Sau 40 năm, đàn voi nuôi (hay voi nhà) ở tỉnh Đăk Lăk từ 502 con, nay chỉ còn 36 con, trong đó huyện Lăk còn 14 con và huyện Buôn Đôn còn 22 con!
Theo VietnamPlus ngày 20 Tháng Tám 2023, điều đáng báo động là đã hơn 30 năm nay, đàn voi nhà không sinh sản được con, vì thế trong tương lai, đàn voi nhà ở Đăk Lăk sẽ tuyệt chủng.
Đa số những con voi nhà còn lại đều đã lớn tuổi, có phúc lợi hạn chế và thiếu cơ hội được thể hiện hành vi tự nhiên nên tuổi thọ ngắn.
Để bảo tồn đàn voi nhà, Ủy ban tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt đề án “Du lịch voi thân thiện” và hướng đến năm 2026 chấm dứt việc cưỡi voi trong hoạt động du lịch. Nghĩa là hiện nay vẫn còn có dịch vụ cho du khách cưỡi voi ở Đăk Lăk.
Không dưng mà tỉnh Đăk Lăk phê duyệt đề án này, nếu không có tổ chức quốc tế tài trợ!
Ngày 14 Tháng Bảy 2023, Lao Động phản ảnh dù có nhiều nỗ lực chăm sóc nhưng tất cả các con voi nhà mang thai đều không sanh được voi con, hoặc chết lưu trong bụng mẹ hoặc chết ngạt khi mới sanh.
Lao Động dẫn lời nhiều chuyên viên về voi cho rằng, nguyên nhân chính khiến voi nhà ở Đăk Lăk gặp khó khi sinh sản vì đã già. Hơn thế, hàng chục năm qua, voi nhà Đăk Lăk bị xiềng xích, nuôi nhốt riêng biệt trong không gian hạn hẹp, bị hành hạ vì phải phục vụ du khách, nên mất hết bản năng tự nhiên, việc sinh sản khó hơn voi rừng.
Vì vậy, để cứu đàn voi nhà không bị chết hết, cần phải thả chúng về lại môi trường tự nhiên, mà một trong những nơi đó là Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Nhưng với những người vốn sống nhờ nuôi voi bao năm nay ở Đăk Lăk, việc thả voi vào rừng làm mất hết nguồn thu nhập của họ, là điều không ai muốn!
Để cứu đàn voi nhà khỏi nguy cơ tuyệt chủng, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation – AAF) đã ký kết tài trợ tiền cho tỉnh Đăk Lak.
Ngày 15 Tháng Mười Hai 2021, Lao Động đưa tin Ủy ban tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức lễ ký kết hợp tác về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi giữa địa phương và AAF.
Theo thỏa thuận hợp tác, tỉnh Đăk Lăk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà bao gồm du lịch cưỡi voi, các hội thi hay dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng.
Đổi lại, AAF có trách nhiệm vận động các nguồn lực hợp pháp nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mang lại phúc lợi cho voi và các gia đình vốn mưu sinh nhờ nguồn thu từ voi.
Cụ thể, trong giai đoạn I, từ năm 2016 đến 2018, AAF sẽ tài trợ $50,000. Giai đoạn II, từ năm 2019 đến 2021, tổng mức tài trợ $60,000 dưới hình thức viện trợ không hoàn lại.
Trong lễ ký kết, ông Y Giang Gry Niê Knơng, phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh: “Hiện, quần thể voi (voi nhà và voi rừng) tại Đăk Lăk còn khoảng 140 cá thể, giảm 90% số lượng voi so với năm 1980!”.
Để cứu đàn voi của tỉnh Đăk Lăk, ông phó chủ tịch này mong muốn: “từ năm 2022 – 2026, AAF sẽ tài trợ cho Trung tâm bảo tồn voi $231,000 như cam kết để thực hiện công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh”!
Sau lễ ký kết đó, AAF đã cùng với Vườn Quốc gia Yok Đôn… giúp nhiều con voi nhà thoát khỏi cảnh “xiềng xích” trở lại rừng xanh, bằng cách ký hợp đồng với chủ nuôi. Khi họ đồng ý đưa voi vào Yok Đôn sống và tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi thì người chủ hằng ngày vẫn được chăm sóc voi và được trả thù lao tương xứng để trang trải cuộc sống.
Theo ông Trần Đức Phương, phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, mô hình du lịch thân thiện với voi được đơn vị và AAF phối hợp thực hiện từ năm 2017.
Với mô hình này, voi không phải cõng khách mà được tự do tìm kiếm thức ăn, tự do sinh hoạt trong rừng để du khách ngắm nhìn. Hiện có tám con voi được người dân ký hợp đồng với AAF, đưa vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi.
Ông Phương cho biết: “Cả tám con voi đều được chủ cũ trực tiếp chăm sóc, điều này vừa giúp chủ voi không mất đi nguồn thu nhập, vừa giúp voi có những điều kiện tốt nhất trong môi trường chăn thả tự nhiên”.
Cũng theo ông Phương, chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 2,000 lượt khách tham gia du lịch thân thiện với voi tại trung tâm. Có nhiều du khách bỏ ra nhiều ngày chỉ để đi theo voi, nhìn voi tìm thức ăn, tắm và sinh hoạt trong rừng.
Ông Phương hồ hởi nói: “Đây là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi tiếp tục. Đến năm 2026, chúng tôi sẽ phối hợp cùng AAF đưa về rừng 15 con voi nhà”.
Nếu chỉ trông chờ vào chính quyền, có lẽ đàn voi nhà ở Đăk Lăk sẽ hoàn toàn tuyệt chủng.