Cả hai mẹ con đều đi thay y phục. Hiếu rón rén sợ em giựt mình và khi nàng quảy thùng ra đầu cầu, nàng dừng chơn lại rất lâu để nhìn dòng nước đen ngòm chảy dưới ấy. Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ trước đây thôi, nàng là cô gái được bao nhiêu người ao ước cái địa vị, tuy nhứt thời, nhưng nhiều bề thế. Thế mà bây giờ cô gái ngồi cao với giàu sang ấy lại sắp sửa gánh nước phông-tên, chen thùng giành chỗ với những chị ma-ri-sến!
Lần đầu tiên, nàng nghe được cái mùi rác, mùi cỏ úng thủy lâu ngày bốc lên từ dòng nước lờ đờ dưới dạ cầu. Nước chảy ở đây không phải là nước tù, nhưng nó cũng không chảy lưu loát, thành thử người cư trú nơi đây chịu được, nhưng vẫn cứ còn cái mùi nầy. Cái mùi nầy, Hiếu quen đi lắm rồi, đến nỗi không còn nghe thấy nữa. Nhưng giờ phút nầy, thình lình nó phảng phất trước mũi nàng.
Bởi vì Hiếu đã được biết những mùi khác lạ từ xế trưa đến giờ, nên khứu giác nàng đã có dịp so sánh, cũng như thị giác nàng đã so sánh từ xế đến giờ. Nàng chỉ bần thần có vài giây thôi, mà không nghĩ sâu hơn về cái mùi mới khám phá được, rồi bước đi chầm chậm, hoàn toàn dửng dưng, nhưng đã khó chịu vì những ý nghĩ bắt đầu thành hình.
“Ngày mai, mình đi lãnh tiền, số tiền đầu tiên mà mình kiếm được. Một cách khỏe ru. Không, mình không nên tự tiện mua sắm cái gì cả, hay tự tiện làm đẹp vì mình không sành. Phải tìm tụi nó mới được, những cái nho nhỏ mà phải học rất lâu mới thấu đáo và phải học thầy hay”.
Anh Trọng sẽ nghĩ thế nào khi hay tin mình trúng tuyển hoa hậu? Anh ấy hơi ghen. Thích ghê! Anh ấy yêu mình quá! À nhưng Hoàng sao bặt tin lâu quá vậy cà?
Không biết có phải vì tách cà-phê đã uống sau khi ăn tráng miệng, hay mừng thắng trận, mà Hiếu cứ thao thức mãi, không sao nhắm mắt được. Gần sáng, nàng mới thiếp đi, và trong giấc mơ màng giấy bạc ở đâu không biết tơi rớt quanh nàng, nàng lượm mãi mà không hết, càng lượm, giấy bạc càng hiện ra nhiều hơn, nằm ngổn ngang dưới đất.
Hiếu bước đến sạp báo thì chị bán báo đã kêu:
-Ồ! Cô Bích-Lệ!
Nàng sung sướng đến mọc ốc khắp da, nhưng vẫn còn làm bộ chưng hửng mà phản đối:
-Không, tôi tên Hiếu kia mà!
-Thôi mà cô ! Hình trong báo với cô giống nhau như hai giọt nước, ai mà lầm được. Cả ba tờ báo đều có đăng hình cô, ba ảnh khác nhau, chụp dưới ba khía cạnh, thì còn làm sao mà lầm được.
Nàng cười e thẹn cúi xuống chọn báo:
-Mua hết cả ba tờ é cô, để dành làm kỷ niệm.
Làng báo hôm nay bán chạy thêm ba số nữa, Hiếu thấy sự tiêu phí nầy không thấm vào đâu với số tiền ba ngàn còn lại cho nàng, nên không do dự gì cả.
-Cô sướng quá, chị bán báo nói. Cũng bằng như trúng số nho nhỏ. Mà đã hết đâu. Nghe nói họ sẽ mời cô đóng phim nữa hả cô?
-Không, tôi không biết.
Rồi nàng mau bước về nhà để ngắm ảnh mình cho mãn nhãn. Nỗi mừng vui dấy lên mạnh quá trong lòng Hiếu khiến nàng ngồi đứng không an. Nàng phải tìm một người bạn để mà san sẻ bớt những gì mà lòng nàng đang no nóc.
Mới chiều hôm qua đây, nàng ngỡ vui mừng vài phút rồi thôi, nhưng mấy bài báo lại làm cho lòng nàng ngập tràn phấn khởi về tương lai. Một tờ báo không phải là báo Rạng Đông, trong ban tổ chức viết: “Ban giám khảo chỉ tuyển chọn căn cứ trên vẻ đẹp của gương mặt. Nhưng may quá, người trúng tuyển lại đẹp cả ở thân thể, đẹp đúng y theo quan niệm thẩm mỹ cổ La – Hy…
Tờ báo khác lại viết: “Nghe đâu một nhà sản xuất phim đã quả quyết rằng hoa hậu Bích-Lệ có đủ điều kiện về dung mạo để thành một minh tinh điện ảnh. Phần diễn xuất thì không lo lắm, vì đó là điều có thể học tập được”.
Người bạn mà Hiếu nghĩ đến trước hết là Trọng. Trọng đã không bằng lòng và sẽ không bao giờ bằng lòng cả, nhưng chàng không thể không vui với bạn trước sự thắng trận của bạn chàng. Một người bạn trai mới bắt đầu yêu! Có phải chăng người ấy dầu sao, dầu có xích mích gì đi nữa, cũng hơn hết cả những bạn khác, và cũng thương nàng hơn tất cả các bạn khác.
Hôm nay bà Trung đi chợ lấy, để cho Hiếu có thì giờ đi lãnh séc. Nàng thấy là cần ghé thăm Trọng trước, sợ ôm bạc nhiều cồng kềnh không tiện, nhưng không hiểu sao, đi một đỗi đường nàng lại đổi ý, quẹo xuống nhà băng.
Khi ghé sở thăm Trọng thì tay Hiếu có cầm cái túi ni-lông nhỏ đựng mười ghim giấy một trăm. Thấy bạn, nàng tinh nghịch chế giễu:
-Anh vái ông địa cho em hụt, nhưng ông địa không thèm nghe anh. Có lẽ vì anh chỉ vái cúng một nải chuối thôi, còn em thì vái cúng đến một con vịt.
Trọng tuy buồn, nhưng không nín cười được.
-Anh đã đọc báo rồi chớ?
-Đã đọc và từ sáng tới giờ cả sở chỉ nói về em và anh thôi.
-Họ nói thế nào?
-Ai biết. Nhưng anh tình cờ nghe được một câu giống ý nghĩ của anh hết sức: “Thơ ký khó lòng mà bồ được bền với một cô hoa hậu”.
Bây giờ họ đã đi ra tới vỉa hè và Hiếu cười ngất mà hỏi:
-Vậy anh có bồ được với em hay không?
-Anh đã bắt bồ được với em trước khi em là hoa hậu, điều đó không bảo đảm rằng anh sẽ bắt bồ được mãi với em.
-Để xem.
-Thì anh để xem.
-Giờ anh tính lẽ nào?
-Người tính là em, chớ anh khỏi phải cần tính. Anh cứ yêu em, và không đổi ý về dự định kết hôn với em.
-Như vậy là huề, vì em cũng không đổi ý.
-Anh chỉ mong có bấy nhiêu thôi.
-Hình như là anh không yên lòng ?
-Lẽ cố nhiên.
Như vậy, em e có hại cho tình yêu đôi ta…
-Anh không thể khác được. Ai ở vào địa vị anh cũng thế. Nhưng anh thấy sự việc xảy ra trái lại em à. Anh càng lo sợ, càng nghe yêu em hơn lên.
Thiếu kinh nghiệm trên tình trường, Hiếu chỉ mỉm cười ra vẻ không tin. Nàng nhìn bạn, nhìn kỹ hơn dạo trước, vì không hiểu sao hôm nay nàng dạn hơn mọi lần, và kỳ lạ thay, bỗng nhiên nàng thấy bạn bớt đẹp trai hơn mọi lần.
Thì vẫn cứ là Trọng đó, tuy hơi buồn hơn ngày thường, nhưng sao lạ quá, Trọng xem như kém mạnh khỏe hơn người con trai tặng hoa tự xưng là họa sĩ không tên không tuổi. Cái mũi của chàng làm sao ấy, thật khó nói, nhưng trông cái mũi đó nàng không có cảm giác của ngày gặp gỡ, và ngày gặp gỡ cái nhìn của đôi mắt kia làm nàng xao xuyến không biết bao nhiêu, còn bây giờ thì nàng chỉ thấy cái nhìn của Trọng rất là tầm thường như cái nhìn của bất kỳ ai.
Hiếu nghe khó chịu quá, sao hôm nay nàng cứ như làm sao ấy, trông khác, nghĩ khác, mặc dầu nếu có ai nhận xét như thế, nàng sẽ phản đối, cho rằng nàng vẫn như trước. Nàng muốn vẫn như trước và rất sợ thay đổi, nhưng quả không như trước được, nên nàng khó chịu và hơi sợ.
-Ảnh của em, anh cất đâu?
-Ban ngày anh để trong bóp, tối lại anh nhìn nhiều lần rồi nhét dưới gối.
Nếu như hôm trước, nghe Trọng nói như vậy, nàng đã sung sướng đến ứa nước mắt. Nhưng nay thì nàng không nghe làm sao cả. Trong lòng nàng không phải chỉ có một mình Trọng như ngày nào, Trọng mà nàng mơ trong lúc thổi nấu, trong khi may vá, trong những buổi gánh nước về đêm, cả trong giấc ngủ nữa.
“Không, mình vẫn cứ yêu Trọng như trước và không có ai xen vào để lấn Trọng ra cả!” Hiếu kêu thầm lên như vậy để tự đính chánh. Và nàng đã nghĩ đúng. Nàng không có phản bội Trọng, cho dẫu phản bội thầm kín trong thâm tâm nàng.
-Thôi, em xin về, kẻo má trông.
-Ừ, em về, và mong em ra thăm anh thường thường.
Hiếu đạp xe máy đi một đỗi mới nhớ ra rằng nàng đã không quay nhìn lại như trước, và không có cảm giác khó chịu “bị nhìn theo” của lúc mới gặp nhau, cũng không có cảm giác êm ái “được nhìn theo” như khi đã yêu nhau rồi.
“Trời ơi, sao mà kỳ lạ như thế nầy !” Nàng kêu than thầm như vậy rồi bỗng thấy màu đời kém thắm hơn khi sáng nhiều, buổi sáng mà dư vang, dư hương, dư vị của đêm rồi chưa tan, mà dầu có tan đi nữa thì đời vẫn còn đủ hồng với tuổi hai mươi của nàng, chớ có đâu mà lờn lợt, đã không thắm thì thôi, mà cũng không mang màu gì rõ rệt như là vóc lụa nhuộm vụng, bị giặt một lần, nước thuốc ăn lan bậy ra, không màu gì ra màu gì hết.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP