Trump, Ukraine, Nga và NATO

Donald Trump tại Erie, Pennsylvania ngày 29 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Jeff Swensen/Getty Images)

Tại một cuộc mít tinh ở Erie, Pennsylvania ngày 29 Tháng Bảy 2023, cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng Tổng thống Joe Biden đã “lôi” nước Mỹ vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; rằng Hoa Kỳ nên ngưng viện trợ cho Ukraine cho đến khi các cơ quan liên bang cung cấp “mọi mảnh” bằng chứng mà họ có, liên quan các cáo buộc “những giao dịch tham nhũng” của Tổng thống Biden và con trai ông, Hunter Biden.

Trump nói thêm rằng bất kỳ nhà lập pháp Đảng Cộng hòa (GOP) nào không cùng ông tham gia chiến dịch tấn công gia đình Biden lần này sẽ phải đối mặt nhiều rắc rối ảnh hưởng đến vận mạng chính trị của mình. Đây là chiêu chiến thuật hù dọa mà Trump dùng vào năm 2022 để hạ uy tín những đảng viên GOP can dự vào việc bỏ phiếu luận tội ông trong vụ ông kích động cuộc nổi dậy ngày 6 Tháng Giêng 2021.

Thời điểm hiện tại, GOP đang điều tra các giao dịch được cáo buộc có nhiều mờ ám của Hunter Biden ở Trung Quốc và Ukraine thời chính quyền Obama, khi Joe Biden là Phó Tổng thống. Lúc đó, Hunter Biden giữ một vị trí được trả lương cao trong hội đồng quản trị tại một công ty năng lượng của Ukraine. Một số nhân vật theo đường lối cứng rắn trong GOP đã và đang gây áp lực lên Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, yêu cầu tăng tốc các cuộc điều tra sao cho có thể dẫn đến một cuộc đàn hặc Tổng thống Joe Biden.

Cần nhắc lại, năm 2019, Trump có một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đáp lại lời cầu xin của Volodymyr Zelensky về việc Hoa Kỳ hỗ trợ hỏa tiễn giúp Ukraine, Trump nói: “Tuy nhiên, tôi muốn ông giúp chúng tôi một việc.” Trump yêu cầu Zelensky giúp tìm các email của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, được cho là ở Ukraine, dù không có bằng chứng.

Trump cũng yêu cầu Zelensky nói chuyện với luật sư Rudy Giuliani và Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr để phối hợp điều tra Hunter Biden. Cuộc điện đàm bị rò rỉ, dẫn đến cuộc điều tra luận tội nhằm vào Trump, liên quan việc Trump cản trở quá trình tố tụng, lạm dụng quyền lực và bưng bít Quốc hội. Thượng viện tuyên trắng án cho Trump vào Tháng Hai 2020. Sự kiện thậm chí dẫn đến tin đồn rằng Thượng nghị sĩ Mitt Romney (GOP-Utah) bày tỏ bất mãn, rời bỏ GOP và gia nhập Đảng Dân chủ.

Trong sự nghiệp chính trị ngắn ngủi với “kỹ năng” tạo ra những biến cố khó lường, Donald Trump luôn thể hiện thiện cảm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ năm 2018 ở Phần Lan, Trump phớt lờ loạt báo cáo từ các cơ quan tình báo Mỹ, và vẫn khăng khăng rằng Putin không hề nhúng tay vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Nếu Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, giới quan sát tin rằng thái độ tích cực và sự ưu ái của Trump đối với Nga – điều mà thời điểm hiện tại có thể thấy ở phần lớn thành viên GOP – lại sẽ tái xuất hiện như một chủ trương chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Donald Trump tại cuộc họp báo nhân Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 12 Tháng Bảy 2018, Brussels, Bỉ (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Trung tuần Tháng Năm 2023, Trump nói ông có thể hạ màn cuộc chiến Nga-Ukraine trong vòng một nốt nhạc, chính xác là “24 giờ”, dù ông không nói rõ ông làm điều kỳ diệu đó bằng cách nào. Trump cũng nhắc đi nhắc lại việc Mỹ chi quá đậm cho việc viện trợ Ukraine. Một số thành viên cốt cán trong hàng ngũ GOP cũng tin rằng nếu Trump đắc cử vào Tháng Mười Một 2024, sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Ukraine sẽ giảm đáng kể hoặc thậm chí có thể chấm dứt hoàn toàn.

Tại Vương quốc Anh, nơi đang tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, trong đó có hỏa tiễn tầm xa, đã bày tỏ lo ngại về tác động của việc Trump tái xuất hiện Tòa Bạch Ốc sau năm 2024. Nếu Trump cắt nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine, chiến tranh sẽ kết thúc theo điều kiện của Nga – đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của phương Tây, cựu giám đốc cơ quan mật vụ Anh, Sir Alex Younger, nói. Putin không có Kế hoạch B khi xâm lược Ukraine nhưng giờ đây Kế hoạch B của Kremlin là chờ cuộc chiến kết thúc, không phải trên chiến trường Ukraine mà là sự thay đổi bức tranh chính trị Mỹ có thể xảy ra, với việc Trump lại có mặt trong Tòa Bạch Ốc.

Sự tái xuất hiện của Trump sau 2024, nếu có, không chỉ là bi kịch của Ukraine mà còn là thảm họa của liên minh NATO. Người ta còn nhớ hồi còn làm tổng thống, Trump liên tục dọa “nghỉ chơi” NATO. Với viễn cảnh Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, các chính phủ châu Âu đối mặt với ba nỗi sợ hãi: Bị Nga tấn công, bị Trung Quốc moi ruột về kinh tế và bị Mỹ bỏ rơi.

Chẳng phải tự nhiên mà Pháp đã đưa ra một câu trả lời dứt khoát cho cả ba vấn đề trên: Tạo ra “quyền tự chủ chiến lược” cho châu Âu. Phát biểu tại Bratislava vào Tháng Năm, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã đặt ra một câu hỏi khó: “Liệu chính quyền [Mỹ] có luôn như vậy không? Không ai có thể nói trước được, và chúng ta không thể ủy thác an ninh chung cũng như sự ổn định của chúng ta cho sự lựa chọn của cử tri Mỹ.” Ông lập luận rằng người châu Âu cần có khả năng tự bảo vệ, không chỉ về quân sự mà còn về kinh tế.

Nếu Mỹ bỏ Ukraine, liệu người châu Âu có tiếp tục hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine? Một số nhà ngoại giao châu Âu nói rằng họ vẫn sát cánh Kyiv nhưng nhiều người nghi ngờ điều đó. Kho vũ khí châu Âu nhỏ hơn Mỹ rất nhiều. Ngành công nghiệp quốc phòng EU đang gặp phải những căn bệnh tương tự Mỹ, tức chỉ sản xuất vừa phải ở mức độ thời bình.

Trong khi đó, nội bộ châu Âu cũng lộn xộn, như vốn dĩ. Pháp đang muốn né dự án phát triển hệ thống phòng không Sky Shield do Đức dẫn đầu vì dự án này phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoài châu Âu. Phần mình, giới chức Đức vặn lại rằng Pháp coi quyền tự chủ chiến lược là một cách để sử dụng tiền của Đức để hỗ trợ các công ty Pháp.

Camille Grand thuộc Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), cựu trợ lý tổng thư ký NATO, nhận định rằng nếu Trump rút chân chú Sam hoàn toàn khỏi NATO, người châu Âu đơn giản tiếp quản bộ máy này, hơn là đủ khả năng biến EU thành một liên minh quân sự. Châu Âu sẽ phải tìm cách lấp đầy những khoảng trống bỏ lại của 85,000 người Mỹ ở châu Âu, tính gồm quân lính Mỹ, nhân viên ở những cơ quan tham mưu và 22 tiểu đoàn chiến đấu. Họ cũng phải tự mua sắm “đồ chơi quân sự” đắt tiền và tự gánh vác các thứ chẳng hạn vận chuyển hàng không, tiếp liệu, tài sản không gian (space assets) và những gì liên quan “ISR” (intelligence, surveillance and reconnaissance) vốn lâu nay được Mỹ cung cấp. Để mọi thứ suôn sẻ và “ngon lành” trở lại, Camille Grand tin rằng châu Âu phải mất một thập niên.

Tuy nhiên, vấn đề tối quan trọng không phải là việc điều chỉnh bộ máy NATO mà là yếu tố lãnh đạo. Thiếu Mỹ, NATO như rắn mất đầu. Việc ra quyết định đa quốc gia luôn rất khó khăn, đặc biệt đối với các vấn đề quân sự. Châu Âu nói chung thiếu một nhà lãnh đạo để thay thế vị trí bá chủ của siêu cường Mỹ.

Với đa số người châu Âu, Donald Trump luôn là một đứa trẻ thiếu suy nghĩ. Trong ảnh là cuộc biểu tình chống Trump tại Edinburgh, Scotland ngày 14 Tháng Bảy 2018, nhân chuyến công du của Trump với tư cách tổng thống Mỹ (ảnh: Jeff J. Mitchell/Getty Images)

Đức dường như vẫn chìm đắm trong chủ nghĩa hòa bình, dù thái độ của họ có thay đổi kể từ sau cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga. Nước Anh gần như tách rời khỏi các vấn đề châu Âu do chủ trương Brexit. Trong khi đó, Pháp luôn lòi chòi nhảy ra với tham vọng lãnh đạo châu Âu nhưng chẳng ai tin Paris đủ tài đủ sức. Ngoài ra còn là vấn đề hạt nhân. Nga có gần 6,000 đầu đạn hạt nhân; Anh và Pháp mỗi nước khoảng 200-300. Nếu không có Mỹ, châu Âu sẽ phải suy nghĩ lại về kho dự trữ, về sự hợp tác với những đồng minh trong khối và thậm chí về lý thuyết quân sự hạt nhân.

Một cách tổng quát, như nhận định của Constanze Stelzenmüller thuộc Viện Brookings, việc Trump đắc cử 2024 sẽ là một “thảm họa được báo trước”. Cho đến nay, rất ít nhà lãnh đạo châu Âu có câu trả lời tốt cho vấn đề này. Nhiều người bỏ qua, lờ đi như không nghe thấy gì; những người khác thì có lẽ cầu nguyện Trump đừng phá hoại quá nhiều; và dù sao một tổng thống Mỹ ít nhiều cũng bị Quốc hội kiềm chế.

Bốn năm hỗn loạn Trump gây ra cho nước Mỹ đã đồng thời chứng minh một điều rằng một mình Trump không thể biến nước Mỹ thành quốc gia độc tài toàn trị như cộng sản. Ngũ Giác Đài từng nhiều lần không nghe lời Trump là một ví dụ. Xã hội dân chủ Mỹ có thể bị phá hoại nhưng nền tảng của hệ thống chính trị dân chủ Mỹ vẫn còn đủ mạnh để một bộ trưởng quốc phòng không thể bị nắm đầu hoặc một quốc hội trở thành một đám bù nhìn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: