Cảnh khổ của một phụ nữ chạy xe ôm ở Sài Gòn

Chồng mất vì COVID-19, người mẹ chạy xe ôm công nghệ chở theo cô con gái bé bỏng cùng đi đón khách – Ảnh cắt từ video của Thanh Niên

Chồng mất sớm hồi dịch COVID-19, người vợ tiếp tục nghề chạy xe ôm công nghệ, mỗi ngày mưu sinh trên đường đều chở theo cô con gái ngồi đàng trước.

Cho con học một buổi, một buổi còn lại không thể gửi con cho ai được, mà có gửi cũng không có tiền, người mẹ đã đưa con cùng đi chở khách, chở hàng hóa.

Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Minh Trang (47 tuổi, ngụ phường 2, quận 10, Sài Gòn) và cô con gái bé bỏng xinh xắn tên Đỗ Nguyễn Minh Châu (6 tuổi), được Thanh Niên ngày 11 Tháng Chín và VTC News ngày 23 Tháng Tám 2023 tường thuật.

Sau tám năm sống chung với chồng, bà Trang mới có bé Châu khi bà đã ngoài 40. Khi Châu được hai tuổi, bà đã chọn nghề tài xế xe ôm công nghệ, gia nhập hãng Be, giống như chồng. Mỗi khi đi chở hàng hay chở người, bà đều mang Châu theo vì không gửi bé được cho ai.

Mỗi ngày người mẹ mặc áo khoác, đội mũ cho con trước khi bế cô bé lên xe đi theo mẹ kiếm tiền – Ảnh cắt từ video của Thanh Niên

Khi chồng mất, bà mất chỗ dựa, hai mẹ con càng gắn bó với nhau hơn. Để có đủ tiền trang trải hằng tháng (thuê phòng trọ hết hơn 3 triệu đồng, học phí cho con hơn 1 triệu đồng, tiền sinh hoạt của hai mẹ con), ngoài việc chạy xe ôm công nghệ (thu nhập bấp bênh), hơn một năm nay bà Trang phải nhận giúp việc nhà theo giờ để mỗi tháng có thêm khoảng 5 triệu đồng.

Vào mùa hè, khoảng 8 giờ sáng là hai mẹ con ra khỏi nhà, đến trưa khoảng 11 giờ bà chở con đến nhà chủ thuê giúp việc nhà. Vài tiếng xong việc nhà chủ, hai mẹ con lại bật ứng dụng gọi xe để chở khách.

Hiện tại, bé Châu đi học lớp 1 nửa buổi, nửa buổi còn lại đi theo mẹ đón khách, chở hàng. Lúc con đi học, thì bà Trang cũng tranh thủ giúp xong việc nhà cho chủ.

Bà Trang chỉ mong khách thông cảm mỗi khi gọi xe công nghệ gặp tài xế chở theo con nhỏ – Ảnh cắt từ video của Thanh Niên

Trong căn phòng trọ 10m2, vừa là chỗ ngủ vừa là chỗ nấu nướng, tắm giặt, bà Trang cũng trang bị một cái tủ và một bàn học bằng nhựa cho con, trên kệ cũng có thú bông, còn trên tường là tấm hình con gái “tốt nghiệp trường mầm non” được phóng lớn, cùng mấy tấm giấy khen được ép plastic.

Mỗi ngày, khi bà mặc xong áo đồng phục của hãng, bà sẽ mặc áo khoác, đội mũ cho bé Châu và bế con lên xe gắn máy, bật ứng dụng gọi xe để kiếm tiền.

Kể với Thanh Niên, bà Trang nói: “Cho con ra đường đi làm cùng, tôi cũng xót lắm vì ngoài trời nắng mưa. Nhiều khách đặt xe, thấy tôi cùng bé chạy tới thì nói “Chị ra sau ngồi ôm bé đi, em chở cho”. Tới nơi, khách vẫn trả tiền, có khi còn cho thêm tiền bé mua sữa. Biết hoàn cảnh của tôi, nhiều khách rất chia sẻ, đánh giá năm sao sau cuốc xe”.

Bên cạnh đó, cũng có những vị khách ngần ngại, hủy cuốc xe khi nhìn thấy nữ tài xế đi cái xe cà tàng mà còn chở theo đứa con nhỏ.

Mỗi lần chạy xe trên đường, có khi bé Châu buồn ngủ, nếu không có khách thì bà Trang tấp xe vào chỗ có bóng mát để con ngủ; cũng có khi bé Châu bị đói, mà cuốc xe vẫn chưa hoàn thành, bà phải động viên con.

Khổ nhất là những khi trời mưa mà phải đang chở khách, hai mẹ con vẫn phải đi trong mưa để hoàn thành cuốc xe. Còn nếu mưa mà không có khách thì bà tắt ứng dụng, tìm chỗ trú cho hai mẹ con.

Trời nắng đẹp thì mỗi lần hoàn thành xong cuốc xe, đi ngang công viên, bà lại tắt ứng dụng, gửi xe để dẫn con vào công viên cho con chạy nhảy.

Vào mỗi cuối tuần, bà nghỉ chạy một buổi sáng để con được ngủ nướng.

Bé Châu hồn nhiên, lanh lợi, hiểu chuyện và thương mẹ – Ảnh cắt từ video của Thanh Niên

Cố tỏ ra mạnh mẽ để con gái không lo lắng, nhưng nhiều lúc bà Trang cũng thấy buồn khổ trong lòng vì sự cơ cực của hoàn cảnh. Nhưng nhìn con líu lo, thương mẹ, cố gắng giúp mẹ, bà lấy lại động lực sống, nguyện có đủ sức để nuôi con ăn học đàng hoàng.

Kể với nữ phóng viên, bé Châu ngây thơ bảo: “Đi cùng mẹ con thấy nắng. Con thấy da mẹ đen còn phải đi ngoài nắng nữa nên con cố gắng phụ giúp mẹ việc nhà” – “Phụ giúp mẹ là con làm gì?” – “Con lấy áo ra khỏi móc để mẹ ủi đồ”!

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (60 tuổi, ngụ quận 6), một người chị của bà Trang, nói về em gái với Thanh Niên: “Nó cực khổ lắm, một mình tự lo hết. Tôi đông cháu ngoại nên không giữ con giùm em gái mình được, thành ra hai mẹ con phải cùng nhau rong ruổi trên đường”.

Con gái là động lực sống của bà Trang và bà mong có đủ sức nuôi con ăn học nên người – Ảnh cắt từ video của Thanh Niên

Với VTC News, bà Trang lại kể có những hôm bé Châu rất mệt nên cảm thấy nản khi phải cùng đi đón khách với mẹ, bé nói: “Con chán đi theo mẹ lắm rồi, mình còn phải chạy xe đến bao giờ nữa vậy mẹ?”.

Câu nói của con khiến lòng người mẹ nghẹn đắng, nước mắt ứa ra, nghĩ sao cuộc sống của hai mẹ con lại vất vả đến vậy. “Tôi có thể chịu khổ, nhưng con còn bé quá mà phải chịu khổ như mẹ khiến tôi thấy thật tội lỗi”, bà Trang nghẹn ngào nói.

Tuy vậy, bà Trang vẫn cho rằng nghề chạy xe ôm công nghệ thích hợp với hoàn cảnh của bà vì linh động thời gian, lại có thể cùng cho con đi làm cùng.

So với những nam tài xế chạy xe ôm công nghệ có thể kiếm trên dưới 500,000 đồng/ngày, bà Trang chỉ có thể kiếm trung bình trên dưới 100,000 đồng/ngày, nên giúp việc nhà theo giờ là một “cứu cánh” của hai mẹ con bà.

Niềm an ủi lớn nhất của bà là cô con gái ngoan, hiểu chuyện và thương mẹ. Thỉnh thoảng nhớ ba, Châu lại mở điện thoại xem hình ba, nhưng cô bé ráng không khóc vì nhớ lời mẹ dặn: “Con cũng nhớ ba lắm, thương ba lắm, nhưng mẹ nói có thương thì chỉ thương trong lòng thôi, không được khóc nhiều”.

Khi hai mẹ con xuất hiện trong chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” của đài truyền hình, bà Trang nói không cầu sự giúp đỡ của mọi người mà chỉ mong khách cảm thông nếu lỡ đặt xe gặp tài xế đi đón cùng đứa con nhỏ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: