Trào lưu mới của các công ty là đưa văn phòng đến tận người lao động ở xa. Sau khi các nhân viên phải chuyển đi xa trụ sở chính trong thời đại dịch, một số doanh nghiệp cố giữ họ lại bằng cách nối dài không gian văn phòng đến tận nơi họ ở.
Xu hướng mới đang phát triển
Wall Street Journal thuật, Caroline Giese chuyển đến Durham, North Carolina từ Seattle (Washington) trong đợt Covid-19 đầu tiên năm 2020 để sống và làm việc từ xa. Khoảng hai năm sau, văn phòng của cô cũng “đi theo” cô đến đó. Thay vì yêu cầu Giese quay lại văn phòng ở West Coast, Tháng Mười 2022, công ty tư vấn Boston Consulting Group nơi cô làm việc quyết định mở rộng văn phòng đến khu vực Raleigh-Durham, nơi ở mới của Giese và nhiều nhân viên khác.
Không gian làm việc chung thuê của WeWork. “Việc đi lại chỉ còn khoảng 10 phút nên tôi có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động sau giờ làm việc, như chơi thể thao, tham quan và chạy dã ngoại trên con đường American Tobacco Trail. Cảm giác rất khác khi có một văn phòng mở rộng. Làm việc cá nhân từ xa 100% không đơn giản vì có nhiều công việc đòi hỏi sự cộng tác, động não và làm việc cùng nhau. Việc học tập và phát triển sẽ nhanh hơn rất nhiều khi được gặp mặt trực tiếp, dù chỉ trong văn phòng nhỏ mở rộng” – Giese bộc bạch. Hiện chuyên viên tư vấn quản lý 34 tuổi này phụ trách các khách hàng ở khu vực Southeast, không bắt buộc phải có mặt ở văn phòng số ngày tối thiểu mỗi tuần.
BCG, một công ty toàn cầu với 29 văn phòng tại Hoa Kỳ cũng đã mở thêm bốn văn phòng con tại Nashville (Tennessee), San Diego và Brooklyn (New York) trong hai năm qua để hơn 300 nhân viên có thể sống ở nơi họ muốn sống. Theo Brian Gross, giám đốc điều hành của BCG tại Bắc Mỹ, lý do chính khiến BCG mở các văn phòng vệ tinh là để thu hút và giữ chân nhân tài.
Ông giải thích: “Dù nhân viên ở các văn phòng vệ tinh thường không làm việc trong nhóm chung nhưng họ vẫn được tiếp xúc với văn hóa công ty và có cơ hội cộng tác với nhau”. Các thành phố như Durham và San Diego có các trường đại học danh giá như Duke và Đại học California không chỉ thuận lợi cho việc tuyển dụng nhân viên mới mà còn là nơi hấp dẫn để sinh sống.
Sau ba năm hết đại dịch, các doanh nghiệp và người lao động vẫn gặp khó khăn khi kêu gọi nhân viên đến văn phòng cũ làm việc. Hai bên đang cố gắng tìm ra công thức tốt nhất kết hợp giữa làm việc trực tiếp và làm việc từ xa. Với tỷ lệ thất nghiệp hiện dao động gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, thị trường lao động khởi sắc đồng nghĩa với việc các nhà tuyển dụng phải làm sao vừa linh hoạt nơi làm việc vừa tận dụng được hết khả năng của người lao động (theo Bộ Lao động, số lượng việc làm có sẵn đã vượt quá 3.3 triệu trong Tháng Tám).
Nhiều nghiên cứu cho thấy người lao động xem trọng sự tự do và linh hoạt của làm việc từ xa (trong một số trường hợp còn ưu tiên hơn cả việc tăng lương). Để đáp ứng yêu cầu này, các văn phòng tại 10 thành phố lớn của Hoa Kỳ vẫn giữ công suất sử dụng trung bình khoảng 50% không gian văn phòng vào cuối Tháng Chín (theo dữ liệu hàng tuần từ nhà cung cấp dịch vụ bảo mật Kastle Systems). Không gian còn lại chuyển sang làm việc từ xa và tại các “văn phòng nối dài”.
Nhưng các chủ doanh nghiệp chưa thống nhất
Tuy nhiên, đa số giới chủ vẫn muốn nhân viên đến văn phòng thường xuyên hơn để dễ giám sát. Các doanh nghiệp lo ngại năng suất và văn hóa công ty sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu nhân viên bị phân tán trong một thời gian dài. Các công ty như Zoom, Google (thuộc sở hữu của Alphabet) và Meta Platforms (của Facebook) đi tiên phong về làm việc từ xa, nhưng nay cũng yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng.
Mùa hè này, Amazon thông báo, các nhân viên vẫn còn làm việc từ xa hãy chuẩn bị chuyển đến các văn phòng con tập trung ở các thành phố lớn. Travis Howell, trợ lý giáo sư tại Đại học tiểu bang Arizona từng nghiên cứu các xu hướng hợp tác làm việc, nhận xét: “Các công ty có thể tiết kiệm chi phí bằng cách thuê thêm không gian làm việc chung tại các thành phố có giá thuê thấp. Theo tôi, xu hướng này ngày càng phát triển”.
Mỗi công ty làm mỗi cách. Citigroup yêu cầu nhân viên trên toàn cầu phải có mặt tại văn phòng ba ngày một tuần. Từng cân nhắc mở các văn phòng phụ nhỏ hơn tại Nassau và Westchester ở New York (chỉ cách văn phòng chính Manhattan một đoạn ngắn), ngân hàng này đã từ bỏ ý tưởng trên. Edward Skyler, người đứng đầu bộ phận dịch vụ doanh nghiệp và các vấn đề công cộng của Citigroup giải thích: “Ngân hàng là một ngành học nghề. Các nhân viên sẽ học được nhiều điều khi làm việc bên cạnh nhau. Chúng tôi muốn họ tập trung lại một nơi”.