Hà Nội: Một cô gái nhiễm sán dây bò dài… 6m

Phở bò tái là một trong những món phổ biến có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán dây bò – Ảnh: deliciousvietnam

Do thích ăn phở bò tái và lẩu bò, một cô gái 25 tuổi ở Hà Nội đã nhiễm sán dây bò và xổ ra con sán dây dài… 6m.

Nữ bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, Hà Nội) hốt hoảng khi đi đại tiện có vật thể lạ giống những đoạn dây trắng có hình sơ mít và vẫn chuyển động, ngọ nguậy.

Cô tới khám tại bệnh viện Đặng Văn Ngữ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và qua xét nghiệm phân, các bác sĩ tìm thấy đốt sán và cả trứng sán dây. Nghi H. nhiễm sán dây bò, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành và thu lại con sán dây dài 6m sau khi cho cô uống thuốc xổ.

H. cho biết cô không có thói quen ăn thịt sống, thịt tái, tuy nhiên cô thích ăn phở bò tái và lẩu bò.

Dù vấn đề vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường ở Hà Nội đã được cải thiện hơn trước, bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) gần đây vẫn tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan tới ký sinh trùng.

Mẫu sán dây bò lấy từ cơ thể bệnh nhân lưu trữ tại bảo tàng Ký sinh trùng của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương – Ảnh: VietnamPlus

Tương tự như H, nam bệnh nhân T.M.T (40 tuổi, Hải Phòng) đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám do xuất hiện các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, kèm theo cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn.

Nam bệnh nhân cho biết ông có thói quen ăn thịt tái vì có cảm giác thịt ngọt, ngon và bổ dưỡng hơn. Ông T. thường ăn thịt tái bò và heo, vì thích loại thịt còn giữ lại màu hồng bên trong.

Sau khi làm các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán, kết quả là ông T. cũng nhiễm sán dây trưởng thành.

VietnamPlus ngày 28 Tháng Bảy 2023 dẫn lời PGS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương) cho hay có hai loại sán dây thường gặp đó là sán dây heo và sán dây bò.

Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài và vẫn còn chuyển động; còn sán dây heo thì chỉ dính theo phân ra ngoài, không chuyển động.

Bác sĩ Dũng còn cho biết thêm bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0.5-12%. Trong đó, 70-80% là nhiễm sán dây bò, còn 10-20% nhiễm sán dây lợn. Sán dây thường dài từ 2-4m, có khi tới 8-12m.

Nhìn bên ngoài, sán dây có hình thể như một dải băng và có ba phần: Phần đầu là một hình cầu mang bốn giác hút và có bộ phận bám dính; đốt cổ thường thắt lại; phần thân gồm nhiều đốt sán non, đốt sán trưởng thành và đốt già. Các đốt non sẽ mọc ra từ đốt cổ, còn các đốt già sẽ rụng dần.

Sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới.

Những con sán này sống nhiều năm trong cơ thể người và có thể tồn tại lên tới 25 năm! Mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50,000 trứng sán bên trong.

PGS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo người dân không ăn thịt bò, thịt trâu, thịt heo sống hoặc tái – Ảnh: VietnamPlus

Nguyên nhân nhiễm sán là do bệnh nhân thích ăn thực phẩm tái, sống, chưa được nấu chín, hoặc nước lẩu chưa đủ độ sôi, thịt bò hay heo chưa chín kỹ. Những món gỏi bò… cũng là nguyên nhân nhiễm sán, do nước chanh không diệt được ấu trùng sán bên trong thịt.

Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.

Đề phòng bệnh này, bác sĩ Dũng khuyên mọi người không ăn thịt bò, thịt trâu, thịt heo sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Bên cạnh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ thịt bò/heo tái, hiện một số người nuôi thú cưng (chó, mèo) bị lây nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng nhưng lại lầm tưởng là dị ứng da hay viêm da cơ địa.

Thậm chí, họ theo đuổi việc điều trị dị ứng da từ 5- 10 năm vẫn không khỏi, khi đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám thì mới phát giác bị nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo.

VietnamPlus ngày 16 Tháng Sáu 2023 cho biết một số bệnh nhân thường xuyên bị ngứa dữ dội, lở loét khắp người và phải chữa da liễu hơn chục năm mới biết mình nhiễm giun đũa chó, mèo từ thú cưng nuôi trong nhà.

Những biểu hiện nhiễm ký sinh trùng chó, mèo trên da người – Ảnh: VietnamPlus

Bệnh nhân N.V. H. (32 tuổi, Hà Nội) tới bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám trong tình trạng trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng kèm nhiều vết ngoằn ngoèo như giun bò.

Ông H. cho biết thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội hành hạ và đã đi khám tại các bệnh viện da liễu và dùng thuốc dị ứng hơn chục năm nay nhưng không thấy khỏi. Lúc nào ra ngoài ông cũng phải mang theo lọ thuốc dị ứng, thấy ngứa là uống nhưng chỉ đỡ một lúc rồi lại ngứa.

TS.Trần Huy Thọ, Phó giám đốc thường trực bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân H. có chỉ số Elisa dương tính với giun đũa chó mèo và kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da. Bệnh nhân được dùng thuốc điều trị bệnh đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng và các triệu chứng ngứa.

Lúc đó ông H. mới biết mình bị nhiễm giun sán từ con chó ông nuôi hơn 10 năm nay.

Một trường hợp khác cũng đang điều trị tại bệnh viện Đặng Văn Ngữ là bà P.T.D. (40 tuổi, Hưng Yên). Bà D. cũng bị ngứa ngáy và có nhiều vết trầy xước trên da tay và chân. Tình trạng này kéo dài đã 5 năm, đi khám dị ứng nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho bà D. biết bà bị nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng. Ngạc nhiên, bà D. kể mình nuôi hai con mèo lông dài đã 5 năm nay!

Theo TS.Thọ, thói quen chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo và coi những động vật nuôi trong nhà là những người bạn thân thiết đã khiến ông H. và bà D. nhiễm giun đũa chó, mèo.

Giun đũa chó, mèo, chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo. Khi vào cơ thể người, loài giun đó không sinh sản được nên không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun đũa chó mèo trong phân người mà chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó mèo trong máu bệnh nhân.

Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, bác sĩ Thọ khuyến cáo mọi người không nên ăn ngủ chung và ôm hôn chó mèo;  nên tắm rửa sạch sẽ cho chó mèo; đồ đựng thức ăn, chỗ ngủ và chất thải của chó, mèo luôn vệ sinh sạch sẽ; tẩy giun định kỳ cho thú cưng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: