Một bà mẹ ở California kiếm được hơn $10,000/tháng khi theo đuổi ‘niềm đam mê’ của mình: Bán mì ống tự làm đầy màu sắc.
Nghề chính của Fiona Afshar là viết software, nhưng khi ba đứa con còn nhỏ, cô bán bông tươi kiếm thêm tiền nuôi con. Cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nấu ăn vì tiền.
Lớn lên ở Iran, Afshar được dạy rằng, thức ăn là tình yêu. Năm nay Afshar, 57 tuổi, nói với CNBC Make It: “Chúng tôi càng cung cấp nhiều thức ăn cho bạn, chúng tôi càng yêu bạn nhiều hơn”. Năm 2018, cô mở Instagram @cookingwithfiona, đặc biệt để đăng các video hướng dẫn nấu ăn mà cô đã quay cho con gái mình.
Trong vòng vài tháng, Cookingwithfiona đã thu hút rất nhiều người vào xem. Gần đây, cô phát hiện ra bột mì ống dễ uốn như thế nào và đăng video cô thiết kế, nấu và phục vụ những sợi mì có màu sắc rực rỡ, hoa văn sặc sỡ. Người xem bị cuốn hút. Thừa thắng xông lên, Afshar dạy nấu ăn, quan hệ đối tác với các thương hiệu và mở một cửa hàng trực tuyến mang tên Fiona’s Pasta.
Afshar cho rằng khán giả bị thu hút bởi món mì lập dị của cô vì một lý do đơn giản: “Nếu bạn nhìn kỹ vào mọi nền văn hóa, thì luôn có một dạng mì ống. Nó giống như để lại một cảm giác thực sự ấm áp và thoải mái.”
Fiona Afshar kiếm được $129,000 mỗi năm, chủ yếu bán những hộp mì ống đầy màu sắc được làm trong bếp nhà cô ở Malibu, California.
5 năm kinh doanh nấu ăn, thức ăn vẫn là tình yêu đối với Afshar — nhưng giờ đây, cô kiếm được tiền cho việc đó và chia sẻ tình yêu của mình với gần nửa triệu người theo dõi.
Niềm đam mê nấu ăn
Cách mạng Iran nổ ra khi Afshar 9 tuổi, cha cô cho cô và ba người anh trai đến Vương quốc Anh lánh nạn. Khi ra đi, mẹ cô đã đưa cho cô một cuốn sách dạy nấu ăn, và mỗi tối, Afshar xem và nấu ăn, ghi nhớ mọi thứ như một nguồn an ủi. Sáu tháng sau, gia đình họ đoàn tụ khi cha mẹ của cô cũng sang Anh.
Mối liên hệ sâu sắc của cô với đồ ăn vẫn chưa chấm dứt. Cô nói rằng đó là cách cô được chăm sóc và học cách chăm sóc người khác. Cho đến giờ, Afshar vẫn còn giữ cuốn sách dạy nấu ăn mà mẹ cô tặng trước khi cô di cư từ Iran sang Anh.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Afshar chuyển đến California, làm nhà tư vấn và viết software. Cô gặp chồng mình là Ali vào năm 1987 và bắt đầu kinh doanh software với anh ấy trước khi nghỉ hưu để nuôi ba đứa con.
Khi con gái lớn của cô vào đại học, cô nghĩ mình đã cống hiến năng lượng sáng tạo của mình để chế biến những bữa ăn lành mạnh và thú vị cho gia đình mình, nên mở một tài khoản Instagram, làm mì ống theo hướng dẫn của đầu bếp Thomas Keller.
Afshar nói: “Ngay khi tôi bắt đầu đăng các clip làm mì ống, mọi người chia sẻ trên toàn bộ mạng xã hội. Tôi nói, ‘Được rồi, các bạn muốn mì ống không? Tôi sẽ cho bạn thêm mì ống.”
Một doanh nghiệp ‘cây nhà lá vườn’
Vào năm 2020, Afshar bắt đầu tổ chức dạy làm mì ống trên mạng với giá $35/người. Nhưng cô nói mình không làm vì tiền. Cô cho biết thêm, vào thời điểm cao điểm, mỗi lớp của cô cả trăm người tham dự, ở khắp nơi trên thế giới.
Năm sau, anh trai của Afshar đề nghị cô bán sản phẩm mình làm ra. Khi cô phản đối, anh đưa ra đề nghị: “Em cứ mở cửa hàng Shopify trong một tháng, nếu em không thích, thì anh đóng cửa.”
Thế rồi họ cùng nhau khai trương cửa hàng online mang tên Fiona’s Pasta. “Ngày cửa hàng khai trương, nó giống như ding, ding, ding. Doanh số bán tăng lên ào ào,” cô nói. “Tôi không ngờ luôn, cứ nghĩ ‘bạn đang đùa với tôi ư’? Có người trả cả trăm đôla cho món mì ống.”
Cùng lúc đó, nhà bán lẻ thời trang cao cấp Ssense liên lạc với Afshar về việc hợp tác. Họ trả tiền cho cô để thiết kế món mì ống phù hợp với logo và phong cách của các thương hiệu như Gucci và Anthropologie, đồng thời đăng video giới thiệu những món mì đó lên mạng xã hội.
Afshar được trả nhiều tiền cho những loại hợp đồng xây dựng thương hiệu đó. Tuy nhiên, nguồn thu nhập mì ống lớn nhất của cô lại đến từ cửa hàng. Cô bán những hộp mì ống đầy màu sắc, có hoa và có thiết kế riêng với giá từ $80 đến $240 USD trên trang web của mình.
Afshar cho biết cô làm việc khoảng 32 giờ mỗi tuần để chế biến, đóng gói và giao hàng. Cô không cần quảng cáo, còn luộc mì và phơi bột thì đã có mẹ chồng và anh trai giúp làm không công.
Mặc dù mang lại doanh thu sáu con số mỗi năm, Afshar khẳng định mục đích kinh doanh của cô là kết nối với mọi người thông qua ẩm thực và truyền tải một số nét văn hóa của Iran cho con cái.
Cô không có kế hoạch mở rộng hoạt động dạy làm mì ống hoặc dạy học ngoài căn bếp của mình. “Có rất nhiều tiềm năng để phát triển lớn hơn, nhưng theo một cách nào đó, tôi thấy mình vẫn như đang ôm một đứa trẻ. Công việc của tôi rất cá nhân. Đó là tác phẩm nghệ thuật, tôi không muốn mang nó đi đâu đó, để sản xuất ra hàng loạt, bởi nếu làm vậy sẽ mất đi bản chất của nó.”