“Ông C”, sếp MI6, nhận định gì về Nga và Trung Quốc?

Sếp MI6 Richard Moore (ảnh: Stefan Rousseau/PA Images via Getty Images)

Người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Vương quốc Anh cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chịu áp lực khi những rạn nứt trong vòng thân cận của ông xuất hiện và lực lượng Nga có rất ít cơ hội lấy lại động lực ở Ukraine sau cú sốc Wagner.

Một bài phát biểu bất thường

Trong một bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng, ông Richard Moore, người đứng đầu cơ quan tình báo MI6 của Anh cho biết lời đề nghị khoan hồng của Putin đối với Yevgeny Prigozhin sau cuộc chính biến chết yểu là “sự sỉ nhục” đối với nhà lãnh đạo Nga. Theo ông, Prigozhin dường như vẫn còn tự do và đã xuất hiện những rạn nứt sâu sắc trong giới tinh hoa xung quanh Putin.

“Tôi không nghĩ bạn phải nhờ MI6 mới kết luận được là đang có những rạn nứt sâu sắc trong những người thân cận Putin. Các hoạt động của Wagner ở châu Phi có vẻ vẫn bình thường nhưng họ không còn tham chiến ở Ukraine nữa” – ông nói. Trước những chuyển biến mới, Moore hy vọng Ukraine có thể tận dụng cơ hội để chiếm được ưu thế trên chiến trường. “Hiện nay, có rất ít triển vọng lực lượng Nga sẽ lấy lại động lực như trước khi xảy ra binh biến” – ông nhấn mạnh, dẫn lại từ Wall Street Journal.

Theo Moore, trong Tháng Sáu, quân đội Ukraine đã lấy lại được nhiều lãnh thổ hơn so với số lãnh thổ mà Nga chiếm được trong năm 2022. Ông thúc giục các đồng minh phương Tây nên trang bị những vũ khí cần thiết cho Ukraine trong thời gian này vì cuộc phản công của Ukraine tiến triển chậm là do phải giảm tổn thất số vũ khí ít ỏi. Moore, giống như những người tiền nhiệm của mình, được gọi bằng chữ cái đầu là “C”. Lãnh đạo MI6 từ năm 2020, ông Moore đã công khai kêu gọi người Nga hãy tránh “quay ngược bánh xe lịch sử”. “Tôi khuyên họ hãy làm những gì mà những người khác đã làm trong 18 tháng qua. Hãy chung tay với chúng tôi. Cửa của chúng tôi luôn luôn mở” – ông nói. Trùm gián điệp Anh chỉ trích các nước hậu thuẫn Nga và khẳng định Iran bán vũ khí cho Nga để lấy tiền mặt.

Trung Quốc và trí tuệ nhân tạo vẫn là mối quan tâm chính

Moore cũng lên án các chế độ độc tài châu Phi trả lương cho lính đánh thuê Wagner. “Liệu những người lính này có đáng tin cậy? Nếu họ có thể phản bội Putin, thì họ cũng có thể phản bội bạn – Moore giải thích – Nếu họ tiến vào Moscow được, họ cũng đe dọa thủ đô của những quốc gia thuê họ được”.

Trung Quốc (TQ) vẫn còn là ưu tiên chính của MI6 nên cơ quan này đã dành nhiều nguồn lực cho TQ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Đặc biệt, cơ quan gián điệp Anh lo lắng về khả năng thu thập lượng dữ liệu khổng lồ của TQ từ khắp nơi trên thế giới để xây dựng các công cụ máy học và trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến. “TQ hưởng lợi từ kho dữ liệu khổng lồ thu thập được – ông nhấn mạnh – Họ buộc các nước phải cung cấp dữ liệu y tế để đổi lấy việc tiếp cận vaccine Covid-19 do họ sản xuất. Cho đến bây giờ, mối quan hệ ngoại giao của Trung-Nga vẫn vững chắc, nhưng nó ngày càng mất cân bằng. Chính phủ Nga ngày sẽ phụ thuộc vào Bắc Kinh hơn nữa khi chiến tranh tiến triển”.

Về lý do đằng sau quyết định cắt đứt thỏa thuận với Prigozhin của Putin để cho phép ông ta lưu vong đến Belarus thì ngay cả người đứng đầu MI6 cũng thấy khó giải thích. Moore lưu ý: “Thỏa thuận hoà hoãn với Prighozin vẫn còn hiệu lực. Putin vẫn nắm quyền và không có bất kỳ mối đe dọa nào. Tuy nhiên, ông ấy phải nhận ra rằng hệ thống của Nga đang mục rã!”.

Khẳng định các cơ quan gián điệp sẽ không bao giờ bị AI thay thế, Moore lập luận: “Con người có khả năng định hình và truy cập thông tin theo cách mà công nghệ không thể làm được. Đặc biệt, các điệp viên nằm vùng có thể ảnh hưởng đến các quyết định bên trong một chính phủ hoặc tổ chức khủng bố. Sẽ luôn có một mối liên kết phi thường để người này “trút bầu tâm sự” với người khác. Đó chính là tính ưu việt của yếu tố con người. Vai trò của MI6 trong tương lai là phát hiện ra những kẻ mưu toan sử dụng AI một cách vô trách nhiệm”.

Quyết định phát biểu công khai của ông “C” và trả lời câu hỏi từ các phóng viên là điều bất ngờ và là một bước phát triển mới trong chính lịch sử hình thành và hoạt động bí ẩn của cơ quan tình báo này. Cho đến năm 1992, chính phủ Vương quốc Anh vẫn không công nhận sự tồn tại của MI6. Những phát ngôn công khai của những người đứng đầu tổ chức này được giữ ở mức tối thiểu. Có lẽ, sự thay đổi này đến từ việc MI6 ý thức được rằng, muốn tuyển dụng các gián điệp trẻ hơn và đa dạng hơn thì phải bớt bí ẩn hơn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: