Đến lượt ông Lê Văn Thành…

Phó thủ tướng Lê Văn Thành (1962-2023) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tin ông Lê Văn Thành, Phó thủ tướng Chính phủ vừa từ trần nhận được nhiều lời tiếc thương, và cũng có cả lời oán trách.

Đó là một cái chết không bình thường, có người nói như thế, và dẫn chứng một vài cái chết không bình thường khác, như cái chết của ông Trần Đại Quang – một thời là “chủ tiệm nước” – hay ông Nguyễn Bá Thanh – một thời không là “vua” thì cũng là “chúa” ở Đà Nẵng.

Ông Thành cũng có một thời là “vua” ở Hải Phòng, nhưng không có kiểu “hét ra lửa” như “chúa Thanh” ở Đà Nẵng.

Hồi đó, “chúa Thanh” bị mời ra trung ương làm Trưởng ban Nội chính, nhiều người đã dự đoán “phúc phần” của ông Thanh đã hết. Chẳng biết dự đoán đó dựa vào đâu, nhưng vào tháng 12/2013, sau khi dẫn phái đoàn của Ban nội chính Trung ương đi Trung Quốc về, ông Thanh bị bệnh, 2 năm sau thì chết.

Có lời đồn là ông Thanh bị “nhiễm phóng xạ”. Nhiễm ở đâu thì không rõ, nhưng chắc không nhiễm ở trong nước. Có thể bị nhiễm ở nước ngoài, mà nước ngoài duy nhất ông Thanh đi là Trung Quốc. Còn tại sao bị nhiễm thì không có câu trả lời.

Sau khi ông Thanh mất, những người trước đây ca tụng ông mới biết hồi còn là “chúa” ở Đà Nẵng, “tham nhũng phải gọi ông Thanh là ông cố tổ”. Lúc đó, lời tiếc thương mới im bặt.

Dù sao thì ông Thanh cũng được “ca tụng công đức” một thời gian dài cho đến khi cơ quan điều tra phát hiện tài sản của ông nhiều vô kể, và những di hại mà ông để lại cho Đà Nẵng cũng nhiều chưa thống kê hết. Nhiều đệ tử của ổng vào tù, và cả bọn đều chỉ về hướng mộ ông Thanh nói rằng họ chỉ làm theo chỉ đạo của ông thôi, chứ chẳng biết gì.

Nếu ông Thanh chưa biến thành ma quỷ, mà nghe được những lời đổ vấy mọi tội lỗi cho ông thì chắc cũng đội mồ lên hỏi tội bọn chúng. Cũng may là ông chết trước khi bị phát hiện, chứ nếu bị phát hiện sớm thì chắc ông cũng khó “được” chết lắm, nếu chưa nộp lại tiền “khắc phục hậu quả”.

Biếm họa Nguyễn Bá Thánh bị đầu độc bằng chất phóng xạ – Babui

Ông Trần Đại Quang thì không được “nhân dân ca tụng” như ông Thanh. Ngay khi còn sống, ông đã bị người đời phỉ nhổ. Bài viết của tác giả Võ Thị Hảo đăng trên RFA ngày 21/9/2021 đúc kết như thế này:

“Dưới thời cai trị của ông Trần Đại Quang, đặc biệt từ khi ông làm Bộ trưởng công an năm 2011 rồi từ 2.04.2016 lên làm Chủ tịch nước, nhân quyền và tự do ngôn luận bị đàn áp tàn bạo tăng tốc. Đặc biệt nhất là công an giả dạng côn đồ cài cắm vào những cuộc biểu tình ôn hòa để chính quyền lấy cớ đàn áp dân. Công an cũng giả dạng côn đồ đi đánh đập những nhà bất đồng chính kiến và dân oan khiếu kiện. Thậm chí công an và quân đội còn kết hợp cùng nhau thành những đội quân mang vũ khí hùng hậu chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp cướp đất của dân, buộc người dân phải dật dờ trôi dạt đầu đường xó chợ. Đến khi dân khiếu kiện về cái sai của việc làm trái pháp luật của chính quyền, doanh nghiệp và công an thì những người có trách nhiệm thờ ơ, dân lại bị đánh đập, đàn áp tiếp với những tội vu cáo là ‘gây rối trật tự công cộng’ với những bản án phi pháp hết sức nặng nề và có những người phải tự thiêu vì quá oan trái. Vụ án Đồng Tâm, Thủ Thiêm… chỉ là một vài trong số những ví dụ khiến người dân phẫn nộ”. (Hết trích)

Với những “chiến tích đàn áp lẫy lừng” đó, ông Quang vẫn bị Đảng “bắt chết” bằng một con virus hiếm và độc đến nỗi trên thế giới chưa có thuốc chữa, thì thật khó hiểu.

Nghe nói sau khi chôn cất ông Quang xong, người nhà ông phải nhờ lực lượng công an ngày đêm canh giữ mộ phần của ông vì sợ những người bị ông hại đến “đào mồ cuốc mả” trả thù.

Biếm họa Trần Đại Quang đi “chầu thiên triều” – Babui

Điểm giống nhau giữa hai ông Trần Đại Quang, và Nguyễn Bá Thanh là cả hai đều chết vào năm 62 tuổi, cái tuổi sung mãn nhất của đời người.

Giờ thì đến lượt ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Thành sống ít hơn 2 ông kia một năm. Mới 61 tuổi, ông Thành đã ra người thiên cổ.

Điểm giống nhau giữa ông Thành với 2 ông kia là cái chết của cả ba đều bất thường. “Chúa Thành Đà Nẵng” nghi bị phóng xạ, “chủ tiệm nước” bị virus lạ, còn Phó thủ tướng nghe đâu bị ung thư, đã được đi Nhật chữa trị, nhưng bác sĩ bên đó “bó tay” đành về nhà, chứ không đi Trung Quốc chữa thuốc bắc.

Đó là nghe nói vậy thôi, chứ ông Thành vẫn làm việc bình thường, cho đến đầu năm 2023, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đột ngột phân công các phó thủ tướng khác làm những việc ông Thành đang phụ trách. Quyết định này xem như “đá” ông Thành ra khỏi chức vụ Phó thủ tướng, với lý do đơn giản là ông Thành vắng mặt nên để các ông kia làm thay, mai mốt ông Thành quay lại thì tính tiếp. Lý do vắng mặt được giữ kín, nên thiên hạ cứ tha hồ đồn thổi.

Người ta đồn rằng chuyện vắng mặt của ông Thành là điều bất thường, vì nhìn lại suốt năm 2022, ông Chính đã ký ít nhất 5 quyết định, phân công ông Thành phụ trách nhiều công việc quan trọng, trong đó có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Long Thành. Ông Thành được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Uy tín ông Thành đang lên như diều gặp gió, bỗng nhiên bị ông Chính cầm kéo cắt phăng sợi dây diều do chính ông ta thả thì đủ biết cuộc chiến quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo đang đến hồi gây cấn.

Hồi ông Thành ra trung ương làm Phó thủ tướng, người ta nói ông có khả năng thay thế ông Chính làm thủ tướng nhiệm kỳ tới. Sở dĩ người ta đồn đoán như thế vì thấy ông có khả năng, dám làm, dám chịu. Nhưng lời đồn tai quái đó tự dưng biến ông thành kẻ “ngáng đường” thủ trưởng trực tiếp của mình!

Cũng có thể lúc đầu ông Chính để ngoài tai lời đồn đó, nhưng “bọn ma cô” cứ nói đi nói lại mãi nên ông Chính cũng tin là thật, nên “cắt dây diều” chăng? Chẳng biết điều đó có thật không, nhưng có người nói “ông Thành ở đây không bền đâu vì tính ổng ‘ngang như cua’, không biết luồn lách giữa các phe phái nên phe nào cũng không ưa”.

Ông Thành không biết “đi dây” thì làm sao làm thủ tướng được?

Có người nói, nếu ông Thành ở lại Hải Phòng thì đâu đến nỗi. Ra trung ương làm gì để rơi vào vòng xoáy đấu đá giữa các băng nhóm “mafia đỏ” đến nỗi thiệt mạng.

Điều này chưa chắc đúng, vì chuyện đi đâu, làm gì, ông Thành đâu có được quyết định.

Cuộc đời chính trị của ông Thành gắn liền với Hải Phòng vì ông sinh ra và lớn lên ở đây. Theo báo chí trong nước, sau khi được giữ chứ Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông đã tạo được nhiều “dấu ấn”, thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế xã hội của thành phố, với tổng thu ngân sách nội địa trong 5 năm 2016-2020 đạt 120,698 nghìn tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn trước đó.

Toàn cảnh hợp phần Khu tái định cư, thuộc Dự án Xây dựng cải tạo đường 359 tại xã Hoa Động (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Nhiều người dân dù đủ điều kiện nhưng lại không được chính quyền xét duyệt tái định cư, khiến họ phải khiếu kiện – Ảnh: Tiền Phong

Đó là một con số nổi bật trong sự nghiệp chính trị của ông Thành. Tuy nhiên, có một chỉ số kinh tế đẹp, xã hội đó chưa chắc đã tốt. Một chỉ số nổi bật khác không được  thống kê, nên người ta chỉ có thể áng chừng thôi, đó là chỉ số hạnh phúc. Ở Hải Phòng đã có hàng ngàn gia đình bỗng nhiên bị đẩy ra khỏi nhà, trở thành dân oan vì những dự án của ông Thành. Những người đó cũng hiểu ông Bí thư này là người như thế nào, nhưng theo chiều ngược lại.

Như thế có thể hiểu, thời của ông Thành, chỉ số kinh tế và chỉ số hạnh phúc của thành phố hoa phượng đỏ đi ngược chiều nhau. Chỉ số kinh tế đi lên gấp đôi, chỉ số hạnh phúc bị kéo xuống vực. Đó cũng là nhờ ông Thành “dám nghĩ, dám làm” bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu do đảng của ông đặt ra, bất chấp người dân khốn khổ thế nào.

Nhờ sự sốt sắng, nhiệt tình của ông Thành, Hải Phòng được xem là thành phố có số người khởi kiện hành chính nhiều nhất nước. Như thế, ông Thành có phải là một lãnh đạo tốt không?

Một ông lão 50 năm tuổi đảng nói như thế này: “Đã là đảng viên cộng sản, lại chen chân vào chốn quan trường, thì tin tôi đi, thì không  thể là người tốt được”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: