Bị làm khó việc cấp phép vở “Tiếng Trống Mê Linh”, một doanh nghiệp kiện

Phiên tòa sơ thẩm Hà Nội xử đơn kiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội của VietArt – Ảnh VietnamNet

Lần đầu tiên một công ty kiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (Sở) vì lý do “kéo dài thời gian, gây khó khăn trong việc cấp phép vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Tại phiên xử ngày 1 và 2 Tháng Tám 2023, bị đơn là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vắng mặt, chỉ có đơn giải trình, Tòa án TP.Hà Nội vẫn tiếp tục vì bên khởi kiện là công ty VietArt không yêu cầu hoãn xử.

Cuối phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án TP.Hà Nội đã bác bỏ toàn bộ khởi kiện của công ty VietArt, đồng thời, buộc doanh nghiệp này phải chịu 300,000 đồng án phí sơ thẩm và hơn 30 triệu đồng án phí dân sự.

Theo Tiền Phong tường thuật nội dung khởi kiện của VietArt: ngày 5 Tháng Tám 2022, VietArt nộp hồ sơ đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin tổ chức biểu diễn vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” vào giữa Tháng Mười 2022.

Trong hơn một tháng sau đó, Sở có ba văn bản đề nghị Vietart bổ sung hồ sơ liên quan quyền tác giả, tác quyền; thông báo về việc giao tiểu ban sân khấu, tạp kỹ, thẩm định về tư tưởng, nội dung và chất lượng nghệ thuật; thông báo tiếp tục thẩm định lần hai sau khi chỉnh sửa kịch bản.

Mãi đến ngày 3 Tháng Mười 2022, Sở mới chấp thuận cho Vietart tổ chức biểu diễn. Việc Sở cấp phép chậm trễ, chỉ cách buổi biểu diễn chính thức có 09 ngày nên không đủ thời gian để công ty này quảng cáo bán vé (theo Điều 29 Luật Quảng cáo năm 2012, hồ sơ xin phép quảng cáo phải được gửi trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày).

Hậu quả, công ty xuất 1,100 vé cho hai đêm diễn nhưng chỉ bán được 200, thu được 200 triệu đồng, bị lỗ nặng!

Vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” do VietArt tổ chức biểu diễn hai đêm ở Hà Nội giữa Tháng Mười 2022 đã bị Sở Văn hóa và Thế thao Hà Nội gây khó dễ khi cấp phép – Ảnh: VietArt

Ngoài ra, còn có một tình tiết nữa mà VietArt cho rằng Sở gây khó dễ là Sở buộc phải cho họ tổng duyệt chương trình trước ba ngày, thay vì việc tổng duyệt chương trình theo thông lệ chỉ diễn ra trước một ngày hoặc diễn ra cùng ngày với buổi diễn đầu tiên.

Yêu cầu này gây khó dễ ở chỗ làm tăng chi phí ăn ở cho nghệ sĩ và ê kíp đoàn cải lương từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Từ những phân tích trên, đại diện công ty VietArt cho rằng Sở đã có hành vi “kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định”.

Do đó, VietArt đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại 672 triệu đồng chi phí sản xuất chương trình và bồi thường danh dự 1,000 đồng.

Sau khi nghe đại diện VietArt trình bày, chủ tọa phiên tòa cho hay chỉ xem xét đơn khởi kiện hành chính, việc công ty yêu cầu bồi thường nên đợi phiên tòa khác.

Đại diện VietArt nhấn mạnh: “Thứ mà doanh nghiệp cần là một lời xin lỗi công khai từ Sở. Hôm nay đứng trước tòa chúng tôi cần sự công bằng, không chỉ cho mình mà còn là tiền lệ cho các doanh nghiệp khác”.

Bà Đoàn Thúy Phương, tổng giám đốc công ty VietArt (giữa) nói với VietnamNet bà đã biết trước kết quả tuyên án của Tòa án TP.Hà Nội và sẽ kháng cáo – Ảnh: Tiền Phong

Không có đại diện tại phiên xử, nhưng Sở gửi bản giải trình cho Tòa, biện minh cho rằng vở cải lương Tiếng Trống Mê Linh chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nên đơn vị mới đề nghị công ty này bổ sung văn bản chấp thuận.

Về vấn đề đẩy thời gian tổng duyệt lên sớm hơn ba ngày so với ngày biểu diễn, Sở cho rằng làm như vậy để có thời gian xem và thẩm định nội dung biểu diễn, đặc biệt là về lời thoại, trang phục diễn viên (?)

Bên cạnh đó, Sở bắt bẻ VietArt là doanh nghiệp này đã quảng cáo bán vé trên mạng xã hội từ đầu Tháng Chín 2022, dù ngày 3 Tháng Mười 2022 Sở mới có văn bản chấp thuận cho VietArt tổ chức chương trình.

Vì vậy, Sở không chấp thuận yêu cầu bồi thường thiệt hại của VietArt.

Cuối cùng, Hội đồng xét xử nhận định: Ngay từ khi VietArt nộp hồ sơ xin cấp phép, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian, mặt khác, trong suốt quá trình xin cấp phép, VietArt không có bất kỳ khiếu nại nào (?)

Đối với nội dung khởi kiện liên quan chỉnh sửa kịch bản, Hội đồng xét xử cho rằng Vietart tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do trong vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” nên Sở yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa kịch bản là đúng (?) Việc làm của Sở cũng nhằm mục đích bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội cho buổi biểu diễn (?!)

Vở cải lương “Tiếng Trống Mê Linh” do VietArt tổ chức không đủ thời gian quảng bá và bán vé nên bị lỗ nặng – Ảnh: VietArt

VietnamNet cho biết người đại diện của VietArt tại phiên tòa là bà Đoàn Thúy Phương, tổng giám đốc công ty. Bà Phương nói với VietnamNet bà đã biết trước kết quả tuyên án của Tòa án TP.Hà Nội và sẽ kháng cáo lên toà phúc thẩm.

Ngoài ra, VietnamNet còn nêu chi tiết sự đối xử bất công của Sở đối với công ty VietArt khi đòi tổng duyệt vở cải lương ba ngày trước hôm biểu diễn chính thức, nhưng lại tổng duyệt chương trình nhạc Phú Quang – Miền Ký Ức cùng ngày khai mạc.

Thêm nữa, vì Sở xếp lịch tổng duyệt hai chương trình cùng một lúc (vừa nhạc trẻ, vừa cải lương), Sở đã buộc các diễn viên cải lương Sài Gòn diễn vở “Tiếng Trống Mê Linh” trên sân khấu đã thiết kế sẵn phông màn cho đêm nhạc Phú Quang – Miền Ký Ức là điều hoàn toàn không phù hợp!

VnExpress tường thuật, sau khi Tòa án TP.Hà Nội bác bỏ đơn kiện, cho rằng Sở đã làm đúng quy trình và không gây phiền hà cho doanh nghiệp, luật sư Hoàng Văn Hướng, đại diện pháp luật cho công ty VietArt đã nói: “chỉ khi vào đường cùng, doanh nghiệp mới đi kiện cơ quan nhà nước”, quả đúng là như vậy.

Lâu nay, để được việc của mình, các công ty thường phải chi tiền mỗi khi xin cấp giấy phép. Lần này, có lẽ VietArt “quên chi” hoặc “chi chưa đủ” nên mới bị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm khó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: