Hình ảnh Cardi B ném micro vào một khán giả chơi bẩn (hất ly nước vào mặt cô ta) thực sự gây sốc. Lỗi khán giả ấy là hiển nhiên, nhưng phản ứng của nữ rapper 31 tuổi này thì cũng thái quá! Nhớ lại ngày xưa, các nữ danh ca luôn chinh phục khán giả không chỉ bằng giọng hát ngọt ngào mà cả sự hiền dịu của họ.
MÃI BÊN ANH
Ngược dòng thời gian về thời điểm Tháng Chín 1968, nữ ca sĩ country Tammy Wynette mới 27 tuổi bắt đầu bừng sáng (trước đó khá thành công và có một giải Grammy) với ca khúc Stand by Your Man mà cô đồng sáng tác với Billy Sherrill trong vỏn vẹn 15 phút. Qua giọng ca cao vút, rất khỏe, Tammy nhận định rằng cuộc sống của phụ nữ chẳng hề dễ dàng, phải luôn cố hiểu người bạn đời của mình, tha thứ cho anh ta và luôn vững vàng sát cánh bên anh ta. Vì đã lỡ yêu anh ta thì phải yêu đến cùng.
Tuy bị những đại diện của làn sóng giải phóng phụ nữ chỉ trích là “thủ cựu, trọng nam khinh nữ, xem thường giới nữ” nhưng Tammy vẫn được nhiều người yêu mến. Stand by Your Man leo lên hạng nhất Billboard thể loại country và xếp hạng 19 trên Billborad Hot 100 rồi hạng nhất bên Anh!
Tammy Wynette sau đó được trao Grammy thứ hai, cùng với giải Nữ ca sĩ xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm nhạc đồng quê Hoa Kỳ (Academy of Country Music). Đáng nể hơn là ba năm liền (1968, 1969 và 1970), cô được Hiệp hội nhạc country (Country Music Assocation) vinh danh là Nữ ca sĩ của năm. Cũng trong năm 1969, album tổng hợp Tammy’s Greatest Hits được Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA) công nhận là album đầu tiên của nữ nghệ sĩ đạt cấp Album Vàng (tiêu thụ 500,000 bản) và sau đó là Album Platinum (một triệu bản). Nhà phê bình Greg Adams (trang AllMusic) chấm điểm năm sao cho đĩa Stand by Your Man với lời nhận xét, “đĩa nhạc có giá trị bền vững với thời gian”.
54 năm trôi qua, mấy tháng đầu năm 2023, trong khi đàn em Miley Cyrus lên tiếng “Tôi tự mua hoa cho mình, không cần đến anh” trong ca khúc cuốn hút Flowers, chắc hẳn cũng có không ít người yêu nhạc vẫn thỉnh thoảng tìm nghe lại Stand by Your Man.
“But if you love him you’ll forgive him/Even though he’s hard to understand
And if you love him oh be proud of him/’cause after all he’s just a man.
Stand by your man/Give him two arms to cling to,
And something warm to come to/When nights are cold and lonely
Stand by your man/And show the world you love him
Keep giving all the love you can/Stand by your man.
MÃI THEO ANH
Trước Stand by your man của Tammy Wynette, cũng có những nữ ca sĩ hát đi hát lại về sự chung thủy, theo anh suốt đời với bài I Will Follow Him. Sáng tác nguyên thủy của nhạc sĩ Pháp Franck Pourcel và Paul Mauriat (tựa là Chariot), nhạc phẩm này đã lần lượt được trình bày bởi Percy Faith (hòa tấu) rồi Petula Clark; Rosemary Clooney; Betty Curtis; Jackie Kannon; Joe Sentieri; Georgia Gibbs nhưng I Will Follow Him chỉ trở thành một ca khúc pop lừng danh thế giới khi được hát bởi giọng ca cực khỏe của Little Peggy March, khi nữ ca sĩ này mới 15 tuổi (với chiều cao khiêm tốn 147cm).
I Will Follow Him hiện diện 14 tuần trên Billboard Hot 100 tại Mỹ (đạt hạng nhất vào tuần cuối Tháng Tư 1963); hạng nhất ở Canada; Hong Kong, Israel; Nam Phi; Nhật, Tân Tây Lan; Scandinavia; Uruguay. Bài ca hay luôn tồn tại và được nhớ đến mãi nên vào năm 2011, chính Peggy March đã tái ghi âm I Will Follow Him với nam ca sĩ José Hoebee người Hà Lan và vẫn chinh phục người nghe.
Là con gái của cặp vợ chồng người Mỹ gốc Ý, Peggy March không phải là hiện tượng vụt sáng rồi biến mất (“one hit wonder”). Từ 1964 đến 1971 cô tung ra 14 đĩa đơn khá thành công ở Mỹ và các nước châu Âu, đáng kể nhất là I Wish I Were a Princess; Hello Heartache, Goodbye Love; Romeo and Juliet; Telegramm and Tennessee.
Nhưng hay nhất vẫn là “Love him, I love him, I love him/and where he goes I’ll follow, I’ll follow, I’ll follow/I will follow him, follow him wherever he may go/There isn’t an ocean too deep/A mountain so high it can keep me away…”
CẦN GÌ NÓI YÊU EM?
Như một lời thố lộ giản dị mà đi sâu vào lòng người rồi lưu lại mãi, bài tình ca buồn You Don’t Have to say You Love Me từng cuốn hút trái tim giới trẻ Sài Gòn những năm 1960.
“You don’t have to say you love me/ Just be close at hand/You don’t have to stay forever I will understand/ Believe me, believe me/ I can’t help but love you/ But believe me, I’ll never tie you down…”
Người thố lộ tâm sự này là nữ ca sĩ người Anh Dusty Springfield vào năm 1966, khi chuyển lời từ bài Io Che non Vivo (Senza te) (tức I, who can’t live without you), một sáng tác của Pino Donaggio và Vito Pallavicini từng lên hạng nhất tại Ý hồi năm 1965 và được đưa vào phim đoạt Cành cọ vàng Cannes 1965 Vaghe stelle dell’Orsa (tựa Pháp là “Sandra” của đạo diễn Luchino Visconti, với cô đào bốc lửa Claudia Cardinale đóng).
Có mặt trong đám đông khán giả dự Liên hoan phim Sanremo 1965, Dusty Springfield, tuy không hiểu nội dung bài ca tiếng Ý Io Che non Vivo nhưng cũng bị xúc động đến bật khóc. Cô tìm mua đĩa than bài này; một năm sau, cô quyết định ghi âm lại bằng tiếng Anh theo chuyển ngữ của cô bạn Vicky Wickham, một nhà sản xuất phim. Cùng với người bạn Napier-Bell (thành viên nhóm The Yardbirds), Vicky – không hiểu tiếng Ý – đã đặt lời mới theo cảm nhận từ giai điệu. Tựa bài hát đổi từ I Don’t Love You qua You Don’t Have to Love Me rồi cuối cùng là You Don’t Have to Say You Love Me.
Có thể nói không sai rằng Dusty Springfield hát nhạc phẩm này hay nhất, hơn hẳn vua nhạc rock Elvis Presley (ghi âm sau vào năm 1970). Ca khúc chiếm hạng nhất bảng xếp hạng đĩa đơn bán chạy tại Anh, hạng 4 Billboard Hot 100 tại Mỹ. Đó là phần thưởng xứng đáng vì Dusty chỉ bằng lòng sau 47 lần ghi âm thử! Suốt từ 1966 đến khi Dusty qua đời vào Tháng Ba 1999 vì ung thư vú, cứ nhắc Dusty là nhớ ngay đến You Don’t Have to Say You Love Me! Năm 2004, tạp chí nhạc trẻ kỳ cựu Rolling Stone đã xếp bài này hạng 491 trong danh sách 500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời.
ANH LÀ THẾ GIỚI CỦA EM
Có thể có rất ít người nghe biết bài tình ca Ý Il mio mondo (My World) của nhạc sĩ Umberto Bindi sáng tác năm 1963 cùng với Gino Paoli, vì nó chẳng phải là một hit song ngay tại nước Ý. Nhưng nhắc đến bài tinh ca You’re My World thì chắc chắn có hàng triệu người biết, vì đó là ca khúc trình bày thật hay bởi Cilla Black, một tài năng người Anh.
Tuy có khá nhiều nam nữ ca sĩ ghi âm bài này (năm 1977 có cả Helen Reddy) nhưng ai cũng thích You’re My World được trình bày qua giọng ca Cilla Black hồi năm 1964. Sở dĩ Cilla Black có cơ hội ghi âm bài này là nhờ Il mio mondo từng lọt vào tai của ông George Martin (ông bầu của nhóm The Beatles) và lệnh cho Carl Sigman chuyển ngữ thành bài tình ca tiếng Anh dành cho Cilla Black.
Buổi ghi âm diễn ra trong Abbey Road Studios ở London vào ngày 3 Tháng Tư 1964 đến ngày 30 Tháng Năm. You’re My World chiếm hạng nhất tại Anh và ngự trị ở đó tổng cộng bốn tuần, phá kỷ lục cá nhân ba tuần hạng nhất mà chính Cilla Black lập được với Anyone Who Had a Heart. Ngoài ra, nó còn xếp hạng nhất tại Úc; Tân Tây Lan; Nam Phi và lọt vào top 20 bài ca được ưa thích nhất tại Canada, Ireland, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Na Uy, Thụy Điển.
Cilla Black biết ông George Martin là nhờ quen John Lennon. Chàng thành viên Tứ Quái này đã giới thiệu cô cho ông bầu của họ (Brian Epstein) và hợp đồng giữa hai người được ký vào Tháng Sáu 1963. Cilla Black trở thành khách hàng nữ duy nhất của Epstein. Đến lượt Epstein giới thiệu Cilla cho George Martin để rồi Cilla đã ghi âm đĩa đơn đầu tiên, bài Love of the Loved, một sáng tác của John Lennon và Paul McCartney! Đĩa đơn thứ hai của Cilla, Anyone Who Had a Heart mà Burt Bacharach và Hald David sáng tác cho Dione Warwick hát, bùng lên hạng nhất tại Anh vào Tháng Hai 1964, tiêu thụ 800,000 bản. Và rồi cuối cùng là tình khúc You’re My World…
“You’re my world, you’re every breath I take/ You’re my world, you’re every move I make/ Other eyes see the stars up in the skies/ But for me they shine within your eyes
As the trees reach for the sun above/ So my arms reach out to you for love/ With your hand resting in mine/I feel a power so divine/ You’re my world, you are my night and day/ You’re my world, you’re every prayer I pray/ If our love ceases to be/Then it’s the end of my world for me…