Chỉ cần nhìn vào “cam kết trả lãi 34-56%” của bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi), Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nhật Nam, ai cũng biết đó là cái bẫy, nhưng vẫn không ít người nhào vô để rồi bây giờ than trời, kêu đất.
Cách lừa gạt của bà Thúy không mới, nhưng nhờ lòng tham của các “nhà đầu tư thông minh”, bà ta thu về tới gần 9.000 tỷ đồng của gần 20.000 người, qua hơn 45.000 hợp đồng hợp tác kinh doanh trong 3 năm từ 2020 đến 2022!
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 30/9, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hiện nay mới chỉ có 111 nhà đầu tư chịu làm việc với cơ quan điều tra, cho hay bà Thúy chiếm đoạt hơn 138 tỷ đồng.
Theo ông Xô, bà Thúy khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Nhật Nam chưa thu được lợi nhuận. Trong khi đó, kết quả xác minh ban đầu cho thấy công ty Nhật Nam không hề có bất cứ dự án nào, ngay cả những dự án bất động sản tại tỉnh Hòa Bình và Bình Thuận được quảng bá rầm rộ cũng chỉ là những “dự án ma”.
Theo cơ quan điều tra, bà Thúy đưa thông tin sai sự thật về nhiều dự án bất động sản, cam kết trả lãi 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Thúy lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Cơ quan điều tra cũng cáo buộc, từ năm 2019, bà Thúy lập Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam nhưng không có góp vốn cổ đông. Báo cáo tài chính từ năm 2019 đến năm 2021 đều kinh doanh thua lỗ.
Bà Thúy tổ chức các buổi hội thảo thu hút số lượng lớn người tham dự, trong đó có hai hội thảo 13/3/2022 và 2/7/2022 với hơn 5.500 người. Bà Thúy mở 32 văn phòng đại diện tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức quảng bá, huy động vốn.
Tại các buổi hội thảo, Thúy sử dụng một số người có uy tín trong xã hội, có người từng công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu đây là công ty uy tín, cam kết người tham gia không bị mất vốn nếu đầu tư… Những người này đã tiếp tay cho bà Thúy lừa gạt người nhẹ dạ. Một ý kiến không mới nhưng chỉ được nhận ra khi mọi việc đã quá muộn:
“Đừng bao giờ đưa tiền cho người khác sử dụng và chỉ ngồi chờ đợi người ta chia phần, mấy người lừa đảo như bà Thúy này đã lợi dụng lòng tham, sự nhẹ dạ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Bài học cho những ai còn mộng muốn kiếm tiền nhưng không phải làm gì, đến giờ có được bài học thì đã muộn, nếu muốn làm, hãy tự mình làm”.
Ngày 8 Tháng Chín, bà Thúy bị Công an Hà Nội tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhà chức trách đang làm rõ hành vi của bà Thúy, đồng thời đang điều tra chồng bà Thúy, ông Nguyễn Khánh Phương (tức ca sĩ Khánh Phương) có phải chịu trách nhiệm chung với bà Thúy trong vụ án lừa đảo này hay không.
Thời gian gần đây, dư luận cho rằng ông Phương có động thái “chạy làng”.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, cuối năm 2022, bà Thúy tham gia Hội đồng quản trị CTCP Sông Đà 1.01 (Mã CK: SJC) với vai trò cổ đông lớn sở hữu 23,53% vốn điều lệ. Sau đó bà được bầu làm Chủ tịch HĐQT của SJC.
Sau 4 tháng làm cổ đông lớn, ngày 31/3/2023, bà Thúy đã bán ra gần như toàn bộ 1,63 triệu cổ phiếu SJC nắm giữ, giảm sở hữu xuống 22 cổ phiếu.
Ở hướng ngược lại, CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam – pháp nhân do bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT – đã mua vào 700.000 cổ phiếu SJC, qua đó trở thành cổ đông lớn của SJC với tỷ lệ sở hữu 10,18% vốn điều lệ.
Cùng ngày, CTCP Đầu tư Nam Nhật Khang – pháp nhân do ông Phạm Khánh Phương nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 68% vốn điều lệ – cũng mua vào 881.600 cổ phiếu SJC, nâng tỷ lệ sở hữu ở công ty này lên 14,69% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 8/2023, cả bà Thúy và ông Phương đồng loạt đăng ký thoái vốn khỏi SJC. Trong đó, từ ngày 7/8 – 25/8, ông Phạm Khánh Phương đã bán ra toàn bộ 908.576 cổ phiếu SJC, qua đó triệt thoái vốn khỏi công ty này.
Trước đó, ông Phương đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 245 triệu đồng vì tội mua bán chui cổ phiếu SJC.