Long thuộc vào hạng người quan niệm rằng không cần nói nhiều, hay nói nhiều không hậu quả bằng đưa những đề nghị cụ thể và có bảo đảm phần nào về sự thực hiện những đề nghị ấy.
Tuy rằng như thế không đẹp, nhưng Hiếu chỉ hơi thất vọng có một chút xíu thôi. Người đàn bà không cần lắm như con gái, một cuộc tỏ tình bay bướm, có cũng tốt mà không, cũng bỏ qua được đi cho.
-Nếu Bích-Lệ muốn, Bích-Lệ chỉ ra lịnh một tiếng là nhà nầy thuộc về Bích-Lệ ngay và những người trong nhà nầy, từ anh làm vườn, đến anh tài xế, đến cả tôi nữa sẽ là người phục dịch cho Bích-Lệ.
Trọng đã xin cưới và hắn thành công trong cái giai đoạn mà Hiếu chỉ mơ một người chồng.
Rồi Nghi đã hiến trái tim của chàng, và chàng cũng đã thành công trong cái giai đoạn mà Hiếu mơ yêu, thích có nhơn tình hơn là lấy chồng.
Bây giờ Long lại dâng nhà lầu. Vì hắn cũng hành động đúng lúc, đúng vào cái thời mà Hiếu cần nhà lầu.
Thì ra, không có chiến lược nào mà sai cả. Thành hay bại, chỉ do làm đúng lúc hay không mà thôi.
Hiếu không hề thốt ra câu:
-Em muốn ngôi nhà lầu nầy.
Nhưng nàng đã để cho Long cầm lấy tay nàng nên Long hiểu cả. Hắn nói:
-Em à, kể từ giây phút nầy, tất cả đều thuộc về của em hết. Vậy em ở lại đây luôn nhé.
-Bậy nào! Còn ba má, còn các em nữa chi?
-Thì ta sẽ rước ba má và các em về đây.
-Em chỉ ở lại đêm nay thôi.
Hiếu ngại miệng không có đưa ra điều kiện nào cả thành thử Long chỉ mắc có một câu hứa: “Nhà nầy của em!”
Câu hứa ấy hắn sẽ không chối.
-Anh tưởng cha mẹ em theo ở nhà rể mà xem được hay sao?
-Cũng tùy chú rể tốt hay xấu chớ. Em tính, nhà cửa minh mông mà không ai ở còn cất thêm làm gì cho tốn kém.
Có lẽ Long thành thật, vì chàng đã không tiếc chút nào về khoảng tiền chi dụng của nhà Hiếu mà chàng biếu bạn rất rộng rãi.
Một tuần lễ sau đêm nàng ngã vào tay Long, phim được đem ra chiếu, Hiếu không tha thiết đến dư luận đối với phim ấy! Đóng phim chỉ là phương tiện kiếm tiền chớ không phải làm nghệ thuật, nàng quan niệm như thế.
Giờ đã có tiền nhiều, thì phim được hoan nghinh hay không, thật không đáng kể. Nàng công khai ăn ở với Long như vợ chồng, tiếp bạn tại biệt thự của hắn, thanh toán nhiều khoản tiền bằng ngân phiếu của hắn.
Minh tinh Bích-Lệ làm cho toàn thể khán giả mộ phim ta thất vọng. Báo chí mạt sát tài nghệ của nàng vài tuần rồi thôi, không còn ai nhớ đến tên người con gái đẹp muốn lên cao bằng nghệ thuật ấy nữa.
Bích-Lệ chỉ thiếu có một điều nho nhỏ thôi, là một cái đám cưới. Nàng có ám chỉ đến điều ấy với Long, nhưng Long cười mà rằng:
-Phiền phức lắm, yêu nhau, ăn ở với nhau chưa đủ à?
Nàng lấy làm lạ cho đàn ông con trai hết sức. Nghi sợ nghèo nên không cưới vợ. Còn Long thì sợ gì?
Nhưng Long không để nàng rảnh trí là lo sợ về sự bấp bênh của địa vị nàng. Hết Đà- lạt, đến Nha-Trang, hết thành phố, đến núi rừng, họ sống những ngày đầy đủ và thay đổi.
Khi trong nước không còn gì lạ lùng, không còn khung cảnh nào đặc biệt để họ tiếp tục tuần trăng mật của họ, thì Long xin giấy xuất ngoại cho hắn và nàng.
Hôm đi sắm y phục ấm để du lịch các xứ lạnh, Hiếu bị Hoàng thấy từ đằng xa. Nàng không dám gặp mặt Hoàng nữa từ ngày xa Nghi. Trong vụ nầy, nàng chỉ là nạn nhơn thôi chớ không phải là thủ phạm như đối với Trọng, nhưng nàng vẫn sợ sự khiển trách của người bạn nầy. Nếu Hoàng nói: “Ấy, trời trả báo em đó”, nàng sẽ mắc cỡ đến đâu!
Lạ quá, sao mà Hoàng bây giờ trông quê mùa quá và hèn quá, Hoàng bảnh bao trước kia mà nàng đã tôn lên là thầy đời cho nàng.
Gần những người sang trọng nhiều quá rồi, tự nhiên con mắt của Hiếu thấy khác trước. Nàng lơ đi, nhìn qua phía bên kia đường, như không thấy bạn, Hoàng không hiểu và vì mừng rỡ quá nên xăm xăm chạy tới chỗ hai vợ chồng vừa xuống xe.
-Em!
Hiếu giựt mình day lại, rồi lạnh lùng hỏi:
-À chị, mạnh giỏi thế nào?
Bây giờ Hoàng chợt nhận được sự thay đổi nơi bạn nên nói:
-Cám ơn. Thôi chào nhé!
Rồi nàng xây lưng mà đi ngay. Hiếu hối hận quá, nhưng không thể thân mật với Hoàng trong khi rất nhiều người quen biết đã trông thấy nàng.
Nếu gặp một chị bếp, một chị bán cá, chắc Hiếu không có thái độ đó, vì những người ấy chỉ có vẻ là người giúp việc cho nàng thôi, Hoàng thì khác.
Hoàng là người bảnh, nhưng bảnh của hạng thấp về địa vị xã hội. Người ta sẽ biết rằng Hoàng là bạn của nàng.
Lạ quá, nàng nghĩ, sao cũng chính những người đó, mà bây giờ mình lại nhìn thấy họ khác hẳn trước. Bà Bồ-Đào cũng quê quá trời, bà là người đầu tiên đã nắm tay mình mà dắt lên trên thang xã hội, bà mà trước đây mình xem như là người đàn bà cao niên bảnh nhứt trong lứa tuổi của bà, thế mà bây giờ…
Xuất ngoại với tư cách nhà du lịch là sự hưởng thụ cao nhứt của ta trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Ở chuyến đi nầy, Hiếu đã bỏ lại nhiều người, bỏ họ lại trên đường tận hưởng cuộc đời. Đó là những người sống gần gũi nàng lúc sau nầy trong ấy có Suzie và Nghi, và những nghệ sĩ của đoàn Bạch-Thủ, những người hiểu xa, biết rộng.
Nói chi Trọng, bà Bồ – Đào, toàn là những người bị bỏ lại từ trước, nàng nghe những người đó xa nàng không biết bao nhiêu.
Hiếu nhớ sự phân vân của nàng khi có một ông tham sự còn trẻ cậy người đi hỏi nàng lúc nàng vừa gây sự với Trọng.
Lúc ấy nàng đã do dự đến một tuần lễ, rốt cuộc nàng từ chối. Một gia đình của một ông tham sự, tức là công chức gần cao cấp, mức sống dĩ nhiên là hơn hẳn gia đình của một tư chức nhỏ, thế mà cũng còn kém xa mức sống của những người trong hàng ngũ của Long.
Long không làm gì hết, có một thương cuộc không thương vụ, nhưng vung tiền không ngại tay, toàn là tiền xin của ông bố thương gia mà thôi.
Cái ông bố ấy, bố thí cho con mỗi tháng bao nhiêu đó thì biết ông ấy có hơn thế bao nhiêu rồi.
“Nghĩ lại mà giựt mình! Nếu không sớm mở mắt, mình làm vợ Trọng thì giờ nầy hẳn là đang lau gạch ở nhà. Và nếu tiến hơn một bước, mình làm vợ ông tham sự ấy, hẳn giờ nầy đang kho cá cũng nên”.
***
Chương trình dài của đôi bạn chỉ mới thực hiện được có ba tuần lễ. Họ vừa biết qua một thành phố Ba-Lê xa hoa, còn những địa phương ngộ nghĩnh của Pháp mà họ muốn viếng, còn những nước gần như Ý, Thụy-Sĩ, Tây-Đức, Anh-Quốc mà họ muốn nhơn tiện đến xem cho biết một lần.
Nhưng một việc không hay xảy đến cho Hiếu. Trước đó một tuần lễ, nàng nghe khó chịu trong người, thấy bất thường nhưng không phân tách được sự khó chịu đó để biết nó thuộc loại nào.
Vào cuối tuần thì vài triệu chứng ló dạng rõ rệt: nàng thường chóng mặt trong ngày và mới bắt đầu bữa ăn đã nghe buồn nôn. Những triệu chứng ấy, càng bữa càng nặng hơn lên nên Long đưa bạn đi bác sĩ. Vì Hiếu kém ngoại ngữ nên Long xin phép vào phòng khám bịnh với bạn mà chàng nói là vợ chàng để làm thông ngôn.
Vị bác sĩ già ấy chỉ khám sơ sơ thôi và hỏi nhiều hơn. Xong, ông ta nói:
-Bà có dấu hiệu cấn thai. Tuy phải thử mới dám chắc một trăm phần trăm, nhưng tôi kinh nghiệm nhiều năm, nên cũng ít khi nói sai lắm. Ông bà có muốn thử hay không?
Đôi bạn nhìn nhau, Hiếu mỉm cười và mắt âu yếm với Long hơn bao giờ cả. Long thì hắn giựt mình vì chuyện ấy đến đột ngột quá hắn không nghĩ tới nó bao giờ, nên khó chịu vì bị quấy rầy trong lúc hắn đang an vui.
Hắn châu mày rồi đáp:
-Thưa bác sĩ, có thai hay không, không quan hệ. Tôi chỉ muốn biết đàn bà của tôi sẽ đau ốm như vầy bao lâu và có trị được hay không?
-À, người đàn bà nào cấn thai, cũng khó chịu vài tuần. Nhưng thỉnh thoảng có người khổ sở lắm như bà đây chẳng hạn. Theo dấu hiệu mà tôi thấy đây, thì bà còn phải chịu nhiều chứng nữa.
-Nhưng trong bao lâu?
-Nếu trường hợp ấy xảy ra thì ít lắm cũng hai tháng.
-Có trị lành hay không?
-Ngày xưa thì không. Nhưng giờ thì trị được, nhưng phải hai tháng như tôi vừa nói.
-Bác-sĩ có chắc lắm không?
-Chắc, nhưng cố nhiên là tôi cũng có thể nói sai. Cơ thể con người là một bộ máy tốt, nhưng hay dở chứng bất ngờ, không sao nói đúng mãi được. Nhưng ông bà về nhà vài bữa chắc biết. Cứ uống thuốc theo toa tôi đây, rồi nếu thấy chẳng những không đỡ mà lại nặng thêm thì tức là bị trường hợp cái thai hành dữ một cách đặc biệt, có thể nôn oẹ mỗi ngày năm mười lần và không ăn uống gì được.
Họ nhận toa, trả tiền rồi lặng lẽ đi ra. Thấy Long lặng lẽ quá, Hiếu đâm lo hỏi:
-Anh định lẽ nào?
Thật ra, Long chưa chán Hiếu, và cũng không sợ có con với Hiếu. Hắn chỉ buồn về cuộc vui dài hạn của hắn bị đình trệ thôi.
-Anh không nghĩ sao cả.
-Anh vui mừng hay lo?
-Không nghe sao hết.
-Nghe nói trẻ con sanh ra ở đất Pháp mặc nhiên được xem là dân Pháp. Thế là mình có một thằng Tây con trong nhà anh hớ?
Hiếu muốn pha trò xem Long có vui lên được hay không, nhưng hắn như đi xa rồi.
Hiếu nằm ở khách sạn chịu trận trong bốn hôm liền, chứng nôn mửa không cưỡng được, mặc dầu nàng uống đến bốn thứ thuốc của vị bác sĩ già ra toa.
Trong thời gian ấy, Long ra ngoài một mình! Hắn chưa chán bạn, nhưng bạn hắn lại không theo hắn được thành ra hắn buồn, phải tìm bạn mới. Hắn bỗng chợt nhận ra rằng bạn hắn mà đau ốm thình lình như vậy, không phải là một mối lo rầu cho hắn mà còn trái lại nữa, bởi vì cô bạn mới làm quen được, dễ yêu biết bao nhiêu.
Khi hắn thân nhiều với cô bạn ấy, hắn còn mong cho cái thai nó hành bạn hắn còn dữ hơn, và tài trị bịnh của vị bác sĩ già trở nên vô dụng, Hiếu phải nằm mãi ở khách sạn, để hắn tự do với người tình nhân Âu-Châu mà sự quyến rũ ghê hồn của thể xác làm cho hắn thấy người bạn cũ hết hấp dẫn.
Năm ngày sau lần đầu đi nhờ khám bịnh, Hiếu mửa tợn quá. Long về đến khách sạn hồi ba giờ khuya, thế mà Hiếu vẫn còn mắt ráo hoảnh, nằm thở dốc sau một cơn nôn.
Hắn nói:
-Mai anh đưa em đi bác sĩ một lần nữa.
-Ổng đã nói vậy thì tức là gặp trường hợp cái thai hành bất thường, tưởng khỏi cần khám nữa.
-Cố nhiên. Nhưng em phải được săn sóc. Nhứt là ba hôm nữa anh phải đi Thụy-Sĩ, thì anh tưởng nên nhờ ông ta gởi em vào bịnh viện.
-Anh đình việc đi chơi lại, ở nhà với em một thời gian ngắn không được hay sao?
-Em đã biết rằng không phải anh đi chơi không mà thôi. Em quên rằng anh cần tiếp xúc với hãng đồng hồ bên ấy cho ba anh sao?
Hiếu lại nôn mửa, và nôn mửa xong thì nằm thở dốc. Khi Long thay y phục xong xả, đến bên cạnh nàng thì thấy nàng đang khóc.
-Sao em lại khóc ?
-Nhiều lúc, sau một cơn nôn, em nghe muốn đứt hơi, em sợ chết quá.
-Bậy nào? Có bao giờ cái thai hành đến chết người mẹ đâu.
-Phải, nhưng em không chết vì cái thai. Em chỉ chết vì tim thôi. Em nhớ ra cách đây mấy năm, bác sĩ đã nói rằng tim em yếu lắm. Em sợ chết vì tim lụy bởi chịu không nổi những trận hành liên tiếp nầy.
Nói rồi, Hiếu nức nở khóc, Long thở dài không biết tính sao. Lâu lắm, Hiếu mới dứt lệ và thỏ thẻ với bạn.
-Anh nè, nếu phải chết, em cũng không sợ lắm. Nhưng em ước ao khỏi bỏ xương nơi đất khách và thấy mặt cha mẹ, em út, trước khi từ giã cõi đời.
Nàng lại khóc vì xúc động bởi những điều vừa mới nói xong.
-Nếu anh thương em, anh chịu khó đưa em về xứ rồi trở qua đây một mình. Em rất sợ chết trong nhà thương, xa những người thân yêu.
Long không phải người tệ lắm, không nỡ bỏ bạn dễ dàng như một kẻ đểu giả nào nên nằm buồn làm thinh một hồi rồi chàng nói lên quyết định của chàng:
-Ừ, thôi để anh đưa em về xứ.
Nếu phải nằm ở khách sạn mà đợi những hai tháng cho Hiếu khỏi bịnh thì tốn hao quá, lại chán chết đi được, mà đi chơi một mình thì không đành, Long thấy về nước là hơn cả.
Tới Sài-gòn rồi, chàng sẽ được tự do, vì Hiếu sẽ có người thân yêu để săn sóc nàng.
Và quả đúng như thế. Suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ đi máy bay, Hiếu dở chết dở sống vì mệt nhọc của cuộc phi hành chớ không phải vì bịnh trở nặng. Nhưng đôi bạn trẻ có biết đâu, và Hiếu cứ trối trăn đòi bạn đưa quay về nhà nàng.
Long cũng chỉ ao ước thế thôi. Vì đeo trên lưng một con bịnh, Long muốn trốn mọi cuộc đón rước của bạn hữu nên không cho ai hay tin chàng về Sài-gòn cả, chỉ đánh điện cho cha chàng để mượn người tài xế của ông cụ đem xe lên đón chàng và Hiếu tại phi cảng thôi.
Trước khi xuất ngoại Long đã có đến nhà ông Trung mấy lần. Số là ông bà Trung thấy con phóng túng quá mới la mắng nàng. Sau Hiếu thú thật tội lỗi và lý do vì sao mà nàng ngã vào tay Long. Những bước không may của nàng trên đường tình rồi sự cần tiền về sau đó. Ông Trung mặc nhận rằng con ông đã bị đưa vào cái thế hư đó một cách tự nhiên, mặc dầu nó không muốn, nên ông làm ngơ đi cho.
Bà Trung cẩn thận hơn, biến sự làm ngơ bất đắc dĩ ấy ra một cuộc tha thứ, một lối thú phạt theo lối ở thôn quê nên đã xúi con òn ĩ cho Long chịu theo về nhà với nàng để tạ tội.
Vì thế mà Long đã đến, và sau lại đến nhiều lần, mỗi bận Hiếu nhõng nhẽo về nhà mẹ mà nằm thì chàng lò dò theo để năn nỉ.
Xe ngừng ngoài đầu ngõ. Long tay xách va-ly, tay dìu bạn, chầm chậm đi vào phía trong cùng. Mặc dầu quá mệt nhọc, chỉ muốn ngã lưng xuống bất kỳ ở đâu cũng được, có nằm đại trên mặt đường, chắc cũng sướng lắm, Hiếu vẫn thích thú vô cùng mà được bạn săn sóc như vầy.
Long chỉ lịch sự thôi, nhưng lịch sự, trong con mắt của Hiếu, của những người trong xóm, được xem như là dấu hiệu của yêu thương.
Đây là lần đầu mà mặc cảm thiếu một cái đám cưới, mặc cảm ấy nơi lòng Hiếu, được xóa bớt nhờ sự săn sóc nầy.
“Thôi thế cũng xong, Hiếu nghĩ. Chỉ sợ miệng đời trong xóm thôi, chớ khắp nước, khắp thế gian, còn ai mà biết chuyện của mình để xầm xì, xậm xịt. Bọn giao thiệp với mình thì không cho đó là xấu hổ lắm thì lũ nó biết vẫn khỏi phải ngại. May quá, nếu không có cuộc dìu dắt hôm nay thì mấy tháng sau thật không biết giấu cái bụng ở đâu mỗi lần về xóm.”
Hiếu yếu lắm, cố ý chậm bước cho người ta thấy nàng được chồng cưng, nên chi họ đi lâu quá sức mới tới trước cầu ván.
Trưa thứ bảy, và mới có ba giờ, nên cả nhà còn nghỉ yên, trừ mấy đứa bé nhứt đang âm thầm vật lộn với nhau dưới gạch.
Đôi bạn qua cầu, đi tới thềm mà không ai hay cả. Con chó già đã chết từ hai tháng nay nên sinh vật độc nhứt có thể báo động không còn nữa để phá rối cuộc yên tĩnh ở đây.
Lạ quá, trước khi sang Pháp, có khi Hiếu ở đằng nhà “nàng” tức là nhà của Long, suốt tháng không về nhưng không nghe sao hết, mỗi bận trở lại đây. Nhưng giờ, mới xuất ngoại có bốn tuần lễ mà nàng bùi ngùi cảm động quá, khi nàng nhìn lại mái nhà đã ấp ủ đời con gái của nàng.
Có một cái gì như là nỗi đau thương của một thiếu phụ bị chồng phụ rẫy trở về với mẹ, nửa mừng thấy lại mái nhà xưa, nửa tiếc thương thời trinh nữ của mình mà mình biết rằng đã mất đi một cách không xứng đáng và không bao giờ tìm lại được nữa.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP