Hôm qua bà Tám Bôn-sa facetime với tui nói chuyện. Cũng là chuyện trên trời dưới trần thế thôi mà cũng mất… ba tiếng đồng hồ. Đó là tui chỉ có hỏi thăm bả hai câu, mỗi câu mất chừng 30 giây, còn nhiêu bả nói hết!
Thiệt… nói “đàn bà nhiều chuyện” thì họ nói mình “đàn ông cũng nhiều chuyện, để ý đàn bà nhiều chuyện làm chi rồi nói này nói nọ”, chứ họ… nhiều chuyện thật.
Dù sao nhờ bà Tám Bôn-sa nói chuyện có duyên, nên đỡ buồn ngủ. Đang kể chuyện ông chồng bả dạo này tự dưng thích xịt dầu thơm, bả đưa tay phải lên gãi vào lòng tay trái rồi hỏi: “Ông có thấy ngứa lòng bàn tay không ông Tư?”. Tui nói “Không!”, cái bả mới nói: “Ông chưa tới số… trúng số!”
Tui hỏi vậy là sao, bả mới kể. Mà bả kể thì chẳng đầu không đuôi, nhưng tóm gọn nó như thế này:
Ở thành phố West Covina, tiểu bang California của bả có một bà tên Elena Penaloza. Bả người Mễ. Con gái bả, cô Ariana, nói mẹ cô nhập cư vào Mỹ một phần là để con cái được học hành tử tế.
Chẳng cần biết tình trạng di trú của bà Mễ Penaloza ra sao, chính phủ Mỹ vẫn cho con cái bà đi học bình thường, khỏi phải “chạy chọt cửa trước, cửa sau” gì ráo, đã thế lại còn miễn phí. Do bả nghèo, nên con bả đi học có cơm trưa ăn khỏi đóng tiền, chứ nếu phải đóng tiền thì chắc bà Penaloza chỉ “bới” cho mỗi đứa một miếng bánh taco mang theo thôi.
Bà Penaloza nghĩ, để trả ơn chính phủ, bà nên mua vé số cào thường xuyên, tại vì tiền lời được chính phủ dùng “gây quỹ cho các trường công lập”, nơi mấy đứa con của bà đang được học miễn phí.
Bà còn nói với con gái Ariana rằng: “Mẹ thấy điều này rất thực tế, và rất vui khi thấy mình có thể giúp đỡ các em học sinh”.
Phải nói cái suy nghĩ của bà Penaloza trong sáng quá.
Chúng ta phải tin bà Penaloza nói thật lòng, mục đích chính của bà khi mua vé số cào để gây quỹ giáo dục, mục đích phụ là để đổi đời nếu được trúng số. Mà mục đích phụ này, nói thiệt chứ nó mơ hồ lắm. Tùy theo loại vé số cào, cứ khoảng hơn 2 triệu, cho đến hơn 4 triệu vé mới có một vé độc đắc có giá trị từ 1 triệu đôla Mỹ cho đến 20 triệu đôla Mỹ.
Bao giờ mới đến lượt bà?
Thế nên, hãy tin rằng bà Penaloza mua vé số cào vì mục đích tốt, và trong lúc cào số lúc nào bà Penaloza cũng vui dù chỉ trong phút chốt. Bà mang hy vọng đổi đời chuyển vào đôi tay đen đúa của bà, cào nhè nhẹ tờ giấy cho nó từ từ hiện ra con số ở dưới phẩn phủ bạc.
Thế nhưng lần nào bà cũng thở dài thất vọng, rồi quay trở lại công việc chăm con. Dù sao thì mục đích chính vẫn là gây quỹ cho trường học, có gì đâu mà tiếc!
Nói vậy chứ đóng tiền gây quỹ kiểu này thường xuyên cũng mắc bệnh… ghiền. Một ông bạn tui cũng ở gần nhà bà Tám Bôn-sa, nói sáng nào ổng cũng ra quán uống cà phê có bán vé số cào, và vé số xổ liền (cứ 3, 4 phút xổ một lần) để vừa cà phê, hút thuốc thoải mái, vừa gặp gỡ “chiến hữu” nói chuyện “ngày xưa đi lính”, và vừa “cào cào” vé số.
Mỗi ngày ông mất chừng hai ba chục đô gì đó. Xem vậy chứ mỗi tháng cũng mất bạc ngàn chứ ít gì. Tui nói ông chơi vậy tiền đâu chịu nổi, ổng nói: “Vậy chứ cũng có trúng! Tụi nó hay lắm (chẳng biết ổng nói “tụi nó” là tụi nào), lâu lâu cũng ‘cho’ mình trúng vài chục, đến vài trăm. Nói chung mỗi tháng tốn chừng năm ba trăm thôi. Chơi riết rồi ghiền ông ơi! Kệ đi, già rồi chơi cho vui, chứ chết có mang theo được gì đâu?”
Bà Penaloza chắc cũng ghiền như ông bạn tui.
Mới mấy ngày trước, bà Penaloza cùng cô con gái Ariana đến tiệm 7-Eleven trên đại lộ North Azusa mua đồ tạp hóa. Tại đây bà “hân hoan xuống tiền” 10 đô la Mỹ nói nhân viên xé cho bà tờ vé số cào Diamond 8.
Để “thỏa mãn cơn ghiền”, bà lấy đồng 25 xu ra cào lấy cào để những ô số, và trong 20 ô vuông đó, bà nhìn thấy ô thứ 16 có con số 19. Đây là một con số trúng. Cào tiếp xuống dưới, bà thấy con số 1,000,000 tròn trĩnh, như cặp mắt và cái miệng bà lúc đó.
Bá trố mắt nhìn, há hốc miệng ngạc nhiên, tưởng đang nằm mơ, vội gọi con gái lại xem. Cả hai đều không tin tấm vé số trúng một triệu đô la là có thật, nắm tấm vé thật chặt trong tay, cả hai vội ra về.
Cô Ariana nói mẹ cô có thể mua một căn nhà được rồi. Đó là ước mơ lớn nhất của bà, để có chỗ cho mấy đứa con “sống tử tế”.
Đêm đó, có lẽ là đêm dài nhất trong đời bà Penaloza, và cô Ariana. Sáng hôm sau, hai mẹ con bà quay trở lại tiệm 7-Eleven để dò số, chiếc mày dò xác nhận tấm vé đó trúng một triệu đô la Mỹ.
Chẳng biết cảm giác của bà Penaloza lúc đó như thế nào, chỉ biết khi tinh thần ổn định một chút, bà kể cho cô Ariana nghe một chuyện “kỳ diệu”.
Bà nói chẳng biết có mê tín hay không, nhưng vào tuần trước, lòng bàn tay của bà tự nhiên ngứa lắm. Ngứa kinh khủng, và bà tin rằng mình sẽ nhận được một món tiền lớn.
Bà thực sự nghĩ như thế, và tuần sau thì bà trúng một triệu đô la. Cô Ariana nói: “Mẹ tôi nghĩ đó là định mệnh”.
Tôi hỏi ông bạn già bên California rằng có bao giờ ông “ngứa tay” không, thì ổng cho biết ngày nào cũng “ngứa” mà chẳng bao giờ trúng lớn!