Garmex Sài Gòn cắt giảm hơn 2,000 lao động so với đầu năm, còn 41 người!

Từ giữa Tháng Tám 2022 đến nay, đơn hàng của Garmex Sài Gòn chững lại, hàng tồn kho tăng – Ảnh: Garmex Sài Gòn

Một công ty dệt may lớn, chuyên gia công hàng xuất cảng là Garmex Sài Gòn đã phải cắt giảm hơn 2,000 lao động vì thiếu đơn hàng.

Theo Tuổi Trẻ ngày 27 Tháng Bảy 2023, công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán GMC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả ảm đạm: doanh thu trong 6 tháng đầu năm chỉ hơn 8 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm từ gần 12 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, còn 2.1 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Garmex Sài Gòn báo lỗ 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước còn lãi 4.1 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Minh Hằng, tổng giám đốc Garmex Sài Gòn, cho biết tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, các thị trường chính của công ty là Mỹ và EU đều cắt giảm đơn hàng.

Để giảm gánh nặng chi phí, Garmex Sài Gòn cho biết đã cân đối lại nhân sự cho phù hợp: tổng số nhân viên của Garmex Sài Gòn đến thời điểm cuối Tháng Sáu 2023 chỉ còn 41 người (không thể tin nổi), giảm 2,060 nhân sự so với đầu năm!

Nếu so với thời điểm cuối năm 2021, Garmex Sài Gòn có 3,810 lao động, thì tổng số lao động cắt giảm qua nhiều đợt trong vòng hơn một năm là hơn 3,700 người!

Với kết quả sản xuất kinh doanh lao dốc, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GMC đang có chuỗi giao dịch “đỏ” với 3/4 phiên giảm giá trong tuần qua. Phiên ngày 27 Tháng Bảy, mã GMC giảm sâu 5.66%, còn 10,000 đồng một cổ phiếu.

Gia công hàng xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu tại Garmex Saigon – Ảnh: Tuổi Trẻ

Không chỉ riêng Garmex Sài Gòn, ngày 20 Tháng Sáu 2023, Tuổi Trẻ cũng cho biết ngành dệt may Việt Nam trải qua bốn tháng đầu năm trầm lắng với kim ngạch giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, giảm sâu nhất trong số các quốc gia chuyên xuất cảng hàng dệt may gia công.

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết hiện ngành may chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, tệ đến mức chưa bao giờ mà những công ty quy mô vài ngàn lao động lại phải nhận đơn hàng 500 – 1,000 áo jacket!

Bên cạnh đó, có nhiều đơn hàng có giá “giảm khủng khiếp”, giảm sâu đến 50%. Trước kia áo sơ mi gia công $1.7- $1.8 thì nay chỉ $0.7 – $0.8, chưa kể những rủi ro như khách chậm trễ nhận hàng, tồn kho tăng…

Không chỉ phải nhận những đơn hàng có số lượng quá ít, giá gia công thấp, mà các công ty dệt may hiện phải nhận các đơn hàng không đúng sở trường: như đang làm dệt thoi phải nhận dệt kim; đang chuyên làm quần thì phải nhận áo, nên công ty buộc phải mua thêm thiết bị, máy móc và đào tạo công nhân để bảo đảm việc làm cho họ.

Trước đó, hồi đầu năm 2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT) gây bất ngờ khi công bố khoản lỗ sau thuế 5 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 450 tỷ đồng, từng là tập đoàn có lãi lớn nhất. Đây cũng là quý đầu tiên Vinatex ghi nhận thua lỗ kể từ khi hoạt động.

Ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức khi buộc phải sản xuất xanh – Ảnh: Tuổi Trẻ

Vietnambiz ngày 25 Tháng Bảy 2023 cho biết, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, đơn giá giảm sâu, ngành dệt may đã hạ mục tiêu xuất cảng năm 2023, kỳ vọng đạt mức $39 – $40 tỷ, giảm khoảng 17% so với kịch bản tích cực được xây dựng hồi đầu năm (mục tiêu $47- $48 tỷ) và giảm khoảng 10% so với năm 2022.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu  dệt may ước đạt đạt $18.6 tỷ, giảm 18% so với cùng kỳ 2022.

Báo cáo mới đây của công ty Chứng Khoán ACB (ACBS) cho thấy tình trạng đơn hàng sụt giảm của ngành dệt may đã kéo dài từ nửa sau năm 2022 cho đến những tháng đầu năm 2023 do tồn kho cao, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát và bất ổn kinh tế tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, EU.

Ngoài ra, một vấn đề khác mà các công ty dệt may Việt Nam đang phải đối mặt là buộc phải chuyển đổi sang sản xuất xanh, theo đòi hỏi của các khách hàng lớn như Mỹ, EU.

Đó là: phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải; loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo…

Sản xuất xanh có lẽ là đòi hỏi khó nhất đối với các công ty dệt may Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: