Hawaii đang chứng kiến trận cháy rừng khủng khiếp trên đảo Maui trong hai ngày qua, và những cơn hoảng loạn vẫn chưa kết thúc.
Tính đến sáng 10 Tháng Tám, đã có ít nhất 36 người thiệt mạng, hàng chục người bị phỏng và bị thương nặng, trong vụ cháy rừng ở đảo Maui lan ra Lahaina, một thị trấn cổ và là nơi nổi tiếng dành cho người giàu có, neo đậu nhiều du thuyền đắt tiền.
Theo lời chị Ái Vũ, chủ công ty Flying Mermaid, LLC. chuyên sửa máy bay, bán máy bay, và làm dịch vụ hướng dẫn du khách tham quan các đảo trên quần đảo Hawaii, ngày 9 Tháng Tám chị có chuyến bay đưa khách sang đảo Maui, và chứng kiến những điều kinh hoàng chưa từng xảy ra.
“Đám cháy phát ra từ chiều ngày 8 Tháng Tám, nghĩa là khi tôi có mặt ở Maui thì đã qua gần một ngày,” chị kể qua điện thoại. “Mọi người chưa hết hoảng loạn, với những khuôn mặt thất thần, vì người ta chưa dập hoàn toàn được đám cháy. Nguyên thị trấn Lahaina cháy rụi, chỉ còn lại đám tro tàn.”
Đáp xuống phi trường Maui-Kahului airport (OGG), chị đưa khách về hotel, nhưng tất cả mọi người, du khách phải trở lại phi trường, vì đường xá bị đóng hết. Nhiều người vừa tới phi trường không về được hotel vì biết hotel đã cháy rụi hết.
Các nhà hàng cũng đông khách vì họ không còn biết đi đâu, chị Ái nói chị phải chờ gần 2 tiếng mới mua được thức ăn cho khách, và cho chị.
“Nếu những con đường trên đảo Maui trước khi có cháy đều đẹp như Thiên Đường, thì những ngày qua không ai dám ra đường, vì bụi mù mịt, muốn mở mắt ra cũng không được. Xe chạy ngang qua thị trấn bị cháy, mình còn nhìn thấy xác nằm mà không dám đưa lên xe. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tìm kiếm, và nhiều người vẫn đang tìm thân nhân của mình, nghĩa là con số tử vong chưa dừng lại ở vài chục người.”
Hiện nay cơ quan Hồng Thập Tự đặt trạm cứu người và vớt xác ở ngoài biển. Lý do, khi cháy, nhiều người lao ra biển, nhưng nước biển khi ấy cũng rất nóng, và người xuống biển không biết bơi, cũng không thể thoát thân.
Trong ngày 8 Tháng Tám, phi trường OGG kẹt cứng, có khoảng tới 2,000 người, nên lực lượng cảnh sát cũng có mặt rất đông để giữ trật tự. Từ Maui, chỉ có đường bay “di tản” ngắn nhất là qua đảo Oahu, mất 20 phút.
Chị Ái kể, hãng Hawaiian Airlines và Southwest giảm giá cho du khách, chỉ còn $15-$19/vé để mọi người có thể nhanh chóng rời khỏi Maui. Hãng Southwest Airlines để nước và snack để mọi người dùng miễn phí.
Đảo Oahu có nhiều hotel, có nơi trú ngụ tạm thời, và cả trung tâm hội nghị Hawaii Convention Center. Vì Big Island cũng đang có cháy rừng, nên không thể di tản qua đó, đảo Kawai cũng cách không xa Maui, nhưng đảo này quá nhỏ và thiếu nhiều tiện nghi để giúp người.
Trong thành phố bị cháy, mất hết điện, không ai liên lạc được với ai, vì cell phone cũng bị cháy, chỉ khi ra khỏi thị trấn hoặc ở phi trường thì các dịch vụ viễn thông vẫn còn hoạt động được.
“Ở đây mấy chục năm, thấy có cháy, nhưng các vụ cháy trong lịch sử là có thể dập được, còn vụ cháy này khủng khiếp quá, có vài trăm lính cứu hỏa cũng không thể làm gì được,” chị Ái nhận định. “Có người hỏi tại sao không dùng nước biển dập tắt lửa? Nếu lấy nước biển phun thì có thể dập tắt đám cháy, nhưng sau này, cây cỏ không thể giữ được nữa, coi như mất nguyên thảm thực vật. Đó là lý do người ta phải mất thời gian để lấy nước ngọt từ nguồn nước thiên nhiên dự trữ cho nguyên thành phố, để cứu hỏa.”
Hai ngày sau khi thảm họa cháy rừng thiêu rụi thị trấn Lahaina, nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, trước đó, Dịch vụ thời tiết quốc gia (National Weather Service –NWS) có đưa ra cảnh báo cho Quần đảo Hawaii về gió lớn và thời tiết khô hạn – điều kiện chín muồi cho cháy rừng – mà thông báo bị hủy bỏ vào cuối ngày Thứ Tư, theo Reuters.
Các quan chức cho biết gió từ cơn bão Dora, cách quần đảo Hawaii ở Thái Bình Dương hàng trăm dặm về phía Tây Nam, đã thổi bùng ngọn lửa khắp tiểu bang Hoa Kỳ. Ngoài Dora, một hệ thống áp suất thấp ở phía Tây gần Nhật Bản cũng góp phần tạo ra gió lớn kéo dài. Thảm thực vật khô cũng là một yếu tố góp phần.
Theo Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ, gần 85% các vụ cháy rừng ở Hoa Kỳ là do con người gây ra. Nguyên nhân tự nhiên bao gồm sét và hoạt động núi lửa. Quần đảo Hawaii có sáu ngọn núi lửa đang hoạt động, trong đó có một ngọn ở Maui.
Nhiệt độ nóng kỷ lục trong mùa Hè này đã góp phần gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng bất thường ở châu Âu và miền Tây Canada. Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu, do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn.
Thị trấn Lahaina bị cháy rụi trên đảo Maui là nơi nghỉ mát ven biển có khoảng 13,000 cư dân, là nơi từng là trung tâm săn bắt cá voi và là thủ phủ của Vương quốc Hawaii. Maui hiện thu hút 2 triệu du khách mỗi năm.
“Bà hỏa” cũng thiêu rụi xung quanh Kihei, một thành phố ven biển ở South Maui, và phá hủy một phần của Kula, một khu dân cư ở trung tâm miền núi của hòn đảo, cũng như cháy xém một phần của Big Island.
Tờ Honolulu Star-Advertiser trích dẫn các báo cáo chính thức của Lực lượng Tuần tra Hàng không Dân dụng Hoa Kỳ và Sở Cứu hỏa Maui (U.S. Civil Air Patrol and Maui Fire Department), cho biết khoảng 271 công trình đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Hawaii là một quần đảo cách lục địa Hoa Kỳ khoảng 2,000 dặm (3,200km) về phía Tây, được tạo thành từ tám hòn đảo chính, bao gồm cả Hawaii, được gọi là Big Island. Đảo Maui nằm ở phía Đông của đảo Hawaii.