức đầu tư 63 tỉ đồng do UBND tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, cũng không thấy nhắc tên đơn vị thi công là gì (?!)
Có lẽ đó là công ty “sân sau” của một lãnh đạo tỉnh (hay trung ương) nào đó nên không tiện đưa ra, sợ “phạm húy”!