“Di chứng” của đại dịch COVID-19 là nỗi buồn vẫn kéo dài, khiến nhiều bạn trẻ chọn cách tiêu tiền để mua vui.
Ba năm trước, Linda Bùi, 26 tuổi, nhà ở California, nhưng quyết định chuyển qua Austin, Texas để sinh sống và làm việc từ xa để giảm bớt chi phí trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Bây giờ hết dịch, chi phí không thấy giảm, mà cô gánh thêm khoản nợ mới.
Nếu ở với cha mẹ, Linda được ăn, ở “free” thì từ khi xa nhà, cô không những phải trả tất tần tật các khoản như “share phòng”, ăn uống,… mà vì có thêm bạn mới, nên mỗi tháng còn tốn thêm vài trăm để cho các hoạt động hội, nhóm.
Mà đã là “hội hè” thì làm gì có chuyện free, thậm chí ngoài tiền ăn uống khi gặp nhau, còn phải đóng quỹ cho câu lạc bộ, rồi bạn bè rủ nhau, nào là đi tập gym cho giảm mỡ (sau khi ăn nhiều), tập thiền cho tâm trí bình yên (sau những đêm quậy tưng bừng), mà khóa học nào cũng phải đóng tiền.
Giờ nhìn lại, Linda vẫn thấy quyết định của mình không sai: “Bây giờ tôi có nhiều bạn bè, tôi vui hơn trước, tôi không còn cô đơn nữa. Kệ đi, có tiền cứ xài xả láng, sáng dậy sớm!”
Lianda không phải là trường hợp cá biệt, thậm chí đó còn là “xu hướng” của giới trẻ, mà bác sĩ Vivek Murthy ở Trường giáo dục sau đại học Harvard gọi là “hiện tượng đại dịch cô đơn”. Theo Insider.
Insider cũng thực hiện một cuộc khảo sát ở độ tuổi 21 đến 27 về sự cô đơn. 86% người trả lời nói họ chi tiêu nhiều tiền hơn trước đại dịch cho các hoạt động xã hội như lớp học nghệ thuật, tập gym… nhằm gặp gỡ thêm bạn bè cho… đỡ buồn.
“Nhóm tuổi từ 18 đến 25 cô đơn nhiều hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác,” Richard Weissbourd, nhà tâm lý học trẻ em và gia đình, nói. “Trong khi đây là thời điểm mà những người trẻ tuổi phải đưa ra một vài quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời và họ thực sự cần được trợ giúp.”
Matt Schulz, nhà phân tích của công ty LendingTree, cho biết: “Việc không có trải nghiệm xã hội tại văn phòng sẽ thu hẹp vòng tròn xã hội của mỗi cá nhân và việc xây dựng nhóm là rất quan trọng”.
Một cuộc khảo sát hồi Tháng Mười Hai 2022, cho thấy hơn 1/3 người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 25 cảm thấy lúc nào cũng cô đơn, nhất là trong đại dịch COVID-19, gần như bị “cấm túc” trong thời gian dài. Trong báo cáo gần đây, Vivek Murthy mô tả việc bị cô lập với xã hội gây nguy hiểm, vì nhiều thanh niên trước không hút thuốc lá, giờ “chơi” luôn 15 điếu/ngày. Điều này góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe như tim mạch, đột quỵ, mất trí nhớ….
Không khó hiểu, khi gần đây, số người trẻ đang khỏe bỗng dưng… đột quỵ, ra đi sớm.
Sau khi gặp khó khăn trong việc kết bạn ở nơi làm việc, William Cabell, 24 tuổi, chấp nhận chi $70 mỗi tháng cho khóa tập leo núi, $161 tại lớp võ thuật ở Richmond, Virginia. Mục đích chính của Cabell không phải cải thiện sức khỏe mà là gặp gỡ những người mới. “Tham gia các hoạt động này giúp quá trình kết bạn dễ dàng hơn so. Về cơ bản, bạn cần tương tác với những người ở đó và xây dựng các mối quan hệ mới”, Cabell nói.
Quả thật, Cabell không đơn độc khi tìm đến phòng gym để kết bạn. Ameen Kazerouni, giám đốc công nghệ của thương hiệu thể hình Orangetheory Fitness, cho biết số thành viên Gen Z ghi danh tập từ đầu năm 2019 đến Tháng Tám 2023 tăng tới 200%. Đây là mức tăng kỷ lục so với các thế hệ khác.
Kelly Lohr, giám đốc tiếp thị của Orangetheory Fitness, nói việc tập trung vào sức khỏe thể chất cũng như mong muốn kết nối là hai yếu tố lớn thúc đẩy nhu cầu và sự tăng trưởng các thành viên Gen Z.
Nhiều studio nghệ thuật cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng người tham gia là Gen Z. Barley Vogel, giám đốc Studio Arts Dallas, nhận thấy số lượng người trẻ tuổi tìm đến các lớp học ngày càng tăng. Rebecca Schweiger, người sáng lập The Art Studio New York, cũng thấy số lượng lớn người trẻ tham gia các lớp học để đáp ứng nhu cầu về cộng đồng và kết nối.
“Để giao lưu với nhau, đầu tiên là làm quen trong môi trường lớp học, sau đó mới gặp gỡ bên ngoài. Hầu hết các khách hàng trẻ tuổi đến các lớp học của tôi để tìm kiếm tình bạn, bên cạnh sự thoả mãn cá nhân,” Rebecca nói.
Hồi năm 2022, Noureen Shallwani, 27 tuổi, làm việc cho một công ty khởi nghiệp về công nghệ làm đẹp, phải tự xây dựng các mối quan hệ xã hội sau khi chuyển từ Austin đến Philadelphia để làm việc tại văn phòng. Không chịu được cô đơn, Shallwani tham gia các hội nhóm trên Internet để tìm người lạ cùng đi xem phim, ăn tối.
Shallwani cũng thường xuyên tham gia các lớp học Pilates để gặp gỡ mọi người, rồi lên kế hoạch tiết kiệm tiền để chi trả cho các kỳ nghỉ trong và ngoài nước cùng bạn bè, mỗi năm vài lần, và cảm thấy “dễ thở” hơn khi được hòa nhập vào môi trường vừa kết bạn, vừa tập luyện. Cô nói việc bỏ tiền ra ‘mua vui’ là hành động rất chính đáng.
Vấn đề là liệu bất cứ Gen Z nào cũng làm được nhiều tiền để xài xả láng? Ngay cả Shallwani còn cảm thấy lo lắng về sự bất ổn tài chính trong tương lai.
“Nhưng cuộc sống mà, không lo cái này thì lo cái khác,” Linda nói. “Thôi cứ lo kiếm tiền rồi xài cho sướng, còn hơn gậm nhấm nỗi cô đơn mỗi ngày.”