Tin liên quan:
Hà Nội: Cả ngàn cư dân khu đô thị Thanh Hà phải dùng ‘nước sạch có mùi’
Như tin đã đưa, nhiều ngày qua, hàng ngàn cư dân tại chung cư Khu đô thị Thanh Hà phải đảo lộn cuộc sống vì mất nước sinh hoạt từ đầu Tháng Mười đến nay.
Ông Phan Minh Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 (khu đô thị Thanh Hà) cho biết, tình trạng thiếu nước xảy ra sau khi người dân tố nước sạch do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà) cung cấp không bảo đảm chất lượng, khiến một số cư dân bị mẩn ngứa, khó thở và xuất hiện tình trạng bị tức ngực khi sử dụng.
Nhiều người dân tại đây cũng cho biết, dù mất nước sạch xảy ra đã nhiều ngày nhưng phía Công ty Thanh Hà không có thông báo nào tới cư dân ngoài một thông báo ngắn gọn về việc ngừng cấp nước khai thác từ trạm cấp nước của công ty để “nâng cấp, điều chỉnh công nghệ”. Hành động thiếu trách nhiệm này làm hơn 3,000 cư dân ở 3 tòa chung cư không kịp trở tay, cuộc sống sinh hoạt đảo lộn. Được biết, để có nước sinh hoạt, người dân phải góp tiền mua, mỗi xe chở khoảng 5m3 nước có giá là 1.2 triệu đồng.
Trước tình hình trên, UBND huyện Thanh Oai đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để tìm phương án giải quyết.
Tại buổi họp, ông Dương Đình Trình – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà – cho biết, theo thống nhất với Sở Xây dựng Hà Nội, khu đô thị Thanh Hà sẽ được Công ty CP Nước mặt Sông Đuống cấp 2,000m3/ngày qua hệ thống đường ống của Công ty nước sạch Hà Đông.
Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Nước mặt Sông Đuống cho phóng viên Báo Lao Động biết, họ không liên quan gì đến việc cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà.
Vị đại diện này cho biết thêm, nếu có yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, công ty chỉ tham gia đến đầu nguồn của nước sạch Hà Đông mà thôi. Trước đây nhiều người dân ở Khu đô thị Thanh Hà đã sang phía công ty để yêu cầu cấp nước, tuy nhiên theo quy định của Thủ tướng về việc phân vùng cấp nước, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống không được phép cấp nước sạch cho vùng Hà Đông.
Một lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Đông cũng cho biết, phía công ty không hề cấp nước và không liên quan gì về nước sinh hoạt với Khu đô thị Thanh Hà. Bên Công ty nước sạch Hà Đông cũng đang thiếu nước sạch nên không thể hỗ trợ được bên Khu đô thị Thanh Hà.
Cuối cùng, người dân không biết Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà lấy nguồn nước từ đâu?
Dân chung cư nhịn tắm nhiều ngày, không rửa bát, dùng lại nước đánh răng,…
Rất nhiều tình huống bi hài xảy ra tại Khu đô thị Thanh Hà trong những ngày này, khi Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà không báo trước về việc cắt nước mà sau đó mới ra văn bản khiến người dân không kịp trở tay tích trữ nước cho sinh hoạt.
Người dân giờ phải ôm chậu, thau, chai, lọ đứng xếp hàng vây quanh xe nước trước cửa chung cư. Nhiều người phải xếp hàng thâu đêm để lấy nước, với giá cao gấp nhiều lần.
Nhiều gia đình phải giữ lại nước đánh răng để tái sử dụng cho việc xả nước khi đi vệ sinh. Đối với những gia đình có con nhỏ hoặc người ốm, việc không có nước sinh hoạt quả thật là cực hình.
Hàng ngày, họ phải tốn rất nhiều tiền mua nước đóng chai về sử dụng. Nhưng nhu cầu quá cao đến nỗi nước đóng chai các siêu thị, tạp hoá ở khu vực xung quanh cũng đều phải cháy hàng.
Sáng 16 Tháng Mười, trả lời phóng viên Báo Dân Trí, chị T.T.L.H. cho biết chị phải xin nghỉ làm, ở nhà vừa chăm sóc mẹ già, vừa chờ xe chở nước sạch đến sảnh chung cư. Khi chồng chuẩn bị đi làm, chị dặn mang theo túi quần áo bẩn nặng hơn 20kg đến tiệm giặt ủi.
“Tôi vừa mang xô đi khắp nơi xin nước cất dành đi vệ sinh”, người phụ nữ 39 tuổi ngán ngẩm nói, nhìn vào chồng bát đũa chất cao trong bồn rửa.
Trong bữa cơm tối 15 Tháng Mười, chị H. dùng màng bọc thực phẩm bọc xung quanh bát, đũa và đĩa. Bằng cách này, sau bữa ăn, chị không cần rửa bát, tái sử dụng lần sau, đồng thời tiết kiệm nước.
Mỗi người trong gia đình năm thành viên chỉ được sử dụng một ca nước nhỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân. Họ không tắm, hạn chế đi vệ sinh. Chị H. cho biết thêm:
“Tôi tính không nấu ăn mà mua hàng cơm sẵn, đặt đồ giao hàng. Trong nhà hiện chỉ còn một xô nước, phải tiết kiệm cho những nhu cầu thiết yếu nhất của mẹ tôi bị bệnh”.
Lo lắng sức khỏe của trẻ nhỏ, những chậu nước chị xin về đều dành vệ sinh cho hai con. Còn nguồn nước để ăn uống đều từ bình đóng chai, gồm 4 bình to và một thùng nước khoáng, tổng hơn 300,000 đồng.
Nói về cách giải quyết tình hình khan hiếm nước hiện tại, ông Dương Đình Trình cho biết hiện chưa rõ thời gian nguồn nước được khôi phục với lưu lượng đủ dùng cho cả khu đô thị này.