Cơ quan điều tra đã “vây bắt” được 16 quan chức tỉnh Lào Cai, trong đó có ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng.
Tất cả sẽ đứng chung trong phiên tòa xử tội Rửa tiền; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, đứng chung vành móng ngựa lần này còn có hai cựu Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Thanh Dương, và Lê Ngọc Hưng.
Nói chung, cơ quan điều tra đưa nguyên dàn lãnh đạo tỉnh Lào Cai ra tòa trong vụ án khai thác quặng apatit trái phép.
Theo hồ sơ điều tra, Vịnh lúc còn giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Chủ tịch tỉnh (2012-2015), đã để Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam) và Công ty Lilama lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép 1.5 triệu tấn quặng apatit có trị giá hơn 610 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Apatit Việt Nam đã thu lợi bất chính số tiền 184.5 tỷ đồng, Công ty Lilama thu lợi bất chính số tiền 171 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Văn Vịnh đã “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Bản thân bị can đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lào Cai, đã được tặng Huân chương lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Huân chương độc lập… Được tặng nhiều bằng khen, chiến sĩ thi đua… Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra đề nghị xem xét áp dụng khi quyết định hình phạt.
Với tội danh và các tình tiết nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Vịnh khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.
Hồ sơ điều tra không cho biết bị can Vịnh có “khắc phục hậu quả” bằng cách trả lại phần nào tiền bất chính hay không.
Với bị can Doãn Văn Hưởng, lúc còn làm Phó Chủ tịch, rồi lên làm Chủ tịch tỉnh Lào Cai, ông ta đã “bật đèn xanh” cho Công ty Lilama lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 1.3 triệu tấn quặng apatit có trị giá hơn 517 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Lilama đã thu lợi bất chính số tiền hơn 171 tỷ đồng, Công ty Apatit Việt Nam thu lợi bất chính số tiền hơn 122 tỷ đồng.
Căn cứ vào các văn bản, tài liệu do bị can Doãn Văn Hưởng ký có nội dung trái quy định của pháp luật, xác định hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra: Từ năm 2013 đến năm 2015, Công ty Lilama đã khai thác và tiêu thụ trái phép 806,898 tấn quặng các loại có trị giá hơn 217 tỷ đồng.
Vẫn theo cơ quan điều tra, khi bị phát hiện và bị bắt giữ, bị can Doãn Văn Hưởng rất thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị can đã cùng gia đình tự nguyện nộp số tiền tới… 200 triệu đồng vào tài khoản của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.
Chắc nhờ số tiền “khắc phục” này, cơ quan điều tra chưa công bố đề nghị truy tố bị can Hưởng bao nhiêu năm tù.
Ngoài ra, cơ quan điều tra chưa công bố trách nhiệm của Công ty Apatit Việt Nam và Công ty Lilama như thế nào trong vụ án này.