Ngày 04 Tháng Chín 2023, Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc chuyến thăm Mông Cổ, một chuyến đi lịch sử của ý nghĩa Đại kết và Liên tôn. Trong chuyến tông du bốn ngày, ngài đã đối diện nhiều điều khó không chỉ với bên ngoài, mà cả ngay trong nội bộ Công giáo.
Khoảng gần 100 giáo dân, linh mục Việt Nam đã đến Ulaan Baatar, Mông Cổ để được diện kiến Đức Giáo Hoàng, trong đó, một trong những nhân vật dễ nhận ra nhất là Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, đến từ Sài Gòn. Hãng tin Reuters ghi nhận rằng cùng với khoảng 2000 giáo dân nhiều quốc tịch khác nhau đến Mông Cổ, những người Công giáo Việt Nam đã bay hàng ngàn dặm đến gặp Đức Thánh Cha với một thông điệp: Họ cũng mong mỏi ngài đến thăm đất nước, nơi chế độ cộng sản đang cầm quyền, vào lúc mối quan hệ giữa Vatican và Hà Nội đang có vẻ hoà hoãn hơn.
Trong phần trả lời riêng với người Việt ở Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận rằng “cuộc đối thoại giữa Tòa thánh và Việt Nam là một trong những cuộc đối thoại rất có giá trị mà Giáo hội đã thực hiện trong thời gian gần đây”. Cả hai bên “có thiện chí hiểu nhau và tìm ra con đường phía trước. Có những vấn đề nhưng ở Việt Nam tôi thấy sớm muộn gì cũng khắc phục được”.
Nhắc lại lời mời khẩn khoản của giáo dân và linh mục Việt Nam, Giáo Hoàng Phanxicô đã mỉm cười trả lời: “Nếu tôi không đi được, thì Đức Gioan XXIV (tức người kế nhiệm trong tương lai) chắc chắn sẽ đi”.
Dù vị lãnh đạo Công Giáo toàn cầu không nói ra, nhưng những người am hiểu tình hình Công giáo tại Việt Nam đều biết, sau 1975, chế độ cộng sản coi Công giáo là thành phần thù địch và cắt đứt quan hệ ngoại giao đã có từ thời Việt Nam Cộng Hoà, năm 1973. Mãi đến 2011, vị đại diện không thường trú của Vatican mới được lui tới Việt Nam, nhưng chỉ là giám sát. Đến nay, mọi thứ chỉ mới cải thiện, chứ chưa chính thức là có mối quan hệ ngoại giao.
Đức Thánh Cha, người sẽ vào tuổi 87 tuổi ở Tháng Mười Hai tới, giải thích với các tín đồ Việt Nam: “Ngày nay, việc thực hiện các chuyến đi đối với tôi không còn dễ dàng như trước; có nhiều hạn chế, bao gồm cả việc đi bộ”. Trong video do Phòng Truyền thông của Vatican phát đi, cho thấy lúc đến Mông Cổ, ngài đã phải di chuyển suốt bằng xe lăn và xe điện cá nhân, khi đi qua hàng quân chào danh dự của chính phủ Mông Cổ.
Chuyến đi đến Mông Cổ là ý nguyện muốn đoàn kết tôn giáo và cổ vũ cho một thế giới chia sẻ và bình an hơn. Nhưng, bên cạnh đó, Đức Thánh cha cũng không giấu việc muốn thông qua Mông Cổ để nhắn gửi đến Trung Quốc. Đặc phái viên của Vatican Media, ông Éric Senanque mô tả trong một thánh lễ, Đức Giáo Hoàng đã nói: “Nhân sự hiện diện của các bạn, tôi muốn gửi lời chào nồng nhiệt tới nhân dân Trung Quốc cao quý. Và tôi mong rằng những người Công giáo Trung Quốc hãy trở thành những Ky tô hữu tốt và những công dân tốt”.
“Trên thực tế, trong suốt chuyến đi của ngài, Giáo Hoàng đã nhiều lần ám chỉ chế độ Trung Quốc, không giống như Mông Cổ, vẫn hạn chế quyền tự do tôn giáo. Mặc dù đã ký thỏa thuận với Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các giám mục, Trung Quốc vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Các định chế thế tục không có gì phải lo sợ trước hoạt động truyền giáo của Giáo hội, bởi vì Giáo hội không có mục đích chính trị”, Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích như vậy hôm 02 Tháng Chín 2023, khi gặp gỡ cộng đồng Công Giáo Mông Cổ”, ông Éric Senanque tường thuật.
Trong bốn ngày Giáo Hoàng thăm Mông Cổ, các tín đồ Công Giáo Trung Quốc, đã có thể âm thầm đến Ulaan Baatar, nhưng các giám mục ở Hoa lục thì không ai được phép đến, ngoài các giám mục từ Hong Kong và Macau. Trong các câu hỏi về vấn đề quan hệ Trung Quốc – Vatican, Giáo Hoàng đã tránh đề cập đến việc Bắc Kinh công khai ra lệnh cấm các tín hữu Trung Quốc đi du lịch đến Mông Cổ lần này.
Ngài cũng nói về chuyện gây nhiều tranh cãi giữa Bắc Kinh và Vatican, đó là việc đề cử các giám mục theo thỏa thuận tạm thời được ký kết tại Bắc Kinh vào Tháng Chín năm 2018. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải “tiến lên nhiều hơn nữa trong khía cạnh tôn giáo để hiểu nhau hơn, để người dân Trung Quốc không còn nghĩ rằng người Công giáo Trung Quốc phải chịu sự chi phối của các thế lực nước ngoài”. Các câu trả lời của Giáo Hoàng cho thấy ngài phần nào muốn làm dịu tình hình, và hy vọng có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, mối quan hệ của Vatican với Moscow đã xấu đi kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng rồi sau đó, cũng bị chỉ trích từ phía Ukraine, khi ngài kêu gọi những người Công giáo trẻ ở Nga hãy coi mình là hậu duệ của đế quốc Nga trong một bài phát biểu qua video, trong cuộc hội nghị truyền hình với giới trẻ Công giáo Nga ở St. Petersburg. Truyền thông của Ukraine đã nói ngôn luận của Giáo Hoàng là “tuyên truyền đế quốc”.
Tại Mông Cổ, Giáo Hoàng cũng được đặt câu hỏi về chuyện này. Ngài đã đưa ra một câu trả lời dài, trong đó nói rõ ý nghĩa của lời kêu gọi, được đặt trên chiều kích văn hóa và nhân văn của thời kỳ lịch sử đó, chứ không phải đến chiều kích chính trị hay đế quốc. Ngài nói khi trình bày suy nghĩ đó, ngài đã nghĩ đến nền văn học, nghệ thuật và âm nhạc vĩ đại của Nga. Nhưng Giáo Hoàng cũng nói nhận ra sai lầm ngay khi nhắc đến “nước Nga vĩ đại” ở thời điểm này, nghĩa là trong khi cuộc chiến xâm lược đang diễn ra, với chính cái tên đó.
Trong buổi thánh lễ có ý nghĩa Đại kết và Liên tôn được cử hành ở thủ đô Mông Cổ vào ngày 3 Tháng Chín, Giáo Hoàng nói mình chỉ là một trong những ‘người thừa kế khiêm tốn’ của các trường phái trí tuệ cổ xưa, và ngài trích dẫn lời Đức Phật trong lời giảng về sự phát tâm bố thí.
Cách làm của Giáo Hoàng được coi là hoà đồng và khôn ngoan ở một quốc gia có đến hơn 3.3 triệu tín đồ Phật giáo, và chỉ có một ít tín đồ công giáo. Thế nhưng giới Công giáo bảo thủ thì không nghĩ vậy. Chẳng hạn như Giám mục Athanasius Schneider của Kazakhstan, đã lên tiếng chỉ trích Đức Giáo Hoàng vì đã tham dự cuộc tụ họp đa tôn giáo như vậy, và mỉa mai đó là một “siêu thị tôn giáo”, cũng như coi sự có mặt và khiêm tốn của Giáo Hoàng đã làm giảm địa vị của Giáo hội Công giáo.
Ý nghĩa lịch sử của chuyến đi này, như Giáo Hoàng khẳng định, rằng ngài đặt tầm quan trọng lớn lao vào việc “đối thoại đại kết, liên tôn giáo và văn hóa”. Đồng thời, ngài nói rằng đối thoại không có nghĩa là “che đậy sự khác biệt” mà là tìm kiếm sự hiểu biết và làm phong phú thêm.
Giáo Hoàng nhấn mạnh chủ trương của ngài, là lên án “sự hẹp hòi, áp đặt đơn phương, chủ nghĩa chính thống và hạn chế về ý thức hệ”, ngài chỉ ra rằng “chúng phá hủy tình huynh đệ, gây căng thẳng và làm tổn hại hòa bình”.
“Đây là một cuộc gặp gỡ rất quan trọng và có ý nghĩa,” một trong những người tham dự, tu sĩ Phật giáo Altankhuu Tserenjav của Tu viện Zuun Khuree Dashichoiling cho biết. Tuy nhiên, mọi thứ từ cuộc gặp này của Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là khởi đầu. Nhưng ngay từ khởi đầu, đã bộc lộ những điều rất khó trong một thế giới đang đầy sự chia rẽ và định kiến.